Đây là 3 dòng tít báo, và cũng là 3 vụ việc chấn động dư luận trong vài ngày qua. Không khó để nhận thấy, yếu tố gây chấn động dư luận chính là hai chữ “cán bộ”. Cán bộ mất trộm rất nhiều tiền vì một tên trộm vô đạo. Cán bộ nộp vài trăm triệu để lấy bằng cao học, sau vụ cũng cán bộ được các cán bộ khác “phím đề thi” để thi đỗ vào các vị trí, trong đó có Phòng chống hàng giả ở Bộ Công Thương. Và đỉnh điểm là việc một cán bộ làm công tác tổ chức “giới thiệu giang hồ” giải quyết bằng dao trắng đâm vào dao đỏ rút ra đối với một quan hệ dân sự.
Có một lời bình “trà đá vỉa hè” đọc nghe rất đau: Phó ban tổ chức mà đi giới thiệu "nhân sự" giang hồ phát trúng luôn, 30 triệu là để đánh dằn mặt, nhưng có lẽ "nhân sự" do phó ban tổ chức giới thiệu quá "xuất sắc", mần phát chết luôn đối tượng”.
Người dân đang phản ứng, đang bày tỏ niềm tin vào đội ngũ công bộc bằng những ánh mắt hoài nghi nhìn vào cái két của vị giám đốc sở, bằng sự khinh khi không che giấu vào những tấm bằng cao học ở Thanh Hóa, vào vị trí công chức ở Bộ Công Thương và đặc biệt là những lời giễu nhại vị cán bộ tổ chức giới thiệu giang hồ.
Thật đúng là không thể tưởng tượng nổi. Một cán bộ mà ngay từ tư tưởng đến hành động đã nghĩ đến xã hội đen như là một biện pháp cho những đứa con đỏ thì phải chăng là những bài học về đạo đức mà họ vẫn đọc vang vang thật ra chỉ là học vẹt?!
Nhắc lại, Bác Hồ từng dạy cán bộ về chủ nghĩa cá nhân rằng: Bản chất của “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy.
Trong Tứ thư, cuốn sách được xem là “gối đầu giường” của đạo làm quan, có câu đại ý- người cai trị dân cần phải lấy việc cha mẹ chăm sóc những đứa con làm mẫu mực. Đứa con đỏ bò lổm ngổm sắp rơi xuống giếng không phải là lỗi của chúng mà là lỗi của cha mẹ đã thiếu chăm nom săn sóc.
Câu chuyện vị cán bộ tổ chức giới thiệu giang hồ, giới thiệu xã hội đen nó phản cảm đến mức mang Tứ thư ra nói giờ trở nên hết sức xa lạ. Xa lạ thể hiện trong những nụ cười chua chát của dân khi vô tình nghe lại đạo lý: “Yêu dân như con”. Xa lạ không bởi những giá trị trong cuốn sách được coi là kinh điển của nhân loại giờ đã lỗi thời mà xa lạ vì giữa thực tế và cái đạo lý thuyết giờ đã trở thành một vở hài kịch không cần kịch bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.