GS.VS Nguyễn Văn Hiệu: Tượng đài khoa học Việt Nam và những câu nói đáng nhớ trước khi qua đời

Tào Nga Chủ nhật, ngày 23/01/2022 21:22 PM (GMT+7)
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu được phong Giáo sư lúc vừa tròn 30 tuổi và khi tuổi ngoài 80, ông vẫn miệt mài với sự nghiệp khoa học, giáo dục nước nhà.
Bình luận 0

 Lúc 11h52 ngày 23/1, Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Nguyễn Văn Hiệu đã qua đời ở tuổi 84 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô sau thời gian mắc bệnh phổi, thận. 

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là người có nhiều đóng góp to lớn cho nền khoa học và công nghệ Việt Nam. Ông là một nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược, người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, luôn trăn trở tìm giải pháp cho sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà, một nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực Vật lý và Khoa học vật liệu.

Được phong Giáo sư khi mới 30 tuổi 

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938, tại quận Hà Đông, Hà Nội trong 1 gia đình viên chức nhỏ. Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, và được điều về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Năm 1960, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna thuộc Liên Xô Cũ. Tháng 4/1963 sau hơn 2 năm ở Dubna cùng với việc công bố 12 công trình về vật lý, ông đã bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khi chưa đầy 26 tuổi. Năm 1968, khi mới 30 tuổi ông đã được công nhận chức danh Giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonoxop. Năm 1969, ông trở về Việt Nam và trở thành người có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Vật lý – Viện Khoa học Việt Nam.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu: Tượng đài khoa học Việt Nam và những câu nói đáng nhớ trước khi qua đời - Ảnh 1.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - nhà khoa học và nhà quản lý mang tầm chiến lược. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình với những những công trình về lý thuyết tương tác yếu của các hạt cơ bản hay các tính chất của các biên độ tán xạ các hạt nhân năng lượng cao… Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học, ông tập trung nghiên cứu sâu lĩnh vực "Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản". GS Nguyễn Văn Hiệu là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu thuộc hai lĩnh vực: Lý thuyết trường lượng tử và lý thuyết chất rắn. 

Năm 1982, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1986, ông được trao tặng giải thưởng Lênin, danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước Liên bang Xô Viết. 

Trên cương vị lãnh đạo và quản lý, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã được giao phó nhiều chức vụ quan trọng như Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ.

Không chỉ là một nhà khoa học, một nhà quản lý, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu còn là chính trị gia. Ông được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII VIII và là đại biểu Quốc hội các khoá IV, V, VII, VIII, IX, X.

Ngoài 80 tuổi vẫn miệt mài làm việc

Dành nhiều thời gian để làm khoa học song GS.VS Nguyễn Văn Hiệu vẫn không quên nhiệm vụ của một người thầy giáo. Ông quan tâm đào tạo nhiều thế hệ cán bộ và tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh, giảng dạy cao học và tham gia giảng dạy cả bậc đại học. 

Theo chia sẻ từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ông là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục. Theo ông, để đảm bảo sự công bằng cho đội ngũ những "người đứng bục" cần có các mức phụ cấp khác nhau cho những từng đối tượng làm công tác giảng dạy: phụ cấp dành cho giảng viên - thạc sĩ phải có sự khác biệt với giảng viên - tiến sĩ hoặc giáo sư.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu: Tượng đài khoa học Việt Nam và những câu nói đáng nhớ trước khi qua đời - Ảnh 2.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhận quà chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 từ Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn năm 2018. Ảnh: VNU

Gắn bó nhiều năm với giảng đường đại học, ông không ngừng suy nghĩ và trăn trở về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông cho rằng: "Chất lượng giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Yếu tố thứ nhất là người học muốn học và có động cơ học tập chân chính: Học để hiểu biết, thành người có tài phục vụ cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Yếu tố thứ hai là người thầy. Để học trò đạt được những mơ ước chân chính cần phải có những người thầy hết sức tâm huyết, muốn giúp cho học trò của mình đạt được điều đó". 

Trên cương vị một người thầy, ông có một mong muốn thật giản dị nhưng rất thiết thực với đời sống: "Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: Nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thì giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…".

Theo chia sẻ từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu xúc động phát biểu: "Những thành tích khiêm tốn mà tôi đã đạt được trong hơn 50 năm hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học có được trước hết là nhờ công ơn to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đã dày công rèn luyện và đào tạo tôi, là nhờ sự dìu dắt, hướng dẫn của nhiều đồng chí lãnh đạo - những người thầy vô cùng kính yêu của tôi trong trường đời cách mạng, nhờ có sự cộng tác và giúp đỡ chân tình của các đồng chí, đồng nghiệp trong Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trên khắp mọi miền đất nước...

Ngày nay, khi tuổi đã cao, tôi được Nhà nước cho phép nghỉ ngơi, song trong tình hình nền khoa học và giáo dục của đất nước còn đang phải trải qua bao thử thách để tiến lên góp phần đưa dân tộc Việt Nam ta bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước, làm sao tôi có thể sống an nhàn và chỉ ngồi hưởng thụ sự trọng đãi của Nhà nước. 

Tôi nguyện suốt đời làm theo lời dạy của Bác Hồ, mặc dầu tuổi đã cao nhưng lúc nào cũng "chống gậy đi trước" trên con đường chấn hưng khoa học, giáo dục Việt Nam và san sẻ kinh nghiệm cho những người kế cận, lúc nào cũng làm gương cho thế hệ trẻ noi theo về tinh thần hợp tác và đoàn kết để phụng sự nhân dân. Phần thưởng rất cao quý mà Nhà nước trao tặng cho tôi ngày hôm nay đã giúp cho thôi có thêm ý chí quyết thực hiện lời dạy của Bác Hồ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem