Đời du mục trên thảo nguyên (bài 1): Tầm sư học đạo

Bùi Phụ - Đăng Quang Thứ năm, ngày 01/04/2021 06:27 AM (GMT+7)
Hơn 1 tuần theo chân những người chăn cừu thuê - nghề nhiều người gọi là du mục tại Ninh Thuận - tỉnh có đàn cừu lớn nhất cả nước, phóng viên Báo NTNN cảm nhận sự khổ cực, gian nan, vất vả khi sáng ở núi này, chiều lùa cừu qua ngọn đồi khác…
Bình luận 0

Dẫu vậy, cuộc đời du mục vẫn đậm chất nhân văn, lãng mạn như những bản tình ca trên thảo nguyên… Nghe tôi than vãn do làm ăn thua lỗ, muốn tìm một nơi xa phố thị, kiếm nghề mưu sinh qua ngày, anh Thanh Quang đồng ý đưa tôi đến một nơi "thâm sơn cùng cốc" để làm nghề nuôi cừu.

Hơn 48 giờ nhập môn

Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa ít nhất nước. Trong năm, ở đây mùa mưa chỉ 3 tháng, nguồn nước ngầm chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước. Hạn hán, thiếu nước làm sao đàn cừu sinh sống trong suốt nhiều năm qua, mang lại lợi nhuận người chăn nuôi? Bài toán hóc búa này được các anh chàng du mục giải đáp...

Dưới cái nắng như lửa đốt trên những "thảo nguyên khô" mênh mông, bất tận, mắt các anh chàng du mục vẫn quan sát được từng con cừu trong đàn lên đến vài trăm con. Cừu đói, no, khát nước, kể cả những đôi cừu "yêu nhau" cũng không qua được tầm mắt "tinh tường" của các chàng du mục. Gian nan vất vả, nhưng khi chứng kiến đàn cừu no nê, sinh con… các chàng du mục đã vỡ òa hạnh phúc.

Ngồi sau xe máy anh Thanh Quang, xuất phát từ TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), vượt gần 30km trong đó khoảng 20km đường rừng, gồ ghề đá lởm chởm, chúng tôi đến khu vực đồng cừu xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam. Đây là một trong những cánh đồng cừu lớn nhất, nhì nằm phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

Đời du mục trên thảo nguyên  (bài 1): Tầm sư học đạo - Ảnh 1.

PV Báo Nông Thôn Ngày Nay ngày đầu tham gia chăn cừu ở Ninh Thuận. Ảnh: Quang Đăng

Cừu Ninh Thuận du nhập từ đâu?

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, cừu được du nhập vào Việt Nam từ hàng trăm năm trước do người Ấn Độ, các giáo sĩ người Pháp (theo đạo Hồi) mang vào. Với khí hậu đặc thù khô hạn của Ninh Thuận, đàn cừu giống Kelantan phát triển mạnh và xem đây là giống cừu duy nhất của Việt Nam. Ngày 24/10/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00059 cho sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận.

Chúng tôi vào trại cừu của ông Thập Tấn (hơn 50 tuổi, người Chăm) nằm ở xa tít nhất thuộc thôn 3 xã Nhị Hà để xin chăn cừu thuê. Vừa thấy tôi, sư phụ Thập Tấn hỏi khéo: "Chu choa, chú em mập, bụng bia kiểu này hỏng biết có đi bộ nổi không đây?".

"Dạ, em cũng mong được đi bộ để bụng gọn lại đấy chứ. Với lại đói ăn, hòn đá cũng lăn thôi sư phụ ơi", tôi đáp lời.

Sư phụ Tấn cười khà khà rồi hướng dẫn tôi cách che nắng nóng. Xong, ông trao cho tôi một bịch ny lông, bên trong có một ổ bánh mì, chai nước. "Đây là thức ăn bữa trưa, cây gậy này phòng hờ chuyện rắn rít trên đường, tối mình nghỉ đêm ở căn chòi này…"- sư phụ Tấn căn dặn.

Tôi "sốc nặng" khi thấy căn chòi nhỏ của ông Thập Tấn và dãy chuồng cừu nằm trơ trọi ở lưng chừng triền đồi, xung quanh là những đồng cỏ khô cháy xen lẫn với những ghềnh đá núi. Đứng dưới cái nắng, nóng như lửa táp vào mặt của những ngày trung tuần tháng 3/2021, tôi sốc vì mình đang đứng giữa một "thảo nguyên khô" chứ không phải vùng thảo nguyên nhiều cỏ xanh đến tận chân trời…

Trên đường dẫn tôi ra chỗ đàn cừu hơn 200 con đang gặm cỏ khô, sư phụ Tấn truyền thụ: "Đã chọn nghề du mục thì sáng sớm mỗi ngày phải nhớ hôm nay mình đang đối mặt với muôn vàn cơ cực, gian nan… nên phải cố vượt qua. Một ngày ngoài đồng cừu, nhiều lần đối diện với nắng nóng, đói khát nhưng tuyệt đối không được rời bỏ đàn cừu bơ vơ trên đồng. Tối, đếm lại không mất con cừu nào trong chuồng mình mới ăn ngon, ngủ yên. Cừu sống, mình sống, Cừu chết, mình tiêu...".

Bí mật những cầu "thần chú"

Đời du mục trên thảo nguyên  (bài 1): Tầm sư học đạo - Ảnh 3.

Khi đến gần đàn cừu, bất thình lình sư phụ Tấn liên tục thét, hú lên mấy tiếng phương ngữ của người Chăm khiến đàn cừu đang gặm cỏ ở xa bỗng quay đầu bước về hướng sư phụ Tấn đứng.

Tiếng thét của sư phụ Tấn khiến tôi giật bắn cả người vì tưởng đây là những câu thần chú làm cho bầy cừu khiếp sợ... Thấy tôi ngạc nhiên, sư phụ Tấn giải thích: "Cừu ngu hơn dê ở chỗ, dê sáng đi chiều biết đường về, cừu thì không! Nhưng cừu lại nghe được âm thanh, giọng nói quen của người chăn dưỡng nó. Sau khi nghe tiếng quen, cừu sẽ quay đầu về hướng chủ. Nếu suốt một buổi không nghe tiếng chủ lần nào, cừu sẽ đi xa hơn, khi không còn nghe tiếng người nữa thì hết biết đường về. Mình thét lên để cừu biết có chủ chứ không phải thần chú gì cả…".

Sau khi lùa đàn cừu vào suối uống nước nghỉ trưa, sư phụ Tấn dặn: "Người chăn cừu phải biết tính toán, sáng lùa đi ăn xa phải tính trước trưa nghỉ chỗ nào có bóng mát, có nước cho cừu uống. Buổi chiều trên đường lùa về cũng dự tính cho cả đàn ăn uống no bụng, để về chuồng chúng khỏi kêu be be…".

Sau khi đếm đủ đàn cừu hơn 200 con, sư phụ Tấn chỉ tôi cách đóng cửa chuồng xong, mặt trời đã lặn sau những dãy núi đá xa xa.

Một ngày theo sư phụ làm du mục, hai chân tôi mỏi nhừ, ê ẩm khắp thân thể. Nắng nóng táp vào, da mặt tôi đỏ như trái cà chua! Sư phụ Tấn khuyên tôi không tắm, chỉ nên lấy khăn lau mặt, thân thể vì sợ nước vào tôi sẽ bị cảm nắng do chưa quen với thời tiết khắc nghiệt vùng này.

Sư phụ Tấn bảo: "Tối nay, anh em mình lai rai tí rượu thuốc với mấy con cu đất nướng muối ớt. Đợi trăng lên anh em mình làm thơ, tả trời, tả đất...".

Tối, bên căn lều nhỏ, sư phụ Tấn trải lòng, ông đã theo nghề chăn cừu hơn 20 năm qua, từ người chăn cừu thuê rồi lên làm chủ. Nhờ kinh nghiệm lâu năm nên ông thuộc lòng từng phiến đá gốc cây, suối nước của vùng "thảo nguyên khô" này. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem