Góc nhìn pháp lý vụ lái xe ô tô đâm văng 2 CSGT khi đang làm nhiệm vụ

Quang Minh Chủ nhật, ngày 17/12/2023 14:40 PM (GMT+7)
Theo luật sư, người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả gây thương tích cho người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật…
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, sáng 16/12/2023, mạng xã hội xuất hiện clip 2 CSGT bị xe ô tô tông thẳng vào người khi đang đo nồng độ cồn. Vụ việc khiến hai sĩ CSGT bị thương nhẹ. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Luật sư Ma Văn Giang, Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, qua thông tin các bài báo phản ánh và đoạn video clip ghi lại cảnh một người điều khiển phương tiện ôtô tham gia giao thông đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT mà đâm trực diện vào cán bộ đang làm nhiệm vụ. Đây là hành vi rất nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả gây thương tích cho nhiều người, thậm chí còn có thể dẫn đến hậu quả chết người.

Theo đoạn video, lái xe đã có hành vi sử dụng ôtô của mình đâm trực điện vào hai chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ nhằm mục đích trốn tránh việc kiểm tra nồng độ cồn.

Đây là hành vi dùng sức mạnh vật chất cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong các lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước.

Không những vậy, hành vi trên còn thể hiện sự coi thường pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Do vậy hành vi trên cần được xử lý nghiêm khắc để làm cơ sở răn đe đồng thời làm cơ sở để tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân, người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật.

Góc nhìn pháp lý vụ lái xe ô tô đâm văng 2 CSGT khi đang làm nhiệm vụ - Ảnh 1.

Lái xe chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: Phạm Hưng.

Hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đâm, chém… làm cho người thi hành công vụ không thực hiện được nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi mà pháp luật cấm hoặc không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc họ phải làm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.

Trường hợp, người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo quy định trên, khung hình phạt thấp nhất đối với hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Với tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự; Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 330 Bộ luật hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem