Bởi một nỗi
niềm riêng khó nói, cụ chôn chặt bí mật trong mình 10 năm từ năm 1999 đến năm
2009, kể từ khi cụ tiếp xúc với tờ sắc lệnh quý ở nhà thờ họ Đặng trên đảo Lý
Sơn, bây giờ là báu vật quốc gia. Đến tận ngày nay, sau tròn 14 năm mới “chịu”
thừa nhận.
Năm 2009,
trong lễ khao lề ở Lý Sơn, chính TS. Nguyễn Đăng Vũ – giám đốc Sở VH- TT&DL
Quảng Ngãi đã nói ra chuyện này, nhưng cụ là người ẩn danh lui vào hậu trường
chuyện dần quên lãng.
“Ông Dương Quỳnh chính là người phát hiện và dịch đầu
tiên tờ sắc lệnh phái binh phu đi Hoàng Sa trong các giấy tờ ở gia phả nhà họ Đặng.
Đó là bản dịch tốt, sát nghĩa và hay nhất. Sau này, TS Nguyễn Xuân Diện dịch bản
chính thức cũng phải tham khảo và nhờ ông Quỳnh tư vấn” - TS. Vũ khẳng định.
Đã 94 tuổi, cụ Dương Quỳnh đọc tờ sắc lệnh (photo) vẫn không cần đeo kính.Ảnh: Nam Cường.
Duyên tiền
định
Lý Sơn những
ngày biển động, từng con sóng ầm ào xô vào vách đá núi sừng sững, tung bọt trắng
xóa. Thật lạ, khi bước hẳn vào nhà cụ Dương Quỳnh như lạc vào thế giới khác.
Thanh bình tịch mịch. Căn nhà đúng như phong thái của chủ nhân. Dân đảo tôn
kính gọi cụ là một thầy Quỳnh, cụ chỉ lắc đầu cười hiền: Tôi chỉ là người suốt
ngày đọc sách, trồng cây.
Vẻ mình triết uyên thâm ẩn sâu dưới đôi mắt buồn và
mái tóc bạc phơ. 94 tuổi, sống vắt qua hai thế kỷ, đời cụ trải qua vạn thăng trầm,
nếm ngàn đau khổ, cụ vẫn chỉ lắc đầu cười, bỏ tất cả sau lưng.
“Đó là một
cơ duyên tiền định. Không ai cắt nghĩa được”- thong thả chế trà nóng, cụ kể. Cụ
với tộc họ Đặng cùng ở đảo Lý Sơn mà lại chưa hề ghé qua thăm nhau
mặc dù danh tiếng Dương Quỳnh thông tuệ Hán văn, tinh tường tiếng Pháp, đọc
gia phả làu làu. Cơ duyên đó là năm 1982, cụ Quỳnh cùng cả nhà rời đảo vào đất
Long Thành (Đồng Nai) làm kinh tế mới. Ở đó, cụ gặp lại một người học trò từng
học tại nhà ở Lý Sơn khi xưa, tên Đặng Như Tri, bây giờ là sư thầy Thích Giải
Thiện ở chùa Huệ Minh. Đôi bên qua lại thăm nhau, cụ gặp anh trai của sư Thích
Giải Thiện là ông Đặng Tôn, thành ra thân thiết.
Bẵng mấy năm
sau, thời gian này cụ cùng gia đình về lại Lý Sơn an cư, vẫn hay qua lại với ông
Đặng Tôn, trà dư tửu hậu. Năm 1999, đúng tháng 4, như thông lệ gia tộc, họ Đặng
lại mở tàng thư dòng tộc, rải rác công bố từng phần. Ông Đặng Văn Siểm (người
được nhắc tới trong sắc lệnh), kể: Gia tộc họ Đặng có một chiếc tráp, khóa cẩn
thận. Tháng 3/1979, có một người xưng của nhà nước đến gom hết cả gia phả, sắc
lệnh của 13 họ tộc trên đảo. Ai cũng nộp, riêng họ tộc Đặng bởi một lời dặn của
ông nội tui là Đặng Văn Ngạc, mất năm 1939, rằng trong chiếc hộp có đồ vật rất
quý giá, muốn mở hộp phải có đủ chức sắc trong tộc, 20 năm mở một lần “vào những
năm lẻ có đuôi số 9".
Năm 1999, cụ
Quỳnh được ông Đặng Tôn mời đến, trước sự chứng kiến của gia tộc, dịch tiếp một
phần gia phả và các loại giấy tờ đọc trong tráp. “Lẫn trong giấy tờ, tôi
thấy có một tờ lệnh, đóng mộc đỏ thời vua Minh Mạng, lại thấy nhắc đến Hoàng
Sa. Tôi biết ngay, đó là vật quý, là bảo ngọc quốc gia” – đến tận hôm nay, sau
14 năm, nhắc lại chuyện này, cụ Quỳnh vẫn thảng thốt.
Sắc lệnh phái binh phu đi Hoàng Sa ở nhà thờ họ Đặng. Ảnh: Nam Cường.
Ngay đêm đó,
cụ Quỳnh ngồi trước án hương tộc Đặng, dưới ánh đèn mờ tỏ, rành rọt phiên
âm và dịch nghĩa của tờ sắc lệnh. Sau đó, cụ viết lại cẩn thận, dặn họ Đặng:
“Cái này rất quan trọng, ảnh hưởng đến sinh mệnh, cương thổ quốc gia, có thể là
một bằng chứng vô cùng quan trọng sau này. Phải giữ gìn cẩn mật”.
Cụ Dương Quỳnh
nhớ lại, kể từ năm 1999, khi biết có báu vật trên đảo, cụ lại phải dặn lòng,
chuyện cơ mật quan trọng không được tiết lộ. Một người từng trải trước biến cố
cuộc đời, cụ hiểu, lúc nào nên nói và nói lúc nào. “Nhưng tôi biết, rồi sẽ có một
ngày quốc gia cần đến nó”. Qủa thật, tiên đoán của cụ Quỳnh không sai. Năm
2009, họ Đặng trình lên huyện thông báo cho tỉnh, TS Nguyễn Đăng Vũ lặn lội ra
Lý Sơn, rồi các bộ ban ngành .. cùng vào cuộc. Sắc lệnh được đem vào đất liền
sau đó, trong bóng tối cụ Quỳnh cười mãn nguyện. Cũng cần phải nhắc lại một
chút câu chuyện rước sắc lệnh vào năm 2009, công tác an ninh được tuyệt đối bảo
đảm. Sắc lệnh được bỏ vào một vali an toàn, không cháy, không thấm nước. Đích
thân TS. Vũ ôm vali , ngồi phòng riêng trên tàu cao tốc, đội an ninh vây quanh
bảo vệ..
Trầm tích
Lý Sơn
Cụ Dương Quỳnh
sinh ra và lớn lên ở Lý Sơn, từ thuở nhỏ thông minh hiếu học, tiếng Pháp đọc
làu làu. Sau này, chữ Nho, Hán văn với cụ như là lẽ sống. Là thầy giáo ở đảo, cụ
được người dân kính trọng. Biến cố thời cuộc, năm 1975 cụ nghỉ hưu, chuyên tâm
vào việc sưu tầm sách cổ và tìm đến các tộc họ dịch gia phả. Từ đó, cụ
phát hiện được nhiều báu vật quốc gia còn lưu lạc trong nhân gian trên hòn đảo
này. Năm 1979, trong một lần dịch gia phả tộc họ Nguyễn, cụ phát hiện những tờ
khế quan trọng bằng chữ Hán. Đó chính là khế bán đất của tộc họ Nguyễn để lo
chuyện sắm thuyền, lương thực cho bình phu ra Hoàng Sa.
Cụ Quỳnh kể,
nhiều chuyện lâu nay cụ chôn chặt trong lòng, thấy ấm ức vì không nói ra được.
Cụ dịch tất thảy gia phả, sắc lệnh, giấy tờ... của 7 tộc họ trên đảo Lý Sơn mà
chỉ còn tộc Đặng là có sắc lệnh, tộc Nguyễn có giấy họp hương chức bán đất,
còn lại mất cả. “Năm đó, tức 1979, dân Lý Sơn chứng kiến một người tự
xưng là nhà báo gì đó ở nước ngoài, người Trung Quốc đi thu mua và lùng hết các
sắc lệnh, giấy tờ liên quan đến Hoàng Sa. Tôi đã linh cảm có chuyện không lành.
May mắn thay, tộc họ Đặng vẫn còn giữ được”.
Cụ Quỳnh có
tất cả 11 người con, hai đời vợ (vợ đầu mất 1965). Con cháu cụ giờ thành đạt khắp
nơi, từ Quảng Ngãi đến Tây Nguyên, Sài Gòn. Cụ vẫn ở đảo Lý Sơn với một người
cháu nội đang đi biển. “Con thứ 7 là Dương Quang Thụy đi biển, bị Trung Quốc bắt,
thua lỗ triền miên. Bệnh mà chết. Cháu tôi giờ cùng đi biển”.
“Thầy Quỳnh” giờ như của
hiếm còn sót lại của đảo Lý Sơn, một hòn đảo còn chất chứa bao sự u minh, bao
chứng tích còn lưu lạc. Không ai biết được, tôi hỏi tâm trạng cụ thế nào khi cầm
sắc lệnh có dấu mộc đỏ của vua Minh Mạng ở nhà họ Đặng, cụ chỉ khẽ bảo: giật
mình thảng thốt nhưng rồi lại nghĩ, cũng là hợp lý. Câu chuyện hùng binh Lý Sơn
đi Hoàng Sa truyền miệng hàng trăm năm nay, chắc chắn là có thật và ở Lý Sơn,
phải có cái gì đó lưu lại làm bằng chứng. Cụ lại cười, nụ cười của một bậc hiền
minh…
Cụ
Dương Quỳnh kể, khi ra đảo Lý Sơn, TS. Nguyễn Xuân Diện cùng trò chuyện với
nhau về một vài chữ còn chưa rõ. Ví như câu “do kim san đội nhị danh”. Có người
hiểu là hai người canh giữ súng. Nhưng cụ nói, hồi đó đi tiểu điếu thuyền (thuyền
cá nhỏ), làm sao có súng thần công. Bởi thế, chữ “san” hiểu là chum hoặc nồi.
Vì thế, đây là hai người nuôi quân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.