Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị khởi tố, trách nhiệm pháp lý ra sao?
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị khởi tố, trách nhiệm pháp lý ra sao?
Quang Trung
Thứ năm, ngày 14/11/2024 11:58 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về việc ông Võ Văn Chánh bị cáo buộc khi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có sai phạm trong vụ án "biến 9 ha đất công thành đất tư" ở Khu dân cư Phước Thái, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Động thái này được Công an tỉnh Đồng Nai đưa ra khi mở rộng điều tra giai đoạn 2 của vụ án "biến 9 ha đất công thành tư", chiếm đoạt của Nhà nước 78 tỷ đồng. Tại giai đoạn một, 13 người đã bị truy tố, đưa ra xét xử về tội Vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Võ Văn Chánh khi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký hai quyết định giao đất và cho thuê đất để Công ty CP đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái thực hiện dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái với tổng diện tích gần 9 ha.
Việc ông Chánh ký giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 1, Điều 118 Luật đất đai 2013.
Hậu quả của việc giao đất không qua đấu giá
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất đối với chủ thể sử dụng đất là tổ chức, doanh nghiệp.
Thời điểm UBND tỉnh Đồng Nai giao đất và cho thuê đất với công ty Phước Thái là thời điểm có hiệu lực của Luật đất đai 2013.
Theo đó, Điều 118 Luật đất đại 2013 quy định, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp…
Theo ông Cường, pháp luật quy định, khi tổ chức đấu giá để giao đất sẽ lựa chọn được đơn vị, tổ chức sử dụng đất có năng lực để việc sử dụng đất có hiệu quả và Nhà nước có lợi khi được nhận lại giá trị là giá tiền thuê đất ở mức cạnh tranh.
Giá quyền sử dụng đất trong khi trúng đấu giá thường cao hơn rất nhiều so với giá đất theo bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Vì vậy, nếu giao đất trực tiếp mà không qua thủ tục đấu giá, có thể dẫn đến việc tùy tiện, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, không phù hợp với sự cạnh tranh giá cả trên thị trường.
Người có chức vụ nếu bị xác định có sai phạm trong việc giao đất không qua đấu giá sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự 2015.
Còn trường hợp giá trị quyền sử dụng đất dưới 15 tỷ đồng, bị can sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất đó trên 15 tỷ đồng, hình phạt sẽ là từ 5 năm đến 12 năm tù, đây là khung hình phạt cao nhất của tội danh.
Ngoài ra, bị can sẽ còn phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả đối với những thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước do hành vi phạm tội gây ra.
Vị chuyên gia cho biết, đối với tội danh vi phạm quy định về quản lý đất đai, chứng cứ chứng minh tội phạm rất rõ ràng, đó là căn cứ vào thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, căn cứ vào các quyết định giao đất để xác định thẩm quyền cũng như thủ tục giao đất.
Nếu không đúng thẩm quyền hoặc không đúng thủ tục dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Trường hợp cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà bị can có thể đối mặt với các hình thức xử lý như đã phân tích ở trên" – ông Cường thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.