Cựu chiến binh góp công lớn đưa loại củ cay nồng của huyện vùng cao Nghệ An xuất ngoại

Trần Đức Thứ năm, ngày 20/07/2023 06:18 AM (GMT+7)
Vận động bà con trồng gừng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, một cựu chiến binh ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đã góp phần đưa loại nông sản người dân đã trồng từ lâu đời xuất ngoại.
Bình luận 0

Lập nghiệp với củ gừng

Tràn đầy nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong sản xuất sản xuất, kinh doanh là nhận xét chung của mọi người khi nói về cựu chiến binh Nguyễn Văn Luân (sinh năm 1957), hội viên Chi hội khối 2, Hội Cựu chiến binh thị trấn Mường Xén, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn.

Ông Nguyễn Văn Luân chia sẻ năm 1983, ông xuất ngũ về địa phương lập gia đình. Thế nhưng, ở quê với công việc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần túy nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1987, ông Luân cùng gia đình lên thị trấn Mường Xén làm nhiều nghề sửa chữa như xe máy, cơ khí…

Kỳ công đưa gừng Kỳ Sơn xuất ngoại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Luân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) trao đổi với bà con về kỹ thuật trồng gừng.

Ban đầu, HTX vận động 20 hộ dân liên kết tham gia trồng thí điểm gừng hữu cơ trên diện tích 10ha, đến nay đã có 146 hộ thuộc 6 bản trên địa bàn 4 xã tham gia trồng trên 40ha.

Đến năm 2009, kinh tế gia đình khá giả, ông thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, chuyên kinh doanh các sản phẩm nông lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan. Trong đó, ông có nhiều năm tham gia thu mua gừng dé và gừng sừng trâu, là 2 loại gừng được bà con các dân tộc huyện Kỳ Sơn trồng từ lâu đời để cung cấp cho các thương lái tiêu thụ tại các thị trường trong và tỉnh.

Nhận thấy tiềm năng của cây trồng này có khả năng đem lại hiệu quả xoá đói, giảm nghèo cho bà con dân bản và có thể là hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh của HTX, từ năm 2013, ông Luân đã cùng ăn, cùng ở, cùng lên tận nương rẫy của các hộ dân ở các bản thuộc các xã trồng nhiều gừng trên địa bàn huyện để nghiên cứu cách trồng gừng truyền thống, tìm hiểu tại sao năng suất lại thấp, mẫu mã tại sao không đẹp, từ đó rút ra kinh nghiệm phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại...

Kỳ công đưa gừng Kỳ Sơn xuất ngoại - Ảnh 3.

Sản phẩm của HTX đã đạt OCOP 3 sao.

Ban đầu, HTX vận động 20 hộ dân liên kết tham gia trồng thí điểm gừng hữu cơ trên diện tích 10ha, đến nay đã có 146 hộ thuộc 6 bản trên địa bàn 4 xã tham gia trồng trên 40ha.

Đưa gừng xuất ngoại

Sau nhiều năm tâm huyết gắn bó với bà con trồng gừng cùng với kinh nghiệm truyền thống và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng gừng đã đạt 30 tấn/ha, mẫu mã ngày càng đẹp hơn cùng với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù cùng với cách trồng truyền thống trên nương rẫy nên củ gừng Kỳ Sơn có chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao. Ước tính mỗi ha gừng cho thu nhập lên đến 200 triệu đồng, cao gấp 10 lần trồng ngô, lúa.

Thấy hiệu quả từ mô hình của HTX thực hiện thành công, đến nay đã được bà con nhân dân học tập nhân rộng ra các xã trong huyện trên diện tích 400ha. Từ thành công trên địa bàn Kỳ Sơn, HTX đã vươn ra một số xã của huyện Tương Dương như Nhôn Mai, Mai Sơn. Ở các xã này có 15 hộ tham gia trồng và cung cấp nguyên liệu thường xuyên cho HTX, trung bình 40 tấn/năm.

Kỳ công đưa gừng Kỳ Sơn xuất ngoại - Ảnh 4.

Sơ chế gừng tại xưởng của HTX.

Cùng với việc hướng dẫn bà con trồng gừng cho năng suất cao, hiện HTX của ông Luân là 1 trong những đơn vị lớn nhất chuyên thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu gừng. Mỗi năm, hợp tác xã thu mua hơn 1.000 tấn gừng và sơ chế để cung cấp cho các tiểu thương tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến thị trường các nước Banglades, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan, Turkmenistan và các nước châu Âu. 

Không dừng lại ở đó, ông Luân đã cùng chính quyền huyện xây dựng thương hiệu cho cây gừng Kỳ Sơn và kết quả như mong đợi, ngày 15/11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm gừng "Kỳ Sơn".

Đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới Kỳ Sơn mở rộng diện tích trồng gừng, mở hướng xuất khẩu với đơn hàng ngày càng lớn. Đến nay, đã có 4 xã trồng gừng đáp ứng các tiêu chí của các doanh nghiệp đem đi xuất khẩu ra nước ngoài gồm Tây Sơn, Tà Cạ, Mường Lống và Đoọc Mạy. Trên cơ sở đó, HTX đã xây dựng sản phẩm gừng Kỳ Sơn thành sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2020, sản phẩm "gừng Kỳ Sơn" đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Không chỉ thu mua xuất khẩu gừng mà HTX của ông Luân đã đầu tư máy móc đi sâu chế biến các sản phẩm từ gừng như tinh dầu gừng, tinh bột gừng, bột gừng, cao gừng, gừng sấy dẻo… nhằm nâng cao giá trị của thương hiệu gừng Kỳ Sơn lên vị thế mới.

Mới đây 17/1/2023, tại Quyết định số 156/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh Nghệ An đợt 2 của năm 2022, sản phẩm tinh dầu gừng và bột gừng của HTX Dịch vụ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao. HTX của ông Luân đã tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động, thu nhập mỗi tháng từ 6-6,5 triệu đồng và tạo việc làm thời vụ cho 146 lao động thời vụ cùng với đó là tạo việc làm gián tiếp cho hàng trăm lao động các dân tộc huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

Từ những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn và Giám đốc Nguyễn Văn Luân đã được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng; đặc biệt tháng 1/2021 ông đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng bằng khen, tháng 2/2023 ông được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng danh hiệu hội viên cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2022.

Thành công của HTX Hương Sơn do ông Nguyễn Văn Luân làm giám đốc đã góp phần đưa hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tấm gương cựu chiến binh Nguyễn Văn Luân là một minh chứng rõ nét nhất về định ý chí, bản lĩnh "bộ đội Cụ Hồ" trong thời bình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem