Giá xăng dầu tăng lần thứ 7 liên tiếp, xăng gần mốc 33.000 đồng/lít

An Linh Thứ ba, ngày 21/06/2022 15:01 PM (GMT+7)
Hôm nay (21/6), giá xăng dầu hôm nay tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp, cán mốc cao nhất gần 33.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu diesel cũng tăng khá mạnh từ 900 đến gần 1.000 đồng/lít.
Bình luận 0

Giá xăng dầu tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp

Liên Bộ Tài chính -  Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h hôm nay (21/6), theo đó mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95 tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.

Như vậy, không nằm ngoài dự đoán, sau điều chỉnh 15 giờ ngày hôm nay, xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, giá cao nhất là 31.300 đồng một lít; xăng RON 95-III tăng 500 đồng, cán mốc 32.870 đồng/ lít. Giá các mặt hàng dầu đều tăng. 

Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng một lít, cám mốc 30.010 đồng/ lít. Dầu hoả tăng 950 đồng, cán mốc 28.780 đồng/lít, dầu mazut tăng 380 đồng, cán mốc 20.730 đồng/ kg.

Giá xăng dầu tăng lần thứ 7 liên tiếp, xăng gần mốc 33.000 đồng/lít - Ảnh 1.

Xăng tăng giá lần thứ 7 liên tiếp, giá dầu diesel tăng mạnh nhất gần 1.000 đồng/ lít.

Như vậy, tính từ ngày 21/4 đến nay, đây là lần thứ 7, giá các mặt hàng xăng dầu tăng liên tiếp, xô đổ kỷ lục đã lập trước đó, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 21/6, giá xăng dầu trong nước có 16 kỳ điều hành (trong đó mặt hàng xăng có 13 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá).

Tại kỳ điều chỉnh mới đây ngày 13/6, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên 32.375 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 2.626 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít; dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít lên mức 27.839 đồng/lít.

Trước áp lực tăng giá xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, đề xuất giảm từ 700-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu (tùy loại), nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần kiềm chế lạm phát.

Về hiệu lực thi hành, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 1/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), bà Nguyễn Thuý Hiền cho hay để đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tháng 9 vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ này lên 1 tháng, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay.

"Nguồn lực Nhà nước hiện có hạn nên việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Trước mắt chưa đủ kho thì tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho riêng của Nhà nước", bà Hiền thông tin.

Được biết tại Việt Nam, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn: dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (20 ngày) và thương nhân phân phối 5 ngày; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Hiện nguồn dự trữ quốc gia Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày sử dụng, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng, mức này không đủ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem