Hàng nghìn phụ nữ nông thôn vươn lên làm chủ gia đình

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 02/07/2018 06:02 AM (GMT+7)
Nhờ được tiếp cận các dự án hỗ trợ sinh kế thông qua việc nâng cao năng lực bản thân mà giờ đây, hàng nghìn phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi đã có việc làm bền vững. Nhiều chị em vươn lên làm chủ gia đình, giảm sự bất bình đẳng giới so với trước kia.
Bình luận 0

Tạo sinh kế cho lao động nông thôn

Từng là hộ nghèo, gia đình chị Sàm Thị Trứ - dân tộc Mông ở Bắc Kạn gặp khó khăn lớn trong việc phát triển kinh tế. Năm 2017, chị Trứ được một số tổ chức hỗ trợ sinh kế và nâng cao năng lực cho vay vốn.

img

Phụ nữ được học nghề, nâng cao thu nhập, tự tin hơn trong cuộc sống.  Ảnh: Nguyệt Tạ

Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân trực tiếp sản xuất và 13 triệu hộ nông dân sống ở nông thôn. Dù cuộc sống đã được cải thiện nhưng giáo dục, nước sạch, y tế… vẫn là những vấn đề lớn. Phát triển kinh tế đang là thách thức lớn với lao động nông nghiệp, đặc biệt là lao động nữ.

Ông Lê Đức Thịnh -
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế
hợp tác (Bộ NNPTNT)

Kể từ ngày tham gia dự án do We Effect Thụy Điển tài trợ, chị Trứ đã có thay đổi trong cả nhận thức lẫn hành động. Chị kinh doanh lợn nái, tự nhân giống lợn, tham gia các tổ nhóm tiết kiệm, huy động vốn cùng làm kinh tế. “Nhờ được hỗ trợ vốn vay, được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi mà tôi đã thành công với mô hình nuôi lợn nái. Giờ tôi cảm thấy rất tự tin trong cuộc sống, biết làm ăn, có thu nhập, không còn bị chồng coi thường. Tôi giới thiệu để chị em trong bản học theo mô hình chăn nuôi lợn” – chị Trứ nói. Tương tự là hoàn cảnh gia đình chị Vi Thị Bình (Yên Bái). Năm 2018, chị được hỗ trợ tham gia dự án chăn nuôi thỏ. Chị Bình hy vọng việc chăn nuôi sẽ thuận lợi để giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các lao động nông thôn, các chương trình hỗ trợ của We Effect Thụy Điển và các đối tác Việt Nam đã thực hiện nâng cao năng lực cho các hợp tác xã (HTX). HTX chè Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) là một điển hình cho thành công trong quá trình nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh doanh này. Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX chè Suối Giàng cho biết, trải qua 10 năm với rất nhiều thăng trầm, đến nay, HTX tăng thành viên lên gần 20 người (trong đó 85% người dân tộc Mông, hơn 60% là lao động nữ). Thêm vào đó, doanh số tăng trên 20% qua từng năm, thu nhập của thành viên, người lao động tăng trên 4 triệu đồng/tháng. Thương hiệu chè Shan Tuyết của HTX đã được công bố thương hiệu, bảo vệ bản quyền.

Là người may mắn được dự án hỗ trợ nâng cao năng lực, từ một cán bộ tài chính, bà Thoa đã trở thành lãnh đạo HTX. “Từ thành công của bản thân, tôi luôn mong muốn cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ tăng cường kỹ thuật, tập huấn cho chị em, tăng vốn vay để chị em trong HTX phát triển kinh tế” – bà Thoa nói.

Mô hình phát triển kinh tế từ chị Trứ, chị Bình hay HTX Suối Giàng nằm trong số hàng nghìn mô hình thành công của dự án tăng cường năng lực hợp tác cho các tổ chức nông dân, người dân tộc thiểu số, giúp thích ứng với hệ thống chứng nhận nông nghiệp ở Việt Nam do Tổ chức We Effect Thụy Điển, Trung tâm Hỗ trợ giá trị bản địa và môi trường bền vững (CHIASE) tài trợ.

Hợp tác để thay đổi bền vững

Ngày 28.6, trong buổi gặp mặt đối tác phát triển của We Effect, ông Trịnh Quang Tuấn – Giám đốc chương trình We Effect  tại Việt Nam cho biết, đã có hơn 400.000 người ở khu vực châu Á được hưởng lợi từ Dự án “Nông dân quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số được nâng cao năng lực về kinh tế và được tham gia các hoạt động xã hội”, trong đó có tới 58% số người là nữ giới. “Thời gian tới, chương trình tiếp tục nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, giúp họ tiếp cận dựa trên quyền, chuỗi giá trị. Từ đó, duy trì mục tiêu của We Effect là hợp tác để thay đổi bền vững” – ông Tuấn nói .

Bà Hà Thị Liễu – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh này có gần 70.000 hội viên phụ nữ, hầu hết là chị em người dân tộc, hạn chế về học vấn. Việc phát triển kinh tế của tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn trên 25%. Đây là một thách thức không nhỏ tới vấn đề phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian qua, để giúp chị em thay đổi nhận thức, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện  chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, từ đó đẩy mạnh tư duy liên kết trong sản xuất, nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của địa phương. “Qua thực tế triển khai, các biện pháp tập huấn kỹ thuật và nâng cao năng lực phù hợp với lao động nông thôn. Thực tế, nhiều lao động đã có nghề, nay lại được “cầm tay chỉ việc”, giúp họ nâng cao kỹ năng và tăng cường sự phối hợp, liên kết cùng nhau tạo đầu ra cho sản phẩm” - bà Liễu nói.

Bà Đặng Thị Bích Thảo - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR - quản lý Dự án “Nâng cao nhận thức và năng lực vận động chính sách về liên kết nông dân trong nông nghiệp” cho rằng, không khó để giúp nông dân, lao động nữ làm nông nghiệp phát triển kinh tế. “Nông nghiệp Việt Nam khá nhỏ lẻ, vì vậy muốn phát triển không còn cách nào khác là liên kết nông dân theo kiểu mới trong các tổ nhóm, HTX để cùng phối hợp áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu thị trường. Như vậy mới tạo được việc làm, tạo sự thay đổi một cách bền vững” - bà Đào kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem