Đọc sách cùng bạn: Người về gửi lại

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 21/04/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Tôi cùng bạn hôm nay đọc cuốn sách của nhà văn Nguyễn Phan Hách “Nơi gió bay”.
Bình luận 0

img

Có lẽ công chúng văn chương rộng rãi khi nghe đến cái tên Nguyễn Phan Hách nếu nhớ thì chỉ nhớ ông là tác giả bài thơ đã được Nguyễn Trọng Tạo phổ thành bài hát “Làng quan họ quê tôi” nổi tiếng khắp nước mấy chục năm qua. Ai nhớ kỹ hơn nữa thì có thể nhớ ra ông còn có bài thơ “Hoa sữa” nói về tình yêu đầu đời không thành của những lứa đôi mà chẳng hiểu tại ai:

Tại mùa thu, tại em hay tại anh?

Tại sang đông không còn hoa sữa?

Tại siêu hình tại gì không biết nữa?

Tại con bướm vàng có cánh nó bay?

Bài thơ này của Nguyễn Phan Hách cũng đã thành bài hát “Tình đầu” theo tiếng nhạc của nhạc sĩ Phạm Việt Long được nhiều người hát.

Hai người yêu không biết trách ai cái sự tình không thành đôi, nhưng cái sự ít người nhớ tên biết tiếng Nguyễn Phan Hách thì chắc cái lỗi ở người đọc nhiều khi vô tình. Mà cũng có khi tại ở cả ông nữa, ông làm thơ viết văn soạn nhạc, tác phẩm ông viết ra ở đủ thể loại cũng thầm lặng như con người ông. Vậy mà ông đã có một sự nghiệp văn chương nghệ thuật đầy đặn hơn nửa thế kỷ với 20 tác phẩm để lại cho đời gồm 5 tập thơ (tập đầu in 1982), 4 tiểu thuyết (cuốn đầu in 1983), 11 tập truyện ngắn (tập đầu in 1978) và 18 ca khúc đã thu âm. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng xuất bản của ông mang tên “Cuồng phong” (2008) cùng với “Thời của thánh thần” (2008) của Hoàng Minh Tường và “Dưới chín tầng trời” (2010) của Dương Hướng có chung một mạch truyện, kết cấu xuyên suốt phả hệ ba đời của gia đình dòng tộc để thể hiện một thời kỳ lịch sử khốc liệt của đất nước.

Cuốn sách “Nơi gió bay” của Nguyễn Phan Hách tôi giới thiệu cùng bạn hôm nay, cuốn thứ 21 của ông, ra đời khi ông không còn nữa. Sinh ngày 13/1/1944, ông đã mất ngày 21/4/2019. Cuốn sách là tập hợp di cảo thơ văn nhạc ông để lại được gia đình in ra để tưởng nhớ ông và tặng bạn bè văn nghệ, không bán. 

Di cảo Nguyễn Phan Hách bao gồm những tác phẩm ông viết chủ yếu trong mười năm, khi thế kỷ mới đi sang thập niên thứ hai. Đó là lúc cuộc đời ông đã ngoài tuổi bảy mươi, quỹ thời gian sống dần rút ngắn, ông ngoái nhìn lại quá khứ. Tâm trạng này rõ nhất trong phần thơ.

Điều đầu tiên ông nhớ thương tưởng vọng là làng quê gia đình. Ông tìm về hồn quê Quan họ khi “Tình thì thăm thẳm ngàn năm / Đời như lá nhú xanh mầm trên cây / Ngẩn ngơ lá đã vèo bay / Thời gian là gió nối ngày hư vô”. Ông lần về những làng Quan Họ xưa với “Em về ngõ cũ xa vời / Câu ca hư ảo bóng người mờ sương”. Ông nhớ quê ngoại là một vùng Sân Hát để khi mẹ đi làm dâu “Mẹ đem câu hát miền khoai lúa / Làm của hồi môn chốn thị thành”. Ông về thăm quê thấy “Lập lòe đom đóm trong vườn / Cho tôi mãi mãi vẫn còn trẻ thơ ? Như là chú bé ngày xưa / Vẫn trong tôi vẫn ngu ngơ giữa đời”. Ông hoài niệm mối tình xưa em trao anh, “Như đất trời một phút giao nhau / Chút hờ hững bàn tay tuột mất”. Làm những bài riêng về từng chốn từng nơi cụ thể chưa đủ, ông còn làm cả một bài ca dao tình quê bằng lục bát theo kiểu đối đáp nam nữ thuở xưa: “Người đi người có còn nghe / Cuốc kêu rạn vỡ trăng hè đêm thâu / Chim đồi khắc khoải tìm nhau / Tiếng chim khản giọng nghe sao rợi buồn”.

Mảng hồi ức tuổi thơ nhà mình, làng mình này còn được ông viết cả trong những bài tập hợp ở phần Văn của cuốn sách như “Quang sách”, “Bốn mùa hoa”, “Làng ca trù”, “Về quê ngoại”, “Tảo tần ngày tết”… Ông mang tâm tình như người hàng xóm nhớ bến quê nên bỏ làng về phố, bọn trẻ hỏi sao mà về, ông đáp: - “Nhớ tháng Giêng đập đất tra đỗ trồng cà. Nhớ bếp lửa chiều đông thơm mùi cá kho. Nhớ heo may rải đồng chim ngói bay về. Nhớ mùi rơm thơm mùa gặt. Nhớ bến quê, chúng mày cởi truồng bơi lội…” (tr. 332).

Ông nhận ra ở làng quê chỉ có chú Tễu là biết cười cái cười vừa vui vừa buồn hộ cho cả làng: “Chú đứng đây, nhăn nhở với đời / Vừa bông phèng lại vừa nghiêm ngắn / Vừa hiện thực lại vừa lãng mạn / Dù thế nào, vẫn phải sống với đời”. Mặc đời là một mớ bòng bong những sợi chỉ vò nhàu, mỗi người phải đi theo sợi chỉ của mình (Vò nhàu, tr. 83). Mặc không ai biết tại sao cuộc đời ta lại diễn ra thế này mà không phải thế khác (Đã diễn ra, tr. 99). Mặc khi sống đến già mới hay tuổi già là hiện thân của “sự vỡ mộng”, là biểu tượng của “sự vô nghĩa” cuộc đời (Những ông già, tr. 115). Mặc có những cuốn sổ đời người không thành văn tự cuộc đời (Những cuốn vở, tr. 124). Mặc có lúc buồn tuyệt vọng muốn treo sợi dây tự vẫn lên chiếc móc vàng – vầng trăng đầu tháng (tr. 126). Mặc cho cuối cùng kiếp con người là phù du, như phù dung phù vân (Phù dung, tr. 71). Cuộc đời là những cuộc cờ nối nhau, mỗi người là một con cờ trong ván cờ đời, ai thắng ai thua trong ván cờ người, “chỉ vầng trăng nhỏ bên song cửa / lẽo đẽo theo mình tự thuở xưa” (Bàn cờ, tr. 151).

Nguyễn Phan Hách đã nhớ thương luyến tiếc quá khứ, nghĩ suy trăn trở hiện tại, bâng khuâng phận đời kiếp người, ngẫm ngợi nỗi đời nhân thế như vậy khi đi đến cuối con đường đời của mình. Ông có bài thơ “Người về gửi lại” như một bản tóm tắt đời mình, như một lời di chúc.

Ta đi trên mặt đất mênh mông

Như là hạt bụi giữa không trung

Mang một tuổi tên không ai biết

Trong hàng đơn vị, giữa vô cùng.

NƠI GIÓ BAY

Tác giả: Nguyễn Phan Hách

Nhà xuất bản Dân Trí, 2019

Số trang: 390

Số lượng: 1000

Trước nay, văn thơ ví con người như hạt bụi thì đã quen, nhưng ví như ở hàng đơn vị trong một dãy số vô cùng tận thì là hình ảnh sáng tạo của ông. Và đây, ông gói gọn đời mình trong 12 chữ: Ta tiêu toàn bộ đời ta / Văn chương – nghiệp không bờ bến. Nhưng ông không hổ thẹn mình với thế kỷ mình sống: “Thơ cứ viết như là lệ rỏ / Tôi là tôi, thay đổi làm sao”.

Trên cánh đồng chữ người làm vườn Nguyễn Phan Hách đã miệt mài cày xới một đời và đã có những hoa trái của mình dâng người. Dù người đời nhiều khi hờ hững lướt qua. Kiếp văn nhân là vậy, thế nhân hỏi “Đỗ Phủ viết làm gì” thì có khác gì “Hỏi làm sao Chim hót / Chim hót để làm gì”. Người viết nào cũng đều có tự ý thức của mình về nghề. Nguyễn Phan Hách cũng rốt ráo cật vấn mình về ý nghĩa, giá trị văn chương trên chặng cuối con đường cõi trần. Văn chương để làm gì, thi ca để làm gì, khi nó dường như là vô ích, nhưng người làm ra nó có khi bị chết chém như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát. Làm văn chương, theo ông, là một cuộc Vật Nhau của mình và chữ nghĩa mà rút cục tất cả đều vứt bỏ.

Bao nhiêu năm

Tôi vật nhau với chữ nghĩa

Chữ nghĩa vật tôi ngã chổng kềnh

Và tôi cũng vật chổng kềnh chữ nghĩa

Bây giờ thì tất cả

Cùng nằm thẳng đơ

Chữ nghĩa vứt vào sọt rác

Còn tôi thì vào lò thiêu xác.

Tưởng là buồn tuyệt vọng tiêu tan nhưng hình ảnh xới vật văn chương và câu thơ ngang tàng vẫn hy vọng là còn lại chút gì sau sự thiêu đốt của thời gian và lòng người.

Phần Văn trong di cảo của Nguyễn Phan Hách là những câu truyện ngắn, những tản văn. Ông viết lại những chuyện xưa tích cũ trong nước ngoài nước như chuyện Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, chuyện bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”, chuyện ông già cứu sống người Do Thái trong Thế chiến II, chuyện một ga tàu hỏa ở Nhật Bản chỉ phục vụ một bé gái đi học, chuyện nhà bác học Anhxtanh, chuyện cha xứ Pina làm chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự Latin… Ông viết chuyện thời trước vợ phải đem thân cho các quan để được xử kiện, chuyện thời nay hiến tạng cứu người. Ông viết chuyện đồng thoại về cỏ hoa về con vật cho trẻ em. Ông viết lại những hồi ức tuổi thơ nhà mình, làng mình. Ông ghi lại những kỷ niệm vui văn nghệ một thời vùng Kinh Bắc, “một thế hệ, mới đấy với đấy, mà giờ tất cả đã già nua, có người đã đi xa”. Và giờ ông cũng đã đi xa. Văn Nguyễn Phan Hách cũng nhẹ nhàng sâu lắng như thơ ông, đọc cứ thấy bồi hồi rưng rưng.

Phần Nhạc gồm 18 ca khúc Nguyễn Phan Hách viết bắt đầu từ 2016. Thơ ông vốn sẵn vần điệu, nhạc điệu, nên khi làm nhạc ông bắt đầu bằng phổ thơ mình, và ở những bài khác ca từ của ông cũng nhiều chất thơ. Nhạc sĩ Phạm Việt Long trong bài viết để ở cuối tập sách nhận xét nhạc Nguyễn Phan Hách “có dung lượng vừa phải, kết cấu chặt chẽ, giai điệu đẹp, mượt mà, thắm tình đậm nghĩa, thơ anh có nhạc, nhạc anh có thơ”.

Đọc “Nơi gió bay” tưởng nhớ nhà văn nhà thơ Nguyễn Phan Hách, một người con Kinh Bắc để lại cho đời những trang viết êm sâu như dòng nước sông Cầu và quyến luyến như tiếng hát Quan họ. Một năm sau ngày ông mất, tôi mời bạn đọc bài thơ “Dòng thời gian Facebook” của ông.

Tôi bảo tôi nhiều công việc bận

Dòng thời gian chật cả rồi

Không thể thêm gì vào đấy

Dòng thời gian rộn rã cuộc đời

Nhưng một lần chỉ một xô lệch nhẹ

Dòng thời gian xô đẩy cuốn trôi

Đã dạt hết mất tăm về một phía

Hiện ra ô thời gian trống trải chơi vơi

24.1.2014

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem