Hà Nội: Sẽ rà soát chủ đầu tư “chộp giật”

Thứ bảy, ngày 06/07/2013 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Sẽ rà soát các doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất trong khi người mua nhà đã nộp tiền gần hết nếu được cung cấp thông tin.
Bình luận 0

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Hà Nội ngày 5.7.

Bắt đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) hỏi thẳng: Hiện nay, xã hội đang rất "nóng" với vấn đề về việc người dân (còn gọi là nhà đầu tư thứ cấp) rót vốn xây dựng nhà, nhưng chủ đầu tư gặp khó khăn. Thành phố có nắm được vấn đề này không khi những chủ đầu tư nằm trong diện này đã thu 70-80% vốn của nhà đầu tư thứ cấp nhưng không xây nhà và thậm chí có biểu hiện "xù".

"Trách nhiệm của thành phố với những chủ đầu tư này như thế nào và có cần phân loại hay không khi có rất nhiều chủ đầu tư "tay không bắt giặc", chiếm dụng vốn ngân hàng hoặc nhà đầu tư thứ cấp, lấy đất rất đẹp ở vị trí thuận lợi. Nếu không giải quyết tốt thì người dân sẽ không có nhà ở và thành phố sẽ thất thu về ngân sách và tiền đất" - ông Nam nhấn mạnh.

img
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Trong khi đó, với quan điểm về việc 1.600 lô đất hiện không có giấy tờ hợp pháp mà chủ sử dụng đang được nộp thuế tạm tính là không hợp lý, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) hỏi: Nếu khu đất sai quy hoạch thì thành phố dựa trên cơ sở nào để tạm tính, có đúng pháp luật hay không?

Trên cơ sở các câu chất vấn của đại biểu, Thường trực HĐND thành phố lựa chọn, tổng hợp 4 nhóm vấn đề để UBND thành phố trả lời gồm: Nhóm vấn đề về kinh tế- ngân sách ; nhóm vấn đề về quản lý đô thị và trật tự an toàn xã hội; nhóm vấn đề về văn hóa- xã hội và dân sinh; nhóm về quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Hiện có 1.123 trường hợp sử dụng đất chưa đủ hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn sản xuất kinh doanh trên đất hàng chục năm nay, cơ quan thuế cũng biết ngành nghề nên ấn định mức thu tạm tính, nếu không sẽ thất thu cho ngân sách. Với các dự án có sử dụng đất, những chủ đầu tư có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất, song trong thời điểm bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thua lỗ thì họ có quyền nợ tiền sử dụng đất vì không thể vay ngân hàng trả nợ.

"Đây là chưa kể việc có trường hợp báo cáo lãi nhưng cũng không có khả năng nộp thuế. Lý do là báo cáo lãi này chưa thật chính xác bởi họ cần giữ thương hiệu", ông Tưởng cho biết.

Chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, đại biểu Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn: Không thể nói đơn giản như vậy được bởi nếu chỉ dựa vào kê khai của chủ đầu tư là chưa chính xác. Bản chất vấn đề là chủ đầu tư đã bán 70-80% giá trị hàng hóa mà ta chưa xem xét. Điều đó chưa thể hiện trách nhiệm của thành phố trong việc lựa chọn chủ đầu tư và năng lực của chủ đầu tư.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tưởng khẳng định: UBND thành phố đã yêu cầu Cục Thuế và các sở xem xét cho giảm, dãn với chủ đầu tư trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp, còn hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đúng hay sai là việc để sau. "Nếu phát hiện doanh nghiệp nào mà người mua nhà đã nộp tiền gần hết trong khi doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất thì chúng tôi sẽ xử lý. Nếu được các đại biểu cung cấp thông tin về vấn đề này, chúng tôi sẽ rà soát" - ông Tưởng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem