Vừa qua, dư luận cả nước đồng tình với phán quyết nghiêm minh của tòa án với bị cáo
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, cũng vào thời gian này, hội thảo nghiên cứu hoàn thiện quy
định Bộ luật Hình sự… do Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển Liên Hiệp
Quốc (UNDP) tổ chức lại đề nghị cần bỏ hình phạt tử hình đối với chín
tội danh.
Theo nhóm nghiên cứu, chín tội cần bỏ hình phạt tử hình gồm: Hiếp dâm
trẻ em; cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực
phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tàng trữ, vận chuyển trái phép
chất ma túy; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc
gia; tham ô tài sản và nhận hối lộ; chống mệnh lệnh và đầu hàng địch.
Với đề xuất bỏ hình phạt tử hình cho tội tham ô tài sản và tội nhận hối
lộ đã gây xôn xao trong dư luận, nhiều ý kiến phản đối vì cả nước đang
đấu tranh đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, khắc phục tình trạng xử nhẹ, án
treo... thì nhóm nghiên cứu lại đề nghị ngược lại.
Nhìn lại, sau Nghị quyết Trung ương 4, Đảng không chỉ có quyết tâm mà
đã thay đổi cả về nhận thức và hành động; các biện pháp mạnh được áp
dụng; việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được quan tâm
đặc biệt. TAND Tối cao đã ra nghị quyết hướng dẫn các tòa án địa phương
không cho người phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo.
Cả một thời gian dài chưa có trường hợp tham nhũng nào bị áp dụng hình
phạt tử hình thì trong hai vụ án tham nhũng ở TP.HCM, tòa án đã tuyên
tử hình đối với Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc ALC II; Phạm Văn Hai,
nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng Quang Vinh...
Chẳng lẽ những vụ án trên đi ngược lại xu hướng nhân đạo, không phù hợp
với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và đạo lý dân tộc?
![Từ vụ Dương Chí Dũng có nên đề xuất bỏ án tử hình?]()
Hình minh họa.
Ai cũng biết tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm, là nguy cơ làm hệ
thống chính trị bị suy yếu và dẫn đến diệt vong, hậu quả của tội phạm
tham nhũng gây ra không chỉ có thiệt hại đến tài sản, đến sự quản lý của
Nhà nước mà còn gây ra hậu quả về chính trị, làm tha hóa đội ngũ cán
bộ, làm mất lòng tin của nhân dân vào chế độ. Cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng trong một thời gian dài được đánh giá là chưa đạt đến
kỳ vọng của xã hội, nhân dân đã hoài nghi về đấu tranh chống tham nhũng,
hình phạt đối với tham nhũng chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, những bản án
tòa tuyên tử hình cho bị cáo phạm tội tham nhũng vừa qua đã lấy lại lòng
tin vào chủ trương, biện pháp chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước phát
động. Nó có tác dụng răn đe và đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho
những ai đã và đang có ý định tham nhũng.
Đề nghị của nhóm nghiên cứu bỏ án tử hình tội tham nhũng trong giai đoạn hiện nay là không phù hợp.
Còn nhớ năm 2009, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Bộ luật Hình sự cũng đề nghị bỏ tử hình tội tham ô và nhận hối lộ,
nhưng sau khi bị Quốc hội chất vấn, Ban soạn thảo đã phải rút lại đề
xuất trên trời này. Nay nhóm nghiên cứu lại đề nghị bỏ án tử hình đối
với tội tham nhũng. Đành rằng đó chỉ là ý kiến trong một hội thảo khoa
học nhưng không vì thế mà có những đề xuất đi ngược lại lợi ích của nhân
dân, của Đảng, Nhà nước.
Ở nước ta, hình phạt tử hình vẫn cần thiết, nhất là đối với tội phạm
tham nhũng. Bỏ hay giữ hình phạt tử hình tội nào phải hết sức thận
trọng, căn cứ vào yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm chứ không thể
tùy tiện. Pháp luật phải phù hợp với cuộc sống chứ không thể là quy định
“trên trời” được!
Pháp luật TP.HCM (Theo Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.