Đại biểu Quốc hội: Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra, để lại di chứng lâu dài

PVCT Thứ hai, ngày 08/11/2021 09:14 AM (GMT+7)
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam), giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài.
Bình luận 0

Người lao động là động lực tăng trưởng

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024. Phiên thảo luận này sẽ kéo dài trong 2 ngày (8 và 9/11).

Đại biểu Quốc hội: Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra, để lại di chứng lâu dài - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội sáng 8/11. Ảnh TTBCQH

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – người điều hành phiên thảo luận cho biết, trên bảng điện tử đã có 109 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký phát biểu.

Là người phát biểu mở đầu, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đã đề cập tới những vấn đề liên quan tới đại dịch Covid-19. Ông cho rằng, đại dịch Covid - 19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với dân tộc chúng ta và thế giới. Để phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, vị ĐBQH này đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số giải pháp đối với lực lượng công nhân lao động.

"Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng theo tôi hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục. Trước đây việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa. Tôi cho rằng đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước", ĐBQH Trần Văn Khải nói.

Đại biểu Quốc hội: Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra, để lại di chứng lâu dài - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội sáng 8/11. Ảnh TTBCQH

Đề xuất nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội

ĐBQH Trần Văn Khải đã kiến nghị 3 giải pháp. Thứ nhất, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng/ hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất.

Ông nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

"Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.

"Thứ ba, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", ĐBQH Trần Văn Khải nói.

Cũng đề cập đến vấn đề lao động, việc làm, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người dân; đẩy mạnh triển khai chính sách đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động; tập trung kết nối cung cầu lao động; xây dựng các nhóm tương trợ, hỗ trợ người lao động; cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ; giải quyết việc làm cho người lao động tại quê nhà,...

ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong bài phát biểu đã dành nhiều thời gian đóng góp ý kiến về khôi phục các hoạt động du lịch trên cả nước, chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid-19. Ông nhấn mạnh đây là ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế và đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem