Giáo sư Đặng Văn Ngữ và ''trò xiếc thí nghiệm''

Thứ hai, ngày 27/04/2020 08:31 AM (GMT+7)
Với nguyên vật liệu của xứ nhà, với những phương tiện tầm thường..., sáu vạn đơn vị Penicillin ra đời thật sự là kết quả của một “trò xiếc thí nghiệm” tài tình.
Bình luận 0

Giáo sư Đặng Văn Ngữ là nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Công trình khoa học "kỳ diệu" của ông - chế tạo ra nước lọc Penicillin là một đóng góp to lớn trong điều trị, cứu chữa hàng ngàn thương bệnh binh, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Với nguyên vật liệu của xứ nhà, với những phương tiện tầm thường... Sáu vạn đơn vị Penicillin ra đời thật sự là kết quả của một “trò xiếc thí nghiệm” tài tình.

Chiến thắng hoàn cảnh

Chất kháng sinh là một phát hiện có ý nghĩa to lớn đối với y học thế giới, xuất hiện vào những năm 20 của thế kỷ trước. Năm 1928,  Alexander Fleming phát hiện ra Penicillin, khi ông vô tình để nấm mốc lọt vào thí nghiệm và quan sát thấy vi khuẩn đã biến mất xung quanh nấm mốc.

Ông đã dùng ngay tên loại nấm Penicillin để đặt cho chất mà mình vừa tìm ra, nhưng phải 10 năm sau thì Penicillin mới được nhà hoá sinh người Anh gốc Đức - Ernest Chain và nhà nghiên cứu bệnh học Australia - Howard Florey cùng một số nhà khoa học khác nghiên cứu kỹ. Theo các nhà y học thì Penicillin sát trùng bằng cách giết vi khuẩn và hạn chế sự sinh trưởng của chúng.

Trong Chiến tranh thế giới II, một nhóm các nhà khoa học tìm kiếm cách chữa trị cho những vết thương bị nhiễm trùng của binh sĩ, đã tình cờ phát hiện ra khám phá của Fleming và thử nghiệm với một dạng của nấm mốc đó. Ngay sau đó, nó được sản xuất với số lượng lớn để đưa ra các mặt trận.

Vào thời điểm chất kháng sinh Penicillin được điều chế thành công và sử dụng rộng rãi thì bác sĩ Đặng Văn Ngữ là trưởng Labo thí nghiệm Ký sinh trùng, trường Đại học Y Đông Dương và đồng thời đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị.

Năm 1943, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ II đang ngày càng ác liệt, còn tình hình chính trị ở trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, bác sĩ Đặng Văn Ngữ lên đường sang Nhật Bản du học, để tiếp tục những dự định khoa học của ông.

Trong thời gian tu nghiệp ở Nhật, ông tìm ra giống nấm sản xuất Penicillin và công bố 4 công trình khoa học có giá trị là: “Xác định loại nấm có tính kháng sinh cao”; “ Xác định công thức kháng sinh nguyên Salmonella”; “Đặc điểm tiến hóa của D. Mansoni”. Nhưng trong suốt thời gian ở nước Nhật, lòng ông luôn hướng về Tổ quốc. Làm sao có thể yên tâm làm việc và nhận các đãi ngộ vật chất khi nhân dân đang gian khổ, hi sinh cho cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập dân tộc.

Giống như nhiều trí thức khác, ông khát khao mau chóng trở về và đem sở học để phục vụ nhân dân, phục vụ những chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận. Thời cơ cuối cùng cũng đến khi cuối năm 1949, ông lên đường trở về nước với những hành trang quý giá. Đó là những kiến thức y học của Nhật, các nước phương Tây và đặc biệt là mang theo Souche Penicillium (giống Penicillium) để điều chế thuốc kháng sinh Penicillin.

img

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ giảng bài cho sinh viên Y khoa tại Tuyên Quang.

Trên đường về nước, khi dừng chân ở Thái Lan, bác sĩ Đặng Văn Ngữ nhận được lời khuyên nên về vùng kháng chiến ở Nam bộ. Khi ấy, ông đã chuẩn bị các giống nấm kháng sinh để làm Penicillin và Streptomycin. Trong khi chờ đợi chỉ thị của Trung ương, ông đã nghiên cứu nuôi nấm Penicillin với nước dừa – là nguyên liệu sẵn có ở miền Nam. Ông đã mua một số dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh nhằm chuẩn bị lập một phòng nghiên cứu về kháng sinh ở miền Nam.

Cuối tháng 12/1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ trở về Liên khu IV, giữa lúc hội nghị khoa học của khu đang được tổ chức. Ông chọn rất kỹ nơi lưu trữ chủng nấm chiết xuất ra kháng sinh Penicillin mang từ Nhật Bản về nhưng khi mở gói nấm dùng để làm Penicillin ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu vì đã bị lẫn lộn bởi những nấm tạp từ bên ngoài.

Đó là điều đau xót nhất với ông bởi trên đường trở về nước, ông luôn tâm niệm rằng trở về nước để sản xuất kháng sinh Penicillin. Những ngày sau đó, ông chỉ nghĩ đến nấm và không kể ngày đêm, chỉ loay hoay với những ống nghiệm về nấm. Như sau này, ông viết trong hồi ký: “Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm chứng tỏ rằng nấm không còn có tác dụng nữa. Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được”.

Sự lo lắng và kiên trì của bác sĩ Đặng Văn Ngữ cuối cùng cũng có kết quả khi ông trở dậy vào 3h sáng và kiểm tra những ống nghiệm của mình. Những giống nấm được cấy đều có công hiệu và vi trùng không mọc được. Điều ấy có nghĩa là giống nấm ông mang về đã được thử nghiệm thành công và có khả năng được phổ biến rộng rãi.

Tại Liên khu IV, bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tạo mọi điều kiện để hiện thực hóa những nghiên cứu của mình. Tình hình cuộc kháng chiến ngày một ác liệt hơn, thương binh ngoài mặt trận ngày một nhiều hơn là lý do thôi thúc bác sĩ Đặng Văn Ngữ quyết tâm chiến thắng hoàn cảnh, đem Penicillin để phục vụ cứu chữa thương bệnh binh.

Nhưng trong những năm tháng khó khăn ấy, dụng cụ và trang thiết bị để phục vụ nghiên cứu cũng là một trong những cản trở lớn để ông thực hiện những dự định. Vào Tết nguyên đán năm 1950, ngôi chùa Yên Thành được sửa sang để làm phòng thí nghiệm nghiên cứu kháng sinh. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được 2 thanh niên giúp việc – là những người chưa hề biết đến những chiếc ống nghiệm hay giống nấm là gì, nhưng lòng nhiệt thành của họ thì rất lớn.

Chính trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn ấy, những ống kháng sinh đầu tiên đã được bào chế thành công. Như sau này bác sĩ Đặng Văn Ngữ viết: “Chúng tôi không ngồi đợi có đầy đủ phương tiện mới nghiên cứu. Không có bàn, chúng tôi bầy mễ làm việc. Cân chính xác thiếu, chúng tôi đo bằng lối so thể tích. Ống tre thay cho eprouvette, đĩa là boite de Pétri, cylinder chỉ là những ống sậy. Cứ như thế, chúng tôi cọc cạch làm việc cho tới khi phi cơ oanh tạc Cát Văn.

Phòng thí nghiệm không còn điện đàng hoàng như trước nữa. Mỗi lúc muốn làm bột Penicillin chúng tôi phải bê dụng cụ đến tận Cát Văn và chính trong những khó khăn chật vật như thế, ba lọ Penicillin bột đã ra đời, mỗi lọ chừng hai vạn đơn vị”.

Vẫn theo lời của GS Đặng Văn Ngữ thì những thành công ở Yên Thành được ví như một “trò xiếc thí nghiệm”. Ông nhấn mạnh: “Phòng thí nghiệm Yên Thành có một giá trị đáng ghi, nó chứng minh rằng với những nguyên vật liệu của xứ nhà, với những phương tiện tầm thường, chúng tôi đã làm được bội Penicillin tiêm: Sáu vạn đơn vị Penicillin sản xuất trong tháng 5/1950. Đây là công trình và kết quả của một “trò xiếc thí nghiệm” tài tình.

Thành tựu diệu kỳ

Việc chế tạo thành công bột Penicillin là một thành tựu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn chồng chất. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để có thể sản xuất được thật nhiều penicillin, đáp ứng nhu cầu kháng khuẩn của các thương bệnh binh ngoài mặt trận? Làm sao để bất kỳ một cơ sở y tế nào cũng có thể sản xuất được Penicillin, phổ biến nó một cách rộng rãi, thông dụng nhất. Đó là một câu hỏi đã khiến bác sĩ Đặng Văn Ngữ trăn trở suốt nhiều ngày đêm.

img

Giáo sư Đặng Văn Ngữ trao đổi cùng Bộ trường Hoàng Tích Trí tại phòng thí nghiệm ở Tuyên Quang.

Tháng 5/1950, bác sĩ Đặng Văn Ngữ được mời lên Việt Bắc để phụ trách phòng thí nghiệm của trường Đại học Y khoa. Ở đó, ông đã có dịp tổ chức nghiên cứu các chất kháng sinh trên những nguyên tắc tổ chức mới. Ông nhận ra rằng, việc sản xuất Penicillin kết tinh (bột) là một công việc đòi hỏi thời gian lâu dài, do vậy, nó không thể thỏa mãn được nhu cầu cấp thiết của quân đội và nhân dân.

Tin chiến thắng ngoài mặt trận liên tiếp được báo về, nhưng đồng thời số thương binh cũng tăng lên nhiều và đòi hỏi một thứ thuốc có thể nhanh chóng chữa lành các vết thương. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và các giáo sư của trường Y đều nhận ra rằng nước lọc Penicillin có tác dụng và hiệu lực hơn cả Penicillin kết tinh nếu dùng nó để chữa trị tại chỗ các vết thương phẫu thuật nhiễm trùng. Xác định như vậy, ông đã quyết tâm và dành toàn bộ tâm trí để sản xuất nước lọc Penicillin.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, việc sản xuất nước lọc Penicillin không thể tiến hành ở một cơ sở hay một phòng thí nghiệm. Nó cần được phân tán thành nhiều tổ sản xuất, gắn liền với các đơn vị của bộ đội. Theo GS Đặng Văn Ngữ thì: “Sự phân tán tổ chức sẽ giải quyết được vấn đề chuyển vận nguyên liệu chế tạo và người sử dụng không cần tìm thuốc ở đâu xa; nó sẽ xuất hiện hằng ngày bên cạnh bệnh nhân và thường xuyên nó chờ đợi người y sĩ tới sử dụng nó”.

Các lớp học điều chế nước lọc penicillin được thành lập, thu hút các dược sĩ, bác sĩ, sinh viên y dược, dược tá… Nước thân cây ngô có chứa glucose được nấu lên rồi cấy nấm bằng giống của phòng thí nghiệm được thực hiện đều đặn. Việc lấy nước từ thân cây ngô cũng là một sự sáng tạo, bắt nguồn từ hoàn cảnh của cuộc kháng chiến. Cây ngô rất sẵn trong nhân dân, nước từ thân cây ngô là môi trường lý tưởng để nuôi cấy nấm Penicillin.

Thời gian huấn luyện kéo dài khoảng hai tuần là một người có thể nắm rõ các quy trình của việc nuôi cấy và sản xuất nước lọc Penicillin. Song song với việc huấn luyện trực tiếp, Tập san Penicillin được phát hành hàng tháng, cũng là một công cụ hữu hiệu để phổ biến kiến thức của phòng thí nghiệm của trường Đại học Y với các cơ sở ở địa phương.

GS Đặng Văn Ngữ đánh giá mỗi tổ sản xuất nước lọc Penicillin ở địa phương giống như một bó đuốc khoa học: “Một tổ sản xuất Penicillin thiết lập ở một thôn là một bó đuốc khoa học đã nhóm cháy ở đấy, và người nông dân mộc mạc hồn nhiên sẽ được trông thấy cũng như rồi đây sẽ tự tay mình chế tạo lấy cái thứ thuốc thần diệu của y học hiện đại”.

Việc sản xuất được nước lọc Penicillin của bác sĩ Đặng Văn Ngữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là ở giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhờ đó mà nhiều thương binh được chữa khỏi, không bị cưa chân tay.

Giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa nhận định: “Những thành tích sáng chói của nước lọc Penicillin qua các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và gần đây nhất, kết quả rực rỡ của nước lọc Penicillin trong chiến dịch Lý Thường Kiệt càng làm phấn chấn anh chị em dược tá Penicillin đang cần cù và hăng hái xây dựng một ngành y mới của y học trong khi phục vụ tiền tuyến”.

Còn GS Tôn Thất Tùng, một trong những trụ cột của trường Y trong kháng chiến thì cho rằng đó là một điều kì diệu. Ông nhấn mạnh: “Mỗi chiến dịch, quân y đưa ra tiền tuyến một tổ Penicillin để sản xuất kháng sinh dùng ngay trên mặt trận. Đây là một thành tích kỳ diệu mà từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh du kích chưa ai đã làm được như vậy với những dụng cụ thô sơ, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn”. 

Sẽ thật là khập khiễng nếu so sánh những thành tựu y học của ngày nay với sáng tạo khoa học của 70 năm về trước. Nhưng sự kiện sáng chế ra nước lọc Penicillin và tác giả - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã được ghi đậm trong lịch sử Y khoa Việt Nam và sẽ được ghi nhớ mãi mãi với tư cách là "Giáo sư Penicillin". Nhớ về ông là nhớ về một nhà khoa học, một bác sĩ có tấm lòng trong sáng, vì dân vì nước, sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho khoa học, cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Nguyễn Thanh Hoá (Khám Phá)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem