Cùng nhìn lại 4 hầm chui được đầu tư cả nghìn tỷ của Hà Nội
Nhìn lại 4 hầm chui được đầu tư cả nghìn tỷ đồng của Hà Nội
Thứ năm, ngày 06/10/2022 16:09 PM (GMT+7)
Hầm chui Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Trung Hòa, Kim Liên có số vốn đầu tư rất lớn nhằm "giải thoát" hàng loạt điểm đen ở trung tâm Thủ đô. Tuy thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhưng không phủ nhận việc xây dựng hàng loạt hầm chui đã giải quyết phần nào vấn đề này.
Hầm chui Lê Văn Lương được đầu tư gần 700 tỷ đồng nhằm xóa điểm đen ùn tắc trên tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu (giao với đường Vành đai 3). Nơi đây có hàng chục tòa chung cư, cao ốc lớn nhỏ, mật độ dân cư, người tham giao thông rất lớn. Ảnh: Viết Niệm.
Ngay sau khi thông xe vào sáng ngày 5/10, khu vực này đã bị ùn tắc. Nguyên nhân một phần đường chưa kịp dỡ sân khấu, nguyên nhân còn lại do mới ngày đầu nên người tham gia giao thông còn bỡ ngỡ. Việc phân làn chưa đồng nhất. Ảnh: Viết Niệm.
Sáng ngày 6/10, hầm chui Lê Văn Lương thông thoáng hơn dù vào giờ cao điểm từ 7h đến 8h sáng. Các phương tiện di chuyển dưới hầm khá thoải mái, còn phía trên (đường 2 bên) người tham gia giao thông chỉ cần chờ 2 nhịp đèn đỏ là có thể qua. Ảnh: Viết Niệm.
Hầm chui Thanh Xuân dài 980 m, rộng 14 m tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến hoàn thành đầu năm 2016, xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 để tách phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi khỏi khu vực giao cắt. Ảnh: Lê Hiếu.
Hầm chui này từ khi đi vào hoạt động ít khi xảy ra ùn tắc, thi thoảng chỉ ùn ứ nhẹ ở cả 2 chiều trong giờ cao điểm sáng và chiều. Ảnh: Lê Hiếu.
Khu vực này là một nút giao thông phức tạp với, được gọi là giao lộ 4 tầng hiện đại của Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.
Dự án trị giá trên 500 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản (phần còn thừa của dự án đường vành đai 3 trên cao). Ảnh: Lê Hiếu.
Hầm Trung Hoà tại điểm đầu Đại lộ Thăng Long là nút giao cắt giữa đường vành đai 3 với Đại lộ Thăng Long và đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Lê Hiếu.
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là 689,5 tỷ đồng. Quy mô dự án bao gồm xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long - đường Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám. Mỗi hầm có 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8 m (trong đó hầm kín dài 120 m, hầm hở dài 488 m, đường dẫn vào hầm dài 83,8 m). Ảnh: Lê Hiếu.
Con đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Buổi sáng theo hướng từ Đại lộ Thăng Long về đường Trần Duy Hưng và ngược lại vào buổi chiều. Ảnh: Lê Hiếu.
Hầm xe cơ giới Kim Liên được hoàn thành năm 2009, với tổng vốn đầu tư hơn 467 tỷ đồng. Ảnh: VOV.
Hầm dài 140 m, đường dẫn dài 100 m, chiều rộng hầm 18,5 m, chiều cao 6,25 m, chiều cao thông xe trong hầm 4,75 m. Ngoài đường hầm dành cho xe cơ giới còn có hầm dành cho người đi bộ gồm hai nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và Giải Phóng, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, tuy nen kỹ thuật. Ảnh: VOV.
Hầm chui này cũng thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, việc xây dựng hầm chui Kim Liên cũng đã góp phần rất lớn trong việc xóa điểm đen ùn tắc ở khu vực này. Ảnh: VOV.
Nhóm PV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.