Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất bún, phở khô truyền thống ở Cao Bằng

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 30/11/2024 13:15 PM (GMT+7)
Từ nghề làm bún, phở khô truyền thống phục vụ nhu cầu thường nhật của gia đình, nhiều hộ dân tại Tp. Cao Bằng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, đưa bún phở khô truyền thống trở thành sản phẩm OCOP, cung ứng ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bình luận 0

"Lao tâm khổ tứ" tìm kiếm thị trường

Xóm Hồng Quang II, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng khi chúng tôi đến, người dân nơi đây đang tất bật mang những sào bún, phở khô mới ra lò đem phơi. Những sào bún khô đa sắc trở nên rực rỡ hơn trong ngàn vạn tia nắng sớm. Không khí sôi động, tất bật ấy đã mang đến một luồng sinh khí mới ở cái thôn vốn có đôi phần nghèo khó thủa nào.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất bún, phở khô truyền thống ở Cao Bằng- Ảnh 1.

Chị Lý Thị Thảo phơi bún khô tại xưởng sản xuất bú phở khô của Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng, xóm Hồng Quang II, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Nói về nghề làm bún phở, khô của gia đình, chị Lý Thị Thảo, Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng cho biết, việc sản xuất bún phở khô chị đã được truyền lại từ bố mẹ. Kế thừa nghề truyền thống của gia đình, mấy chị em chị đã mạnh dạn đưa sản phẩm ra thị trường, được góp ý, đón nhận và có những phản hồi tích cực.

"Trên cơ sở bún, phở khô truyền thống, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, bổ sung thêm các loại bún, phở khô lấy nguyên liệu từ hạt ngô tẻ giống bản địa Cao Bằng để cho ra sợi màu vàng, cùng với đó làm thêm bún, phở khô cẩm tím, tạo màu từ cây cẩm tím truyền thống mà người dân Cao Bằng dùng tạo màu cho xôi để tạo màu tự nhiên cho sợi bún", chị Thảo chia sẻ.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất bún, phở khô truyền thống ở Cao Bằng- Ảnh 2.

Chị Lý Thị Thảo đóng gói sản phẩm bún khô ngũ sắc của Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng, xóm Hồng Quang II, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng cơ sở sản xuất bún phở khô liên đồng, chị Thảo bảo, mới đầu cơ sở chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm đã khó, khi có sản phẩm rồi, việc tìm kiếm thị trường còn "lao tâm khổ tứ" hơn.

"Để sản phẩm của cơ sở chúng tôi làm ra đến được tay người tiêu dùng, chúng tôi đã phải lặn lội đến từng chợ phiên khắp các vùng trong tỉnh để giới thiệu, quảng bá. Nhiều khi cũng cảm thấy bế tắc, muốn bỏ cuộc. Nhưng cứ nghĩ đến bao nhiêu công sức bỏ ra, chúng tôi không đành lòng nên lại quyết tâm tiếp tục thực hiện.

Cơ sở của chúng tôi đi vào sản xuất hàng hóa từ năm 2010, đến nay đã được 14 năm. Sau khi dành nhiều thời gian quảng bá ở các chợ phiên, chúng tôi nhận thấy cần tiến xa hơn thông qua ứng dụng công nghệ. Nhờ có các nền tảng mạng xã hội, có sự hỗ trợ từ công nghệ, việc giới thiệu quảng bá sản phẩm của cơ sở của chúng tôi đã trở nên thuận tiện hơn. Giờ thì sản phẩm của chúng tôi đã được nhiều đại lý, của hàng nông sản khắp Bắc - Trung - Nam biết đến và nhập hàng, làm không đủ bán", chị Thảo hồ hởi.

Tạo việc làm cho lao động địa phương

Theo chị Lý Thị Thảo, để tạo ra các sản phẩm có nhiều màu sắc bắt mắt, cơ sở luôn phải đặt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Màu sắc được tạo ra cho sợi bún phải là màu sắc đến từ tự nhiên. Chính bởi đó mà Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng đã bỏ rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm và đặc biệt chỉ sử dụng các loại tạo màu từ thiên nhiên từ cây, cỏ, củ quả, lá vườn mà người Tày Cao Bằng vẫn thường dùng để tạo màu chứ không dùng phẩm màu, hóa chất.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất bún, phở khô truyền thống ở Cao Bằng- Ảnh 3.

Khách mua hàng được giới thiệu về các sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP của Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng tại xóm Hồng Quang II, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Qua tìm hiểu được biết, sản phẩm của Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng chia làm hai nhóm khách hàng mục tiêu. Sản phẩm bún gạo trắng truyền thống chủ yếu bán ở thị trường trong tỉnh. Các sản phẩm bún, phở khô ngũ sắc được bán ở các thị trường tiềm năng, chủ yếu như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM... Theo chủ Cơ sở bún, phở khô Liên đồng, nhóm khách hàng này rất ưa chuộng sản phẩm được tạo màu tự nhiên.

Đến nay Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng đã có 5 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Cơ sở cũng đang phấn đấu mỗi năm sẽ hoàn thiện thêm các sản phẩm đạt tiêu chí, tiêu chuẩn cao hơn để nâng hạng OCOP trong các năm tiếp theo.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất bún, phở khô truyền thống ở Cao Bằng- Ảnh 4.

Chị Lý Thị Thảo giới thiệu về sản phẩn bún khô ngũ sắc được làm từ ngô tẻ bản địa và tạo màu tự nhiên từ cây cẩm tím tại Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng tại xóm Hồng Quang II, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Sản lượng của xưởng hiện đạt trên 50 tấn/năm, trừ mọi chi phí, mỗi năm cũng thu về khoảng 300 triệu đồng. Hiện cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng luôn duy trì 6 lao động thường xuyên và hơn 8 lao động thơid vụ với mức lương trung bình từ 4-7 triệu. Cùng với đó, Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng còn liên kết thu mua nguyên liệu từ người dân tại địa phương, giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập.

Chị Lý Thị Thảo chia sẻ, trong quá trình phát triển sản phẩm, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn nhất là về nguồn vốn. Thêm nữa, hàng nông sản phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Để khắc phục những hạn chế đó, chúng tôi đã đầu tư mua sắm thêm các công nghệ máy móc, xây dựng phòng sấy.

"Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa đã giúp cơ sở chúng tôi nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên việc đầu tư này cũng ngốn rất nhiều tiền; chúng tôi rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh, tạo điều kiện để chúng tôi tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp cơ sở có thể mua sắm đầy đủ các thiết bị, công nghệ.

Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, chúng tôi cũng rất mong muốn các đơn vị, ban ngành mở các lớp tập huấn để chúng tôi có thể tiếp cận với các sản thương mại điện tử. Đặc biệt là tập huấn về kỹ năng tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại để sản phẩm của cơ sở chúng tôi nói riêng và các cơ sở sản xuất nông sản tại tỉnh Cao Bằng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn", chị Thảo bày tỏ.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất bún, phở khô truyền thống ở Cao Bằng- Ảnh 5.

Bà Ngô Phương Thảo, chuyên viên Hội Nông dân Tp. Cao Bằng khi nói về việc phát triển nghề làm bún, phở khô truyền thống tại Tp. Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Nói về nghề làm bún, phở khô truyền thống, bà Ngô Phương Thảo, chuyên viên Hội Nông dân TP. Cao Bằng cho biết, trên địa bàn TP. Cao Bằng hiện có rất nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất bún phở khô. Ngay như ỏ xã Hưng Đạo cũng đã có đến vài cơ sở lớn, điển hình như cơ sở bún, phở khô Cao Tuyền, Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng chẳng hạn.

"Cơ sở sản xuất bún phở khô Cao Tuyền và Cơ sở Liên Đồng tại xã Hưng Đạo, trong quá trình thực hiện Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP đã có rất nhiều đổi mới, sáng tạo từ việc ứng dụng KHCN, đến chất lượng, mẫu mã cũng như trong hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Những cơ sở này đều có sản phẩm đẹp về mẫu mã, đạt về chất lượng. Từ thực tế đó, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã khuyến khích, vận động và có chủ trương tạo sự kết nối giữa các cá nhân, Tổ Hợp tác để tạo thành chuỗi sản xuất bún, phở khô tại Tp. Cao Bằng, giúp giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương", bà Thảo cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem