Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tổng thầu Trung Quốc, nhân sự tư vấn giám sát và tư vấn đánh giá an toàn hệ thống không thể sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Cùng với đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước chưa được tháo gỡ dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài.
Để tháo gỡ vướng mắc cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Về tiến độ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đường sắt đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan, nhà thầu, các đơn vị của Hà Nội gấp rút hoàn thiện các thủ tục và các hạng mục cuối cùng để bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội quản lý, vận hành khai thác theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã xong giai đoạn chạy thử toàn hệ thống để tư vấn độc lập (của Pháp) đánh giá an toàn tòan hệ thống. Đánh giá này là cơ sở để Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu nhà nước thực hiện nghiệm thu các hạng mục trước khi bàn giao cho Hà Nội.
Cận cảnh tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành.
Theo Bộ GTVT, dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam. Dự án có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện còn thiếu kinh nghiệm; đồng thời, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình hợp đồng EPC hiện nay chưa thực sự đầy đủ...
Từ thực tế nêu trên, dẫn đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ, hoãn, giãn, dừng tiến độ nhiều lần trong 10 năm qua; mốc hoàn thành, khai thác kéo dài, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô về việc sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này, nhằm giúp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua Bộ này đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, thời gian để thực hiện những 1% những hạng mục còn lại của dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp tích cực của TP Hà Nội, các Bộ, ngành liên quan, cùng các chủ thể thực hiện dự án (Tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định...) để tháo gỡ những vướng mắc còn lại.
Mặc dù, bị ảnh hưởng bởi dịch Covdi-19, Ban Quản lý dự án Đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết những khó khăn về nhân sự để hoàn thành xây dựng công trình và lắp đặt toàn bộ thiết bị của dự án theo hồ sơ thiết kế.
Đại diện đơn vị tiếp nhận, khai thác của TP Hà Nội là Công ty Metro Hà Nội cũng đã hết sức nỗ lực với trách nhiệm cao trong việc ổn định, tổ chức nhân lực để vận hành toàn hệ thống từ tháng 1/2021, đến nay cơ bản đảm bảo yêu cầu.
Bộ GTVT cũng đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước (HĐKTNN) về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư; thường trực HĐKTNN đã có ý kiến về kết quả kiểm tra và HĐKTNN sẽ có ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT về kết quả đánh giá cuối cùng của tư vấn ACT.
Hiện nay, công việc còn lại của dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị).
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được các cơ quan liên quan cấp chứng nhận phòng cháy, chữa cháy của Cục Cảnh sát PCCC; hoàn thành đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Phía Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, diễn tập ngoài hiện trường; bổ sung các biển chỉ dân cho người khuyết tật...
Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương hoàn tất các thủ tục làm việc với UBND TP Hà Nội về vận hành, diễn tập sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp, đánh giá các quy trình cuối cùng... để bàn giao cho thành phố.
Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3/2021, giao Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND Thành phố Hà Nội) bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3 - 4 tuần) và thống nhất thời điểm bàn giao, đưa vào vận hành, khai thác.
Sáng (31/3), trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Ngày 31/3, mới chỉ bắt đầu tiến hành quá trình bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Dự án Cát Linh – Hà Đông rất phức tạp vì còn liên quan tới trách nhiệm của 3 bên, nếu bàn giao giữa 2 bên thì lại khác".
Đối với việc Tư vấn Pháp đánh giá theo tiêu chuẩn Pháp để tiến hành nghiệm thu bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Dự án Cát Linh – Hà Đông không áp dụng theo tiêu chuẩn của Tư vấn Pháp mà vẫn áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc. Hiện nay, tất cả các hạng mục thiết kế, thi công đều theo tiêu chuẩn Trung Quốc, luật pháp thì theo luật pháp Việt Nam.
Khi được hỏi về việc ngày 31/3, có phải là ngày bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Chưa! hôm nay là quá trình tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận từng hạng mục, còn ngày cuối cùng bàn giao thì Bộ GTVT sẽ ký với TP Hà Nội mới là ngày bàn giao, chứ chưa bàn giao chìa khoá trao tay".
"Hôm nay, không phải là ngày Bộ GTVT trao chìa khoá cho TP Hà Nội quản lý dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bắt đầu từ hôm nay, Hà Nội sẽ cùng Bộ GTVT đi vào các phòng, các hạng mục để tiếp nhận ký các biên bản kiểm tra với nhau", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng đã khắc phục rất nhiều hạn chế theo yêu cầu của Tư vấn Pháp ví dụ: Phòng cháy chữa cháy phải di dời cây xăng ở khu vực ga La Khê, Hà Nội sẽ di dời.
Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ phòng cháy, chữa cháy Công an sẽ cấp. Trước mắt, khi khai thác sẽ có nhân viên cảnh giới, hướng dẫn hành khách đi lại lên tàu Cát Linh – Hà Đông. Quá trình kiểm đếm diễn ra trong khoảng 3 tuần, sau đó sẽ bàn giao cho TP Hà Nội khai thác.
Thông tin về việc bán vé tàu Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: "Tại các nhà ga của đường sắt Cát Linh – Hà Đông đều bố trí hệ thống bán vé tự động và quầy vé có nhân viên trực tiếp bán vé cho hành khách. Tuy nhiên, hệ thống bán vé tự động chỉ nhận tiền mệnh giá 50 nghìn đồng, còn đối với số tiền mệnh giá cao hơn thì phải vào quầy bán vé".
"Đối với vé tháng, hành khách chỉ cần đi qua cửa quẹt thẻ vé để lên nhà ga. Hệ thống cửa quẹt thẻ có thể tiếp nhận 42 người/phút. Trong trường hợp đông khách thì sẽ có nhân viên sử dụng máy quét vé bằng tay.Trên nhà ga sẽ có các bảng thông tin, thông báo các chuyến tàu tiếp theo là bao nhiêu phút để hành khách căn cứ vào đó chờ đợi tàu", ông Trường thông tin.
Về giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông, ông Trường cho hay: "Giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông tương đương vé xe buýt khoảng 7 nghìn đồng và cứ đi 1km sẽ cộng thêm 600 đồng. Đối với người đi vé tháng thì đi bao nhiêu sẽ trừ bấy nhiêu. Đối với hành khách đi vé lượt thì sẽ làm tròn đi 1 ga là 8 nghìn đồng, thêm một ga là 9 nghìn, đi cả tuyến là 15 nghìn đồng".
"Vé tháng bình thường là 200 nghìn đồng, còn vé tháng ưu tiên là 100 nghìn đồng. Vé tháng của tàu Cát Linh – Hà Đông có tính ưu việt, mua ngày nào thì sẽ tính đến ngày mua vé của tháng sau, chứ không phải hết tháng là phải mua vé", ông Trường thông tin.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến giao thông chính trong mạng lưới giao thông TP Hà Nội. Điểm đầu tuyến bắt đầu từ thị trường vật liệu xây dựng phía Nam nút giao Cát Linh - Giảng Võ. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông kết thúc ở ga bến xe Hà Đông mới trong quy hoạch quận Hà Đông.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có Tổng mức đầu tư 868 triệu USD, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, toàn bộ tuyến là tuyến trên cao, có 12 nhà ga, khoảng cách giữa các ga là 1152,3 mét. Toàn tuyến xây dựng một khu depot đặt tại phía Đông Nam ga tàu hoả Hà Đông, diện tích khoảng 26,2 ha, bao gồm 17 đơn thể và các công trình ngoài trời liên quan, thiết bị công nghệ khu depot... Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật Trung Quốc.
Chủ đầu tư dự án là Bộ GTVT; Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt - Bộ GTVT; Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh, Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải.
Tổng thầu là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc; Tư vấn thiết kế là Công ty HH cổ phần tập đoàn phát triển thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh. Dự án được chính thức khởi công ngày 10/10/2010; Hoàn thành giải phóng mặt bằng tháng 8/2015; Thông dầm toàn tuyến 8/10/2016; Thông ray toàn tuyến ngày 16/1/2017; Thông điện toàn tuyến ngày 31/7/2019; Tổng thầu hoàn thành 20 ngày chạy tàu theo biểu đồ vận hành ngày 10-30/12/2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.