Người nuôi vừa mừng vừa lo
Hưng Yên là một trong những địa phương có mức giá heo tăng khá mạnh. Theo thống kê, từ đầu tháng 9 đến nay, giá heo hơi tại các trang trại trên địa bàn đã tăng từ 51.000 – 52.000 đồng/kg lên 54.000 đồng/kg.
Còn tại nhiều tỉnh miền Bắc, giá heo vẫn đang biến động từng ngày theo xu hướng tăng, với mức tăng phổ biến từ 500 – 1.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi tại Phú Thọ đã đạt 53.000 đồng/kg, tại Lào Cai là 54.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá heo tại Nam Định cũng đang giao động ở mức 53.000 – 54.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg. Cá biệt, có những địa phương giá đã chạm mốc 55.500 đồng/kg.
Phun thuốc khử trùng chuồng nuôi tại Kim Động, Hưng Yên. Ảnh: nhachannuoi.vn.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng đang trên đà tăng giá. Tại Hà Tĩnh, giá heo tăng từ 50.000 đồng/kg lên 52.000 đồng/kg, Nghệ An tăng lên 52.000 đồng/kg. Giá heo tại Quảng Bình là 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Khu vực miền Nam, giá heo hơi cũng đang tăng nhẹ, cụ thể tại An Giang , giá heo đạt 52.000 đồng/kg, Cần Thơ 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Tuy rất mừng vì giá heo đang tốt, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi khá nhưng tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp ở bên kia biên giới cũng khiến nhiều người lo lắng, nhất là ở những địa phương giáp biên như Lạng Sơn, nguy cơ dịch xâm nhiễm là rất cao.
Điều đáng nói là, tình hình vận chuyển, buôn bán nhập lậu động vật và các sản phẩm động vật qua biên giới chưa được ngăn ngừa triệt để. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ, tiêu hủy 58 vụ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y lưu thông trên địa bàn, trong đó tiêu hủy 11.870kg nầm lợn, 600kg thịt lợn đông lạnh, gần 7.000kg lợn hơi.
Ước tính, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 303.000 con lợn. Để chủ động tiêu diệt mầm bệnh và phòng chống dịch bùng phát, đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, UBND các huyện, thành phố (đặc biệt là 5 huyện biên giới), Sở NNPTNT tăng cường công tác phòng chống buôn lậu và sản phẩm của lợn từ bên kia biên giới vào nội địa.
Tuyệt đối không cho buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; đồng thời thực hiện các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và hướng dẫn người chăn nuôi an toàn sinh học.
Giá heo giống cũng “phi mã”
Giá heo giống đang tăng chóng mặt. Ảnh: I.T.
Có một điều đáng lưu ý là, hiện nay, giá heo giống đang tăng từng ngày tại nhiều địa phương. Trên các diễn đàn, mạng xã hội chuyên về chăn nuôi, người ta chào bán heo giống với giá 1,4 – 1,5 triệu đồng/con.
Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nếu như trước đây giá một con heo giống chỉ 700.000 – 800.000 đồng thì nay lên tới 1,2 – 1,5 triệu đồng/con, khiến nỗ lực tái đàn của nhiều hộ bị ảnh hưởng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao trong một vài tháng tới, và có thể sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu do ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến ngành thịt lợn Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.
Do đó, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cần cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu, và nâng cao chất lượng để hướng đến xuất khẩu; người chăn nuôi cần theo dõi sát thị trường, chăn nuôi theo khả năng của hộ, cơ sở; không tăng đàn lợn tự phát, ồ ạt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.