Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”

Thế Hiển Thứ tư, ngày 05/06/2024 06:00 AM (GMT+7)
Luôn tích cực trong các hoạt động văn nghệ, sinh hoạt ngoài giờ tại lớp học, em Diệp Chi ước mơ trở thành giáo viên mầm non. Thế nhưng, hành trình đứng trên bục giảng của cô học trò người Mông còn đầy gian nan trước cảnh nghèo nơi vùng quê không điện, không sóng điện thoại.
Bình luận 0

Giấc mơ làm giáo viên mầm non

Sinh ra và lớn lên tại thôn nghèo cách trung tâm xã hàng chục cây số, mảnh đất quê hương em còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nơi đây không có điện, cũng không có sóng điện thoại, đời sống sinh hoạt vẫn còn thô sơ, có phần lạc hậu. Giữa núi rừng hiu quạnh đó, Diệp Chi là “bông hoa gạo nở đỏ thắm” trên những rặng đá cằn khô với tinh thần vượt khó trong học tập.

Trong lớp học tại Điểm trường Khuổi Én, Trường PTDTBT TH&THCS Thượng Bình, em Dương Diệp Chi (SN 2016, thôn Khuổi Én, xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) ngồi ngay ngắn, chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Ánh mắt vừa dõi theo từng dòng chữ trên bảng đen, đôi tay Chi vừa nắn nót trên vở ô ly ghi chép bài học. Em là đứa trẻ đầu tiên và duy nhất trong gia đình 3 thế hệ được đến lớp, được học chữ.

Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 1.

Diệp Chi (bên phải) đi học mang theo hy vọng đổi đời cho cả gia đình.

Dân cư tại thôn Khuổi Én đa số là dân tộc Mông với ngôn ngữ chính trong giao tiếp hàng ngày là tiếng Mông, rất ít người nói được tiếng Kinh thành thạo. Thế nhưng với tinh thần chịu khó học tập, Diệp Chi đã đọc và viết môn Tiếng Việt rõ ràng, rành mạch. 2 năm qua, em đều đạt thành tích Xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Bên cạnh việc học, em Diệp Chi còn có sở thích ca hát, nhảy múa. Mỗi khi tập luyện văn nghệ, Chi thuộc bài hát và nhớ động tác rất nhanh, học xong em lại hướng dẫn các bạn khác. Cô bé kể về ước mơ của mình: “Cháu thích dạy các bạn múa hát. Sau này cháu muốn làm giáo viên để dạy các em ở thôn học bài và nhảy múa thật hay”.

Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 2.

Tìm thấy niềm vui nơi việc học là lý do giúp Diệp Chi luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Nhắc đến cô trò nhỏ như một niềm tự hào, cô Đỗ Thị Hạnh - Giáo viên chủ nhiệm của em cho biết: “Diệp Chi là một học sinh rất chăm ngoan. Em có tinh thần học tập tốt, nên được cô giáo và bạn bè quý mến. Em Chi sớm bộc lộ niềm đam mê với múa hát, luôn tích cực trong sinh hoạt. Nhiều lần khi chia sẻ với cô giáo, em đều bày tỏ niềm yêu thích làm giáo viên, thế nhưng, gia đình thuộc hộ nghèo là trở ngại khiến em khó đạt được giấc mơ”.

Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 3.
Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 4.

Bố mẹ đi làm trên nương, nên cô học trò nhỏ đã sớm có những kỹ năng tự lập.

Tinh thần vượt khó chạm đến giấc mơ

Bố mẹ Diệp Chi sống cùng gia đình bên nội, dưới gian nhà đã cũ là 4 chiếc giường ngủ cho 6 thành viên. Thứ giá trị nhất trong nhà có lẽ là tấm giấy khen ghi nhận thành tích học tập xuất sắc của Chi, được treo trang trọng trên vách nhà. Ông em không may bị liệt toàn thân kể từ sự cố bị điện giật, bà nội tuổi cũng đã cao nên sức khỏe chỉ còn đủ để chăm lo việc trong nhà. Mọi nguồn thu nhập của gia đình đều do bố mẹ em Chi đi làm nương rẫy để duy trì cuộc sống cho 6 miệng ăn.

Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 5.
Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 6.

Ông nội em bị liệt, sau những giờ học, Chi lại dành thời gian quan tâm chăm sóc cho ông.

Mỗi năm, vợ chồng anh Dương Văn Đức (SN 1996) bám lấy ruộng nương để kiếm gạo về nuôi gia đình. Bữa ăn thịnh soạn nhất của cả nhà cũng chỉ là cơm trắng ăn cùng với măng đắng, rau luộc. Ông Giàng A Sính - Trưởng thôn Khuổi Én cho biết: “Vợ chồng anh Đức đi làm vừa nuôi 2 con, nuôi cả bố mẹ nên điều kiện thiếu thốn. Ở đây thì chỉ có làm ruộng nương để có lúa gạo ăn nên kinh tế bấp bênh. Mùa nào thất thu là cả nhà đều chịu cảnh đói”.

Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 7.
Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 8.

Gian nhà hiu quạnh không có lấy một vật giá trị của gia đình em Chi.

Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 9.

Tấm giấy khen là vật giá trị nhất có thể tìm thấy trong gian nhà.

Dẫu vất vả trăm bề, anh Đức vẫn luôn cố gắng cho con được đi học để biết chữ. Anh Đức cho hay: “Nhà này không ai biết chữ đâu, nói tiếng Kinh còn không nói được rõ. Chỉ mong con đi học biết được chữ cho đỡ khổ. Thấy các cô bảo con trên lớp con ngoan, học giỏi, tôi mừng lắm, chỉ mong có vậy thôi”.

Giấc mơ làm giáo viên của cô học trò nghèo nơi vùng quê “nhiều không”- Ảnh 10.

Với anh Đức, Chi chính là động lực để vợ chồng anh phấn đấu lao động.

Những ngày tháng tới đây, khi đứa con út Dương Văn Trường (SN 2018) đủ tuổi đến trường, gia đình Diệp Chi sẽ lại thêm gánh nặng cho con đi học. Biết trước sẽ vất vả gấp bội, bố các em vẫn khát khao cho các con được đến trường như bao bạn bè. Gia đình anh Đức mong rằng, các nhà hảo tâm sẽ cùng góp sức để Diệp Chi có cơ hội trở thành giáo viên phụng sự cho quê hương, để gia đình sớm thoát khỏi cảnh nghèo túng bủa vây.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Ông Dương Văn Đức (SN 1996) ở thôn Khuổi Én, xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

SĐT cô Đỗ Thị Hạnh: 091.517.6199

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 5624

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem