Hài Tết kiếm nguồn thu từ đâu khi chỉ phát hành miễn phí?

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 05/02/2021 14:49 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, các đơn vị sản xuất hài Tết không phát hành dạng đĩa mà chỉ phát hành trực tuyến hoặc bán bản quyền cho đài địa phương phát miễn phí.
Bình luận 0

Không dám in đĩa vì nạn sao chép quá khủng khiếp

Nhiều năm trở lại đây, hài Tết không còn phát hành dạng đĩa vật lý. Nguyên nhân là bởi nạn sao chép, in lậu băng đĩa khiến cho việc bảo vệ bản quyền vô cùng khó khăn. Nhiều nhà sản xuất hài Tết than rằng: “Đĩa gốc vừa in chưa kịp “bốc hơi” thì đĩa lậu ngoài sạp đã nhan nhản”. Vì lẽ đó, nhiều nhà sản xuất không chọn cách phát hành hài Tết theo kiểu thông thường mà phát hành qua Youtube và bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương.

Hài Tết kiếm nguồn thu từ đâu khi phát hành miễn phí? - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Nghĩa và Vượng "râu" trong hài Tết "Cưới ngay kẻo ế 5".

Nhiều năm qua, Thăng Long Audio là đơn vị luôn dẫn đầu về việc bán bản quyền phim hài Tết cho các đài truyền hình địa phương. Sở dĩ như vậy vì Thăng Long là đơn vị duy nhất vẫn duy trì mỗi năm có ít nhất một phim hài dân gian. Các phim hài dân gian của đơn vị này được xây dựng kịch bản chặt chẽ, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia và chuyện phim ăm ắp tính thời sự. 

Vì lẽ đó, rất nhiều đài truyền hình địa phương đăng ký mua bản quyền ngay từ khi phim bắt tay vào thực hiện. Theo tìm hiểu, năm nay, phim “Thói đời” và “Khi Cuội yêu” của đơn vị này cũng bán bản quyền cho trên 20 đài truyền hình địa phương, phát vào dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, hàng loạt phim hài Tết như: "Cưới ngay kẻo ế 5", “Đại gia chân đất 11”, “Làng ế vợ”, “Mr. Lù 4: Chuyến hàng cuối năm”, “Mất vợ vì rượu 2”, “Để cho thầy lấy vợ”… cũng chọn cách phát hành trực tuyến và bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương.

“Trong thời đại 4.0, việc phát hành hài Tết trực tuyến là xu hướng tất yếu. Phát hành trực tuyến thì có thể xem lúc nào cũng được và xem ở bất kỳ chỗ nào. Tuy nhiên, nếu trước đây, phát hành dạng đĩa thì chất lượng rất ổn nhưng bây giờ phát hành trực tuyến lại có nhiều vấn đề về chất lượng. Có những phim xem thấy rất tốt nhưng cũng có những phim xem rất bức xúc”, NSND Quốc Anh bày tỏ.

Nghệ sĩ Xuân Nghĩa cho rằng, bán bản quyền cho đài truyền hình địa phương dù kinh phí không được nhiều nhưng cũng là một kênh để phát hành sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Thêm vào đó, nếu không bán bản quyền và phát hành trực tuyến thì nhà sản xuất hài Tết cũng không có nhiều sự lựa chọn.

Hài Tết kiếm tiền từ đâu khi chỉ phát “chùa”?

Nhiều nhà sản xuất hài Tết đều cho rằng, xu hướng làm hài Tết nhiều năm trở lại đây đã thay đổi rất nhiều. Người ta không mong chờ vào việc bán đĩa mà chủ yếu mong chờ về nhà tài trợ sản phẩm, lượng người xem trên Youtube lẫn bán bản quyền cho đài truyền hình địa phương. Trong đó, nhà tài trợ chính là yếu tố quyết định việc “lời lãi” của một phim hài Tết.

Hài Tết kiếm nguồn thu từ đâu khi phát hành miễn phí? - Ảnh 2.

Hậu trường phim hài Tết "Mr. Lù 4: Chuyến hàng cuối năm".

Đạo diễn Trần Bình Trọng tiết lộ: “Thực tế, hài Tết mà không có tài trợ thì cũng khó mà trôi được. Nhưng năm nay, do dịch Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Vì lẽ đó, việc mời các nhãn hàng, doanh nghiệp đồng hành rất khó khăn và khổ sở. 

Nhưng nhìn vào mặt tích cực thì năm nay không có nhiều tài trợ thì những hài Tết dung tục, phản cảm... được hạn chế hơn rất nhiều. Nếu năm nay, không có tài trợ thì tôi vẫn sản xuất hài Tết vì sau đó tôi có thể bán cho đài truyền hình địa phương hoặc hạ tầng cần giải trí để phát dịp Tết đến xuân về. Bởi hài Tết đến giờ phút này vẫn là món ăn của nhiều cá nhân, tập thể”.

Nghệ sĩ Trà My cũng thừa nhận, những năm trước, khi chưa xuất hiện dịch Covid-19 thì nhu cầu quảng bá sản phẩm và thương hiệu của các doanh nghiệp, nhãn hàng… rất cao. Nhiều đơn vị lựa chọn việc đồng hành với hài Tết vì họ thấy hiệu quả đo đếm được. Thậm chí, có những sản phẩm, từ đầu phim cho đến cuối phim, thuần quảng bá sản phẩm chiếm thời lượng rất lớn. Các nhà sản xuất vì thế không phải lo ngại việc lỗ vốn bởi “trừ ngược, trừ xuôi” thì vẫn lãi được một ít.

Một đạo diễn giấu tên hé lộ rằng, hài Tết dẫu không phát hành dưới dạng đĩa thì vẫn có rất nhiều nguồn thu. Chính vì có nhiều nguồn thu nên các nhà sản xuất mới “vững tâm” mà sản xuất ồ ạt mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, nguồn thu từ nhà tài trợ và đơn vị quảng cáo luôn chiếm từ 30% đến 90%. Có những phim hài Tết, riêng khoản tài trợ đã hoà vốn hoặc lãi, chưa cần phải tính đến việc bán bản quyền cho đài truyền hình địa phương hoặc phát hành trực tuyến. Vì lẽ đó, bao nhiêu năm qua, hài Tết vẫn ổn định hoặc tăng lên về số lượng.

=> Bài 3: Nghệ sĩ nào kiếm được nhiều cát-sê nhất mùa phim hài Tết 2021?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem