Thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, không ít người cao tuổi tình nguyện tham gia công tác cấp ủy, mặt trận, hội, đoàn thể tại địa phương. Ngoài niềm vui tuổi già, đó còn là phương pháp hữu ích giúp họ giáo dục con cháu lối sống cống hiến, vì cộng đồng.
Những nếp nhăn trên gương mặt ông Nguyễn Mạnh Hùng (73 tuổi), Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi khu dân cư Thanh Sơn 1B (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) vẫn không át đi sự nhanh nhẹn, thông minh của người cựu chiến binh già. Trong trang phục bảo vệ tổ dân phố, hằng đêm từ 20-22 giờ, ông cùng lực lượng tuần tra 8394 (gồm lực lượng công an, dân phòng, biên phòng, bảo vệ dân phố, dân quân thường trực phường) đi từng tuyến đường, con hẻm để kiểm soát, ngăn ngừa những tình huống gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Là bộ đội về hưu, ông Hùng được người dân tín nhiệm, bầu làm Trưởng ban Bảo vệ tổ dân phố từ năm 2006. Ngoài tinh thần trách nhiệm, tính cách người lính ăn sâu vào nền nếp sinh hoạt lẫn lối ứng xử, giao tiếp giúp ông Mạnh trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân trong tổ.
Nhà nào có con hư, hay gây gổ, đánh nhau, người dân đều nhấc điện thoại nhờ ông tới phân giải. Nhà nào đời sống kinh tế khó khăn, cũng tìm đến ông Mạnh nhờ tư vấn, hướng nghiệp. Thỉnh thoảng, ngoài ca trực, ông lái xe chạy vòng quanh khu dân cư quan sát, nắm bắt tình hình, nhắc nhở bà con đóng kỹ cửa ngõ đề phòng trộm cắp.
"Trong các nhiệm vụ của một cán bộ tổ dân phố, ông Hùng tâm huyết với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm. Bởi theo ông, dân phố có bình yên, cuộc sống người dân mới thoải mái, vui tươi, không nơm nớp lo sợ trộm, cướp đến nhà. Hình thành từ ý tưởng của ông Hùng, sau gần 8 năm hoạt động, mô hình “Tiếng loa an ninh” trở nên quen thuộc với bà con khu dân cư Thanh Bình 1B. Để mô hình hoạt động hiệu quả, không gây nhàm chán, ông thường xuyên thay đổi nội dung tuyên truyền, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Thành phố luôn coi trọng tiềm năng, kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi, từ đó khuyến khích, động viên họ tham gia đóng góp ý kiến, kinh nghiệm vào lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế địa phương... Ở chiều ngược lại, thành phố cũng xây dựng nhiều chính sách, tổ chức nhiều hoạt động phù hợp nhằm giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nền tảng con người vững chắc trong xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn và phát triển"
Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Phạm Quý
Thiếu tá Lưu Phan Minh Tài, Phó trưởng Công an phường Thanh Bình đánh giá cao sự tham gia của lực lượng người cao tuổi vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm. “Hiện nay, phường Thanh Bình có rất nhiều người cao tuổi tham gia lực lượng tuần tra 8394 với tinh thần cống hiến, trách nhiệm, không ngại khó ngại khổ.
Chưa kể, nhiều mô hình được người cao tuổi đề xuất thực hiện như “Tiếng loa an ninh”; “Sinh viên 3 an toàn” (an toàn trong thực hiện pháp luật, an toàn về nơi ở, an toàn về tài sản); mô hình “3 nhanh” (cơ động nhanh, phối hợp nhanh, xử lý nhanh) và mô hình “5 nhà, 4 biết” (biết cách phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, biết và thực hiện tốt văn hóa, văn minh đô thị, biết hoàn cảnh gia đình, biết được tâm tư nguyện vọng của từng hộ để hỗ trợ nhau)… góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn”, Thiếu tá Lưu Phan Minh Tài cho hay.
Là một trong những tấm gương tiêu biểu được hội nghị toàn quốc Biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2016-2021 vinh danh, ông Hùng khiêm tốn cho rằng bản thân luôn cảm thấy may mắn khi được chung tay, góp sức bảo vệ bình yên khu phố. Theo ông, ngoài trách nhiệm của một người lính về hưu, tuổi già gương mẫu, tận tụy, không ngại khó, ngại khổ cũng là cách ông giáo dục cháu con trong dòng họ.
Sinh năm 1960, ông Văn Quý Hưng là thành viên lớn tuổi nhất lực lượng tuần tra 8394 phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê. Ông Hưng tham gia lực lượng dân phòng năm 2007, sau đó được người dân tín nhiệm bầu Đội trưởng Đội dân phòng phường Thanh Khê Đông. Từ đó đến nay, ông thường xuyên cùng thành viên tổ công tác 8394 tỏa đi các hướng tuần tra khép kín địa bàn.
Mỗi đêm, lực lượng chia thành 2 ca trực: 20 giờ - 24 giờ và 24 giờ - 4 giờ sáng hôm sau. “Thời tiết bình thường không sao chứ gặp mưa to, gió lớn, người cao tuổi đi tuần cực lắm, nhất là phải ra khỏi nhà lúc 24 giờ khuya. Tuy nhiên, đó là công việc đã theo tôi suốt 15 năm qua nên tôi quan niệm còn sức còn làm, chỉ khi mệt quá, không đóng góp được gì cho lực lượng mới xin nghỉ”, ông Hưng bộc bạch.
Chỗ dựa tinh thần cho hoạt động tổ dân phố
Đến nay, hàng trăm người dân sinh sống tại tổ 4, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê vẫn không quên hình ảnh vị tổ trưởng tổ dân phố tuổi 73 Nguyễn Anh Tuấn luôn hăng hái lo từng mớ rau, củ hành cho bà con trong khu cách ly thời điểm xảy ra Covid-19. Đặc biệt, trong thời điểm tổ 4 ghi nhận hơn 50 ca nhiễm Covid-19, hơn 100 F1 đi cách ly tập trung, ông luôn tay, luôn chân xách túi tiễn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra tận xe cứu thương.
Hơn 30 năm trong vai trò tổ trưởng tổ dân phố, ông Tuấn tường tận từng tính cách, từng nếp nhà, từng ngóc ngách khu dân cư để có lối hành xử hợp tình, hợp thời điểm.
Ông Phan Xuân Phương (58 tuổi), sinh sống tại tổ 4, cho hay chính lối sống tận tụy, hết lòng vì việc chung của ông Tuấn đã làm ông thay đổi cách sống vì tập thể, vì cộng đồng, vì tình làng nghĩa xóm, thay vì sống tách biệt, cửa đóng then cài, ai biết việc nhà nấy như lâu nay.
“Tuổi cao nhưng với kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm, ông Tuấn trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà con tổ dân phố. Nhiều hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được ông quan tâm, kêu gọi sự hỗ trợ từ chính người dân trong tổ, cũng như tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ tinh thần, vật chất giúp họ vươn lên trong cuộc sống”, ông Phương cho hay.
Trong khi đó, tại khu dân cư Nại Hưng 2A, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, bà Nguyễn Thị Lợi (67 tuổi), Tổ phó Tổ dân phố 88 trở thành người chị, người mẹ tinh thần của bà con khu phố. Sống cùng con gái ở khu chung cư nhà ở xã hội, điều kiện kinh tế không khá giả, nhưng gặp trường hợp nào quá khó khăn, bà lại thủ thỉ, nói con gái hỗ trợ.
Chưa kể, bà dành hết khoản tiền tiêu vặt con gái biếu mỗi tháng để hỗ trợ thường xuyên 3 hộ nghèo tại địa phương. Nhờ lối sống nhân ái, vài năm trước, lãnh đạo phường Nại Hiên Đông động viên bà Lợi đảm nhận thêm chức vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Hội Từ thiện khu vực Nại Hưng 2A. Nhận thấy đây là cơ hội kết nối, hỗ trợ người dân tốt hơn, bà Lợi vui vẻ nhận lời, từ đó bà nhiệt tình vận động các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ gia đình khá giả trên địa bàn tham gia hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn, hộ già neo đơn cũng như trẻ em nghèo hiếu học.
Ông Phạm Quý, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố khẳng định, hiện có rất nhiều người cao tuổi nhận sự tín nhiệm cao tại địa phương bởi đã kinh qua nhiều vị trí công tác, có uy tín về mặt Đảng, chính quyền, lối sống chuẩn mực, nhân ái, vì cộng đồng.
Theo ông Quý, thành phố luôn coi trọng tiềm năng, kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi, từ đó khuyến khích, động viên họ tham gia đóng góp ý kiến, kinh nghiệm vào lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế địa phương... Ở chiều ngược lại, thành phố cũng xây dựng nhiều chính sách, tổ chức nhiều hoạt động phù hợp nhằm giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nền tảng con người vững chắc trong xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn và phát triển.
Đà Nẵng có 5.997 người cao tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, tổ chức Mặt trận, hội đoàn thể chính trị, xã hội cấp cơ sở và hơn 4.200 người là thành viên ban chấp hành các hội từ thiện, khuyến học địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.