Chủ đề nóng
Đề xuất nộp phạt cho CSGT: Liệu có nảy sinh tiêu cực?
Trong dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2014) vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến đã đưa vào quy định cho phép cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông được nộp phạt trực tiếp và nhận biên lai. Có tin Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) đã nhiều lần đề xuất Bộ Công an cho áp dụng quy định này?
- Chúng tôi đã đề xuất khá lâu nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng ý.
Vì sao C67 có đề xuất đó?
- Chủ yếu là để đơn giản thủ tục hành chính, giúp người vi phạm đỡ phiền hà do phải đi lại nhiều lần nộp tiền phạt.
Trong thời gian qua, C67 có nhận được nhiều phản ánh của người dân về chuyện phải mất quá nhiều thời gian chỉ để nộp tiền phạt?
- Nộp phạt như hiện nay đúng là có phiền hà. Thực ra, sự phiền hà này là để giảm tiêu cực cũng như nâng cao tính răn đe đối với người vi phạm. Bây giờ, mình phải đơn giản hóa các thủ tục đó đi.

Xử phạt vi phạm giao thông phải có tính răn đe đối với người tham gia giao thông. Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều người lo ngại như thế sẽ nảy sinh chuyện CSGT vòi vĩnh, nhận hối lộ của người vi phạm một khoản tiền thấp hơn quy định?
- Nếu người dân không đủ tiền để nộp phạt trực tiếp cho lỗi đã vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ lập biên bản và tạm giữ giấy phép lái xe, đồng thời yêu cầu người vi phạm tới Kho bạc nhà nước để nộp phạt. Nếu đủ tiền thì có thể nộp phạt trực tiếp. Sẽ có nhiều hình thức nộp phạt chứ không chỉ nộp phạt trực tiếp. Tôi khẳng định quy định cho phép nộp phạt trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho người vi phạm đỡ mất thời gian trong việc đi lại. Vả lại, việc đi lại nhiều lần cũng dễ dẫn tới chuyện xin xỏ, tác động tới lực lượng cảnh sát. Nếu chúng ta cứ suy luận về chuyện cho đóng phạt trực tiếp sẽ nảy sinh tiêu cực thì sẽ không làm được gì cả. Vấn đề là phải có cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ.
Đến nay, việc tập huấn cho lực lượng CSGT trên cả nước thực hiện xử phạt theo Nghị định 171 đã được C67 thực hiện đến đâu?
- Chúng tôi đã tập huấn cho lực lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một vài vấn đề phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công an mới thực hiện được. Cụ thể như ngoài việc xử phạt tại chỗ còn quy định cho phép cơ quan, cá nhân có đủ các điều kiện thì được phép bảo lãnh phương tiện vi phạm về tự bảo quản.
|
Đáng lo nhất là tư cách cán bộ xử phạt |