Hai nhân viên Eximbank bị bắt, bà Chu Thị Bình nói gì?

Nguyễn Ngân (tổng hợp) Thứ ba, ngày 27/03/2018 07:00 AM (GMT+7)
Nói về việc hai nhân viên Eximbank bị bắt liên quan đến việc làm “bốc hơi” 245 tỷ đồng, bà Chu Thị Bình cho biết vẫn yêu cầu rất rõ ràng là Eximbank phải trả lại toàn bộ tiền cho mình và sau sự việc cơ quan công an bắt hai nhân viên Eximbank, tôi vẫn tiếp tục yêu cầu như vậy.
Bình luận 0

Trưa ngày 26.3, Bộ Công an bất ngờ khám xét chi nhánh Eximbank TP.HCM trên đường Đồng Khởi, quận 1 và dẫn giải hai nhân viên phòng khách hàng là Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi vì cho rằng có liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng.

Sau sự việc này, luật sư Đinh Ánh Tuyết, một trong hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Chu Thị Bình, cho biết trong vụ việc này việc làm giả chứng từ đã khá rõ ràng. Bộ Công An đã có kết quả điều tra trong đó xác minh được một số vấn đề và thông báo cho luật sư các bên để tiếp cận hồ sơ.

img

Đông đảo cán bộ Eximbank và phóng viên chờ kết quả tại sảnh Eximbank chi nhánh TP.HCM ngày 25.3 (Ảnh: Quốc Hải)

"Những động thái của Cơ quan cảnh sát điều tra ngày hôm nay khiến chúng tôi không quá ngạc nhiên vì ông Lê Nguyễn Hưng không thể rút tiền một mình mà theo quy trình của ngân hàng các chứng từ phải nhiều người ký. Nhưng nhân viên ngân hàng lại bỏ qua các thủ tục, làm sai quy trình nên ông Hưng mới rút được tiền", luật sư Tuyết giải thích.

Tuy nhiên, theo luật sư Đinh Ánh Tuyết, đó chỉ là chuyện nội bộ của ngân hàng. Còn bà Chu Thị Bình gửi tiền vào ngân hàng, về nguyên tắc ngân hàng phải bảo quản. Ngân hàng để nhân viên làm giả giấy tờ và rút ra thì đó là việc của Eximbank và nhân viên của mình.

Còn bà Chu Thị Bình cho biết sau vụ việc này sẽ họp với các luật sư của mình để xem hướng sắp tới sẽ như thế nào. “Từ trước đến nay vẫn yêu cầu rất rõ ràng là Eximbank phải trả lại toàn bộ tiền cho mình và sau sự việc cơ quan công an bắt hai nhân viên Eximbank, tôi vẫn tiếp tục yêu cầu như vậy”, bà Bình nhấn mạnh.

Về phía Eximbank, sau khi hai nhân viên bị bắt, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết hai nhân viên này đã có sai sót về mặt kỹ thuật, xác nhận giấy ủy quyền khi không có mặt của khách hàng là bà Chu Thị Bình và bà Nguyễn Thị Hồng Lê.

“Mặc dù cơ quan cảnh sát điều tra đã xác nhận chữ ký ủy quyền của bà Chu Thị Bình, bên ủy quyền là có thật và chữ ký của bên được ủy quyền là bà Nguyễn Thị Hồng Lê, cô ruột của vợ bị can Lê Nguyễn Hưng, là giả, do Hưng ký chứ không phải bà Lê. Trên thực tế bà Chu Thị Bình cũng tự mình ký lệnh chuyển tiền vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hồng Lê vào ngày 28.7.2014”, ông Tùng cho biết.

Ông Tùng cho biết thêm, các nhân viên này không cố ý nhưng bị yêu cầu, nhận chứng từ từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách. “Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có”, ông Tùng bình luận.

img

Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị Eximbank (Ảnh: Quang Định)

Còn ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, khẳng định việc Eximbank đề xuất tạm ứng cho bà Chu Thị Bình là thể hiện thiện chí của ngân hàng đối với khách hàng.

"Sở dĩ gọi đây là số tiền tạm ứng vì mặc dù bản chính sổ tiết kiệm bà Bình còn đang giữ, nhưng trên hệ thống của Eximbank thì số tiền trên các sổ tiết kiệm không còn mà được rút theo các chứng từ có chữ ký của bà Bình hoặc người được bà Bình ủy quyền như đã nêu trên. Do vậy để chi các khoản này, Eximbank không thể giải quyết việc rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà Bình mà Eximbank phải thực hiện tạm ứng để chuyển cho bà Bình", ông Quyết nói rõ.

"Hơn nữa, Eximbank cũng đã có chỉnh sửa thỏa thuận và đề nghị bà Bình điều chỉnh dự thảo Biên bản thỏa thuận theo ý của bà để Eximbank xem xét nhưng bà Bình đã từ chối đề nghị này", ông Quyết cho hay.

Thừa nhận việc rút tiền mà không có sổ tiết kiệm bản chính là chưa đúng quy trình. Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng do trong suốt quá trình giao dịch với Eximbank, bà Bình chỉ giao dịch duy nhất với một mình ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM khi đó.

Khi cần giao dịch, bà không thực hiện qua các Thanh toán viên như các khách hàng khác mà bà chỉ đưa chứng từ cho ông Hưng thực hiện. Ông Hưng lại chuyển các chứng từ này xuống cho cấp dưới thực hiện và việc rút tiền được thực hiện trên cơ sở chứng từ đã có chữ ký của bà Bình.

Mặt khác, để che giấu hành vi phạm tội, ông Hưng chỉ cho rút từng phần của sổ tiết kiệm chứ không tất toán hết số tiền trên sổ tiết kiệm đó.

"Theo quy định của Ngân hàng, thì khi khách hàng rút tiền một phần của sổ tiết kiệm thì bản gốc sổ tiết kiệm vẫn do khách hàng lưu giữ. Trong khi các chứng từ rút tiền đều có chữ ký của bà Bình hoặc chữ ký của người được bà Bình ủy quyền. Vì vậy, quá trình kiểm tra thì hồ sơ vẫn có đầy đủ theo quy định.

Việc ủy quyền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm cho 1 cá nhân được thực hiện theo ý chí của họ, theo đó bà Bình có thể ủy quyền cho 1 cá nhân rút tiền trên tất cả sổ tiết kiệm mà bà Bình sở hữu nên việc ủy quyền của bà Bình cũng không trái quy định của Ngân hàng", ông Quyết nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem