Giống lúa của Viện lúa ĐBSCL phát triển rất tốt trên huyện miền núi tỉnh Bình Thuận
Giống lúa của Viện lúa ĐBSCL phát triển tốt ở huyện miền núi, được nông dân tỉnh Bình Thuận ủng hộ
Bùi Phụ
Thứ sáu, ngày 13/12/2024 09:28 AM (GMT+7)
Chiều 12/12, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận) cho biết, vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả các giống lúa mới của Viện lúa ĐBSCL cung cấp cho nông dân trên địa bàn huyện…
Theo UBND huyện Tánh Linh, nhằm cơ cấu giống tốt đạt phẩm chất cao cho các xã trong huyện thuộc vùng quy hoạch 3.000 ha lúa chất lượng cao, ngày 12/12, tại xã Bắc Ruộng, UBND huyện Tánh Linh phối hợp với Viện lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo đánh giá kết quả các giống lúa mới triển vọng từ Viện lúa ĐBSCL.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Viện lúa ĐBSCL, Trung tâm giống Bình Thuận, lãnh đạo huyện Tánh Linh, đại diện các cơ quan của huyện và hàng hộ nông dân tiêu biểu, các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Tánh Linh.
Theo UBND huyện Tánh Linh, trên địa bàn huyện đang thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa giống tập trung, từng bước nhân rộng sản xuất giống lúa chất lượng tại các HTX trên địa bàn xã, thị trấn.
Hằng năm huyện Tánh Linh đều phối hợp với Viện lúa ĐBSCL khảo nghiệm một số giống lúa mới triển vọng của Viện lúa ĐBSCL cung cấp cho nông dân trồng trên địa bàn huyện.
Thông qua Trung Tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh, tính đến nay trên địa bàn huyện Tánh Linh đã hình thành và mở rộng được trên 3.000 ha vùng lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước và xuất khẩu.
Từ chương trình vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha đã lan tỏa ra các vùng lân cận, hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn huyện đều sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ năng suất vùng lúa chất lượng cao đạt bình quân 65 tạ/ha. Cá biệt một số diện tích sản xuất đạt từ 70- 85 tạ/ha.
Gần đây nhất là trong vụ mùa 2024, hai bên đã có cuộc khảo nghiệm một số giống lúa mới cho thấy rất nhiều triển vọng. Kết quả khảo nghiệm được thực hiện vụ mùa năm 2024 trên diện tích 1ha tại khu vực sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp Bắc Ruộng 1; các giống khảo nghiệm gồm OM9921, OM49, OM3, OM74, OM341, OM429, OM34, OM468; giống đối chứng OM 4900; OM5451 phương pháp thực hiện sạ cụm thời gian thực hiện 20/9/2024.
Cây lúa phát triển tốt
Qua mô hình khảo nghiệm các giống mới triển vọng của Viện lúa ĐBSCL kết quả bước đầu cho thấy các giống lúa trong mô hình đều có khả năng thích nghi rộng. Những giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bộ lá khỏe, lá đòng rộng dài, bông dài.
Các giống lúa từ ĐBSCL đều thể hiện được tiềm năng, năng suất cao trên những cánh đồng thuộc huyện miền núi huyện Tánh Linh. Thời gian sinh trưởng của các giống lúa này từ 95 đến 100 ngày, trổ tập trung 4-5 ngày phù hợp cơ cấu cho vùng lúa 3 vụ/năm; số nhánh hữu hiệu 8-14 nhánh; năng suất ước đạt từ 70 tạ đến 90 tạ/ha.
Mức độ gây hại của sâu, bệnh và rầy nâu xuất hiện từng giai đoạn không nhiều. Tình hình bệnh đạo ôn cổ bông ngoài đồng cho thấy nhiễm nhẹ, mặc dù bệnh xuất hiện ít trên các giống nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của các giống.
Tại buổi hội thảo, các địa phương và các HTX dịch vụ cũng mong muốn trong thời gian tới, các giống lúa khảo nghiệm OM9921, OM49, OM3, OM74, OM341, OM429, OM34, OM468 nếu sản xuất thành công tại xã Bắc Ruộng sẽ được mở rộng trên địa bàn huyện.
Việc này góp phần đa dạng hóa hoạt động canh tác lúa, tăng năng suất trên cùng một diện tích, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Trên cơ sở đó, UBND huyện Tánh Linh yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với Viện lúa ĐBSCL trình diễn và có quy trình của từng giống lúa mới để đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như triển vọng nhân rộng trong các vụ tiếp.
Xây dựng thương hiệu gạo Tánh Linh
Theo ghi nhận của Dân Việt, một trong những nông dân mấy năm qua đi đầu, trong việc trồng lúa hữu cơ từ giống lúa của Viện lúa ĐBSCL là nông dân Nguyễn Anh Đức(hiện là giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình) ở xã Đức Bình, huyện Tánh Linh.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa chất lượng cao được trồng theo phương pháp hữu cơ bên sông La Ngà, nông dân Nguyễn Anh Đức cho biết, vùng này trước đây rất khó trồng lúa. Nhưng gần chục năm qua, nhờ nguồn nước thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, đập dâng Tà Pao, sông La Ngà nên ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển rất tốt.
Theo lời ông Nguyễn Anh Đức, nếu trước đây, vùng này bà con làm nông nghiệp dựa theo nước trời may nhờ rủi chịu thì này đã có nhiều cánh đồng lúa chất lượng cao, cung cấp cho thị trường một nguồn lương thực lớn. Nhiều thương hiệu gạo sạch, ngon, hữu cơ cũng xuất phát từ những cánh đồng ven sông La Ngà này…", ông Đức chia sẻ.
Theo lời ông Đức, hiện tại gia đình ông đang gieo trồng hơn 20ha lúa hữu cơ. Toàn bộ diện tích này chỉ sử dụng phân hữu cơ, khoáng thiên nhiên, phân heo, phân trâu, phân bò, cùng một số biện pháp tự nhiên sinh học để duy trì, nâng cao độ phì của đất.
Theo UBND huyện Tánh Linh, trên địa bàn có tổng diện tích trên 1.194 km². Trong đó: diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 45.000 ha, diện tích đất trồng lúa trên 11.000 ha, hằng năm sản xuất khoảng trên 26.000 ha/3 vụ lúa (Đông Xuân, Hè Thu và Vụ Mùa). Nhiệt độ không khí cao quanh năm và tương đối ổn định, nhiệt độ từ 22-260C.
Đến nay, huyện Tánh Linh đã hình thành và mở rộng được nhiều vùng lúa chất lượng cao, hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn huyện đều sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ, năng suất đạt bình quân 75 tạ/ha. Cá biệt một số diện tích sản xuất đạt từ 80 - 85 tạ/ha.
Huyện đã thực hiện quy hoạch nhiều vùng sản xuất lúa giống tập trung, từng bước nhân rộng sản xuất giống lúa chất lượng tại các HTX trên địa bàn xã, thị trấn trong chương trình xã hội hóa giống lúa nhằm cung cấp các giống cấp xác nhận cho nhu cầu sản xuất của người dân trong địa bàn huyện.
Trong nhiều năm qua, huyện Tánh Linh đã tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo chiều sâu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, trong sản xuất nông nghiệp của huyện đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó hình thành các vùng chuyên sản xuất nông sản chất lượng, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững được huyện Tánh Linh quan tâm tập trung đầu tư phát triển.
Ngoài ra, việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các thành tựu mới trong sản xuất nông nghiệp cũng được quan tâm và giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh trực tiếp thực hiện, đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành nông nghiệp. Qua đó triển khai thực hiện các mô hình cho nông dân trên địa bàn huyện, góp phần tăng sản lượng lương thực cả về số lượng, lẫn chất lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.