Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất tối thiểu từ 30 m2 lên 50 m2
Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất tối thiểu từ 30 m2 lên 50 m2
Phương Thảo
Thứ bảy, ngày 28/09/2024 03:20 AM (GMT+7)
UBND TP.Hà Nội mới ban hành quy định điều kiện tách, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách đối với từng loại đất, áp dụng từ ngày 7/10.
Theo đó, diện tích đất ở tối thiểu 50 m2 mới được tách thửa đất tại Hà Nội, tăng 20 m2 so với quy định hiện hành.
Với đất ở, diện tích nằm ngoài đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng, không nhỏ hơn 50 m2, chiều dài trên 4 m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4 m trở lên.
Đối với các xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu để tách thửa là 80 m2, các xã vùng trung du 100 m2, còn các xã miền núi tối thiểu 150 m2.
Trường hợp đất phi nông nghiệp, quy định áp dụng cho các thửa đất không thuộc trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đất thương mại dịch vụ muốn tách thửa phải có chiều rộng giáp đường giao thông từ 10 m trở lên, diện tích tối thiểu 400 m2. Với các loại đất phi nông nghiệp khác, thửa đất phải có chiều rộng trên 20 m, diện tích tối thiểu 1.000 m2.
Tại các xã, đất thương mại dịch vụ được tách thửa phải có diện tích không dưới 800 m2 và đất phi nông nghiệp khác không dưới 2.000 m2.
Cuối cùng là đất nông nghiệp, diện tích tách thửa tối thiểu với đất trồng cây hàng năm là 300 m2 tại phường, thị trấn và 500 m2 tại các xã; đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản lần lượt 500 m2 tại phường, thị trấn và 1.000 m2 tại các xã. Đất rừng sản xuất được tách thửa nếu diện tích không dưới 5.000 m2.
Nếu người sử dụng đất muốn dành một phần để làm lối đi, thửa đất phải bảo đảm lối đi có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5 m trở lên tại phường, thị trấn và từ 4 m trở lên tại các xã. Sau khi tách, thửa đất vẫn phải đáp ứng điều kiện về loại đất quy định trong Luật Đất đai.
Quyết định của UBND TP. Hà Nội cũng đề cập đến việc rà soát, công bố công khai danh mục và quy trình giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp hoặc nằm xen kẹt, không có đường giao thông kết nối do Nhà nước quản lý.
Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện sẽ chủ trì việc đo đạc, xác định các thửa đất này và đề xuất phương án sử dụng phù hợp, báo cáo UBND cấp huyện. Trong đó, các thửa đất nhỏ hẹp, xen kẹt sẽ ưu tiên cho mục đích công cộng. Nếu không phù hợp, các thửa đất này có thể được giao hoặc cho thuê cho người sử dụng đất liền kề.
Quyết định còn quy định rõ về việc công nhận quyền sử dụng đất ở đối với các thửa đất được hình thành trước và sau các thời điểm quan trọng.
Đối với thửa đất hình thành trước ngày 18/12/1980, diện tích công nhận đất ở sẽ bằng 5 lần hạn mức giao đất ở tối đa nhưng không vượt quá diện tích thực tế.
Đối với thửa đất hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, hạn mức công nhận sẽ khác nhau tùy thuộc vị trí địa lý của thửa đất. Ví dụ, các quận có hạn mức 120 m2, còn các xã miền núi là 500 m2.
Hiện việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20/2017. Theo đó, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới với các địa bàn còn lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.