Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Với dự án bauxite Tây Nguyên, bài toán lớn hơn rất nhiều chuyện lợi hay hại, lời hay lỗ. Mọi người đều biết rằng, khi thiết lập mấy cái hồ chứa bùn đỏ hàng chục triệu mét khối trên "nóc nhà Đông Dương" để phục vụ lợi ích kinh tế thì có nghĩa là tất cả chúng ta, không phân biệt những người lãnh đạo hay công dân bình thường, đang đánh cược với tương lai một vùng đất chiến lược và một vùng lãnh thổ rộng lớn của lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Điều hệ trọng ấy đã được cảnh báo ngay trong Thông báo 245-TB/TW của Bộ Chính trị và được chốt lại trong một quy định cụ thể: "Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện".
Chính vì thế mà khi vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary - một quốc gia công nghiệp hiện đại có kinh nghiệm phong phú khai thác bauxite - gây ra một thảm cảnh sinh thái trầm trọng nhất trong lịch sử của nước này thì chúng ta càng thấy sự thận trọng có tính dự báo trước của Bộ chính trị với hai dự án bauxite là đúng đắn và cần thiết.
Cũng trước thảm cảnh bùn đỏ nhãn tiền ở Hungary, đã có nhiều nhân sĩ, trí thức với tinh thần trách nhiệm công dân, ký kiến nghị đề nghị dừng hẳn dự án bauxite Tây Nguyên. Chính phủ đã nhận được kiến nghị và theo Bộ trưởng VP Chính phủ, sẽ đặt lên bàn nghị sự để xem xét.
Dù là "một chủ trương lớn" đang triển khai nhưng cho đến nay, sau sự kiện tày đình ở Hungary, chắc chưa ai có thể quyết đoán là dự án bauxite "thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường". Ngay Bộ trưởng TN&MT cũng chỉ có thể cam kết công khai hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên mới "an toàn trong lý thuyết"!
Nếu căn cứ vào lý thuyết, vào giấy phép đầu tư và những quy định chắc chắn rất nghiêm ngặt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TN&MT cũng như địa phương thì Vedan và nhiều nhà máy khác không thể giết chết được một dòng sông xinh đẹp như Thị Vải, không thể gây khốn đốn cho hàng chục ngàn hộ nông dân trong mấy tỉnh miền Đông và TP.HCM! Đó là khoảng cách giữa lý thuyết và hiện thực, là khoảng cách giữa ý chí và khả năng quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Chúng ta coi kiến nghị của nhiều trí thức và nhân sĩ là nghiêm túc và có trách nhiệm, cần được xem xét cũng với tinh thần tương xứng. Bởi vì đây không còn là chuyện lời lỗ một dự án. Đây là sự tồn vong của đất nước và con em chúng ta, không từ một ai, mai sau.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.