"Điểm mặt" 6 thị trường và 7 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong tháng 1/2025
"Điểm mặt" 6 thị trường và 7 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong tháng 1/2025
L. Anh
Chủ nhật, ngày 16/02/2025 10:37 AM (GMT+7)
Tháng 1/2025, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện dù giảm 17,4% so với tháng trước về 6,05 tỷ USD nhưng vẫn là mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao nhất.
Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 63,25 tỷ USD, giảm 10,3% so với tháng 12/2024.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 33,19 tỷ USD, giảm 6,6% (tương ứng giảm 2,34 tỷ USD); nhập khẩu đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% (tương ứng giảm 4,94 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2025 thặng dư 3,13 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 1/2025 giảm 3,3%; trong đó xuất khẩu giảm 4%, tương ứng giảm 1,37 tỷ USD và nhập khẩu giảm 2,6%, tương ứng giảm 794 triệu USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam từ 2015 đến nay. Biểu đồ: DV t/h từ Tổng cục Hải quan.
"Điểm mặt" 6 thị trưởng và 7 mặt hàng tỷ USD
Dữ liệu Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, xuất khẩu có 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 4,6%; EU (27 nước) đạt 4,72 tỷ USD, tăng 3,5%; Trung Quốc đạt 3,65 tỷ USD, giảm 19,7%; ASEAN đạt 2,79 tỷ USD, giảm 13,8%; Hàn Quốc đạt 2,2 tỷ USD, giảm 5,5% và Nhật Bản đạt 2,15 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, tổng trị giá xuất khẩu sang 6 thị trường/khu vực thị trường này đạt 26,01 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Các thị trường xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam trong tháng 1/2025. Biểu đồ: DV t/h từ Tổng cục Hải quan.
Ngoài ra, trong tháng 1/2025, xuất khẩu hàng hóa có 7 nhóm hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD.Đó là các nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 6,05 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 4,93 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (đạt 3,86 tỷ USD); hàng dệt may (đạt 3,19 tỷ USD); giày dép các loại (đạt 1,9 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 1,42 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 1,19 tỷ USD).
Tính chung, trị giá xuất khẩu của 7 nhóm hàng này đạt 22,45 tỷ USD, chiếm 72% trong tổng trị giá xuất khẩu cả nước.
Dự báo xuất nhập khẩu năm 2025 "khó đoán định"
Đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, Cục Xuất nhập khẩu kể ra một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của đất nước như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chỉ thực hiện 2 lần giảm lãi suất trong năm 2025, sau khi đã hạ lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9; Khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Tại báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 của nhóm Phân tích – CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhận định, xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10-12% trong năm 2025, thấp hơn mức tăng trưởng 14% của năm 2024. Nguyên nhân do mức tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam trong năm 2024 có sự đóng góp đáng kể từ mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Theo nhóm chuyên gia, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 đồng pha với chu kỳ hồi phục của tăng trưởng thương mại toàn cầu nhưng tăng trưởng thấp hơn năm 2024 do mức nền cao của cùng kỳ.
Báo cáo cũng đề cập, các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ có thị trường chủ lực là Mỹ.
"Các ngành xuất khẩu quan trọng của khối doanh nghiệp trong nước có thể phục hồi rất tích cực là máy móc, thiết bị, túi xách, gỗ; phục hồi vừa phải là dệt may và thủy sản", trích phân tích của VDSC.
Đáng chú ý, các chuyên gia đề cập, tương tự như giai đoạn Trump 1.0, Việt Nam có thể được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và hàng hóa khi Trung Quốc bị áp thuế quan, nhất là trong kịch bản Trump áp thuế 60% lên hàng hóa từ Trung Quốc.
Điểm khác biệt ở Trump 2.0 là mức thuế cao hơn/quy mô lớn hơn với hàng hóa Trung Quốc và cách tiếp cận về thuế quan của Trump đối với các quốc gia khác.
Cụ thể, thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 của Việt Nam nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn các thị trường khác, chi tiêu dùng tăng trưởng ổn định và làn sóng tích lũy hàng hóa nhằm ứng phó với các chính sách thuế quan từ chính quyền Trump 2.0.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi các chính sách phòng vệ thương mại của nước bạn.
Trong kịch bản cơ sở, nhóm chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt giả định chính quyền Trump 2.0 sẽ áp dụng thuế quan/biện pháp phòng vệ thương mại có mục tiêu và liên kết các thuế quan này với các quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn với mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng đến hàng hóa Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam để né mức thuế cao hơn từ Mỹ.
Xác suất Việt Nam bị áp thuế từ 10-20% (dù thấp) vẫn có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026, theo đó ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.