Tạo vùng sản xuất hàng hóa
Ông Giáp Văn Tiền – Chủ tịch Hội ND xã Lan Giới cho biết, năm 2006, UBND xã Lan Giới có chủ trương dồn điền đổi thửa và khuyến khích ND trong vùng phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại. Nhiều hộ đã hưởng ứng làm theo. Với mục đích tạo môi trường để ND trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, chia sẻ thị trường tiêu thụ và giúp nhau cùng làm giàu, năm 2008, Hội ND xã Lan Giới thành lập Tổ nông dân liên kết chăn nuôi với xuất phát điểm là 8 thành viên.
Tham gia tổ liên kết chăn nuôi lợn, chị Nguyễn Thị Huyền, xã Lan Giới có doanh thu 5 – 7 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Thu Hà
Theo ông Tiền, sau nhiều năm hoạt động tích cực và hiệu quả, tổ liên kết đã góp phần đưa Lan Giới là 1 trong những xã đứng đầu về phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa trên địa bàn huyện Tân Yên. “Hiện, toàn xã có gần 20 trang trại nuôi lợn kết hợp nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, doanh thu mỗi trang trại từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Điểm nhấn ở Lan Giới là các hộ biết khai thác lợi thế đất đai, ao hồ rộng để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trong đó chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, thành vùng tập trung quy mô khá lớn…” - ông Giáp Văn Tiền cho hay.
"Trong 5 năm (2010 – 2015), các cấp Hội ND tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp hướng dẫn, ra mắt 88 mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Riêng năm 2015, các cấp Hội ND trong tỉnh đã thành lập mới được 55 tổ hợp tác. Các mô hình đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động”.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch thường trực Hội ND tỉnh Bắc Giang.
|
Với quy mô 70 lợn nái, 2 lợn đực giống Bành Tỷ, hơn 400 lợn thịt/năm, 1 mẫu ao nuôi cá, 2ha đồi trồng cây ăn quả, chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Ngòi Lan là một trong những thành viên có thu nhập cao nhất tổ.
Chia sẻ về lợi ích khi tham gia tổ liên kết, chị Huyền phấn khởi nói: “Tôi chăn nuôi đến nay đã được hơn chục năm. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Tham gia tổ liên kết, cùng trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi với các thành viên khác, tôi chăn nuôi ngày càng mát tay, thu nhập cải thiện rõ rệt. Chỉ tính riêng nuôi lợn, gia đình tôi đã có doanh thu từ 5 – 7 tỷ đồng/năm”.
Chăn nuôi khép kín
Anh Hoàng Văn Thuận bày tỏ: “Mỗi lần sinh hoạt tổ, ai có kinh nghiệm, kỹ thuật mới, hiện đại đều chia sẻ rộng rãi. Không chỉ thế, các thành viên trong tổ còn thường xuyên tổ chức đi tham quan, học tập những trang trại lớn. Hiện nay, tất cả các thành viên trong tổ đều xây dựng chuồng trại nuôi lợn siêu nạc khép kín và tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ liên kết chặt chẽ nên không chỉ tôi mà các thành viên khác đều có doanh thu tiền tỷ từ chăn nuôi”.
Cũng theo chị Huyền và anh Thuận, nhiều năm sinh hoạt trong tổ, các thành viên đối xử với nhau rất chân tình, thân thiết và coi nhau như anh em một nhà. Không chỉ giúp đỡ nhau trong chăn nuôi mà các thành viên trong tổ còn chia sẻ với nhau mọi công việc trong cuộc sống hàng ngày. “Các thành viên trong tổ gây quỹ để hỗ trợ cho những thành viên không may gặp rủi ro trong chăn nuôi. Khi gia đình thành viên nào trong tổ có việc hiếu, hỷ… chúng tôi đều xúm lại giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình. Chúng tôi đều coi tổ nông dân liên kết như ngôi nhà thứ 2 của mình”- chị Huyền thổ lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.