Hồ Việt Sử - ông trùm “chia ba Sài thành” (Kỳ 5): Trở về và hoàn lương

Chủ nhật, ngày 04/02/2018 18:30 PM (GMT+7)
Sáng tháng 10.2006, một người đàn ông trung niên lầm lũi bước ra khỏi trại giam Z30A (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Xung quanh ông là những ánh mắt trìu mến xen lẫn nụ cười hoan hỷ của người thân sau ngày ông mãn hạn tù.
Bình luận 0

Người đàn ông đó chính là Hồ Việt Sử, người từng "chia ba giới giang hồ" Sài thành thuở nào. Khoác trên vai túi hành lý, ông bước nhanh ra cổng trại.

img

Hồ Việt Sử của ngày hôm nay

Khi "ông trùm" trở thành người thường

Sau những cái bắt tay xã giao với bạn bè, Sử tiến đến người vợ đang đứng, trên môi nở nụ cười rạng rỡ. Vậy là cái ngày Hồ Việt Sử mong đợi đã đến, sau những ngày dài nằm trong bốn bức tường. Ánh nắng ban mai chiếu vào đôi mắt long lanh của người vợ, cùng cái khoác tay ấm áp như tăng thêm niềm tin cho Sử trên con đường phục thiện.

Trước khi vướng vào vòng lao lý, Sử từng khao khát giấc mơ làm giàu. Thấy nhiều người có cơ ngơi hoành tráng, có xe hơi bóng loáng, Hồ Việt Sử như bị cuốn vào mãnh lực của đồng tiền. Tuổi thơ không êm đềm như chúng bạn, những cơ cực, những khó khăn, Sử đều từng nếm trải. Những năm tháng đất nước khó khăn, người thanh niên hăng hái lên đường tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam. Ngày ấy, Hồ Việt Sử chẳng tiếc máu xương để cống hiến cho Tổ quốc.

Thế nhưng, sau khi nếm trải bao khó khăn, trở về nhà Sử lại bị cuốn vào giấc mơ làm giàu. Tất cả như vòng xoáy đánh mất đi chất lính thô mộc của một con người đã từng vào sinh ra tử. Giờ đây những ai dám "ngáng chân" hay "chọc gậy bánh xe" vào bước đường kiếm tiền của Hồ Việt Sử đều phải ngậm đắng nuốt cay trên thương trường.

Rồi Sử cứ trượt dần, trượt dần và lún sâu vào con đường tội lỗi. Trong giới giang hồ thời bấy giờ, Hồ Việt Sử chẳng ngại một thế lực ngầm nào. Chỉ đến khi đường dây tội ác của Năm Cam bị triệt phá, cái tên Hồ Việt Sử cũng bị pháp luật điểm danh để đền tội cho những năm tháng tội lỗi, lúc đó Sử mới lờ mờ nhận ra thời tung hoành đao kiếm mình đã đến ngày tàn.

4 năm 10 tháng trong trại giam, một khoảng thời gian không phải là quá dài so với quãng đời chinh chiến của Sử. Thế nhưng cũng đủ để Hồ Việt Sử thấm thía nhiều điều. Hằng đêm, Hồ Việt Sử gặm nhấm lại quãng đời "ông trùm" ngoài xã hội. Con đường làm giàu bất chấp pháp luật đã khiến Sử nhận ra một điều: "Cuộc sống rất công bằng và mọi việc đều phải có giá để trả". Niềm mong mỏi đến một ngày làm lại cuộc đời từ con số 0 cứ âm ỉ cháy bỏng trong lòng người đàn ông trung niên bước dần qua ngưỡng 45.

Ngay sau khi được trả tự do, Hồ Việt Sử cùng vợ và gia đình về nơi chôn nhau cắt rốn để gây dựng lại cơ nghiệp. Và ông đã chọn nghề nuôi cá bè như một xuất phát điểm làm lại cuộc đời.

Những ngày ở trong trại Z30A, Sử được cán bộ quản lý trại giam cho làm công tác nuôi cá. Không phải ngẫu nhiên, Hồ Việt Sử được giao công việc này. Cuộc đời Sử lạ lắm. Mỗi lần bắt đầu cho một ngã rẽ của cuộc đời, y như rằng, Sử lại đào ao nuôi cá. Đàn cá của Sử nuôi cứ lớn nhanh như thổi, nhờ vậy mà Hồ Việt Sử được ghi nhận có thành tích học tập và phấn đấu cải tạo tốt trong trại.

Chiều chiều sau khi cho cá ăn xong, Sử bắc ghế ngồi tựa cửa trước khu nhà lô trong trại nhìn về phía núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc). Đôi mắt đăm chiêu ngồi nhìn về hướng núi cho đến những ánh mặt trời dần tắt trên đỉnh. Bấy nhiêu cũng đủ làm cho Sử nhớ về quê hương và những tháng ngày sống trong tự do. Thời gian ở trong trại, Hồ Việt Sử chiêm nghiệm được nhiều điều từ cuộc sống, có dịp nhìn lại bản thân, để chờ đợi một ngày được làm lại.

Từ "anh Hai ao cá" thành tổng giám đốc

Những ngày đầu nghe tin "ông trùm một thời" ra trại, nhiều đàn em trước đây và cả đàn em của Năm Cam tìm cách liên lạc với Sử. Những lời mời chào hòng lôi kéo Hồ Việt Sử trở lại thế giới của Năm Cam năm nào. Nhiều câu nói đại loại: "Anh Hai ra trại rồi và nổi tiếng lắm. ông Năm mất rồi, giờ cả "giang sơn" Sài Gòn nằm trong tay anh định đoạt...".

img

Tổng giám đốc Hồ Việt Sử đi kiểm tra tiến độ dự án tại Bạc Liêu

Thế nhưng Hồ Việt Sử của bây giờ không còn muốn nổi danh ở chốn giang hồ nữa. Sử chỉ nghĩ đơn giản, ngày xưa giao bản thân cho Tổ quốc để đi phục vụ tại Chiến trường Tây Nam, chẳng hề tiếc mạng sống thì nay, chuyện làm ăn phục thiện giúp ích cho đời, cho xã hội tại sao không làm được? Câu hỏi lởn vởn trong đầu khiến Hồ Việt Sử quyết tâm đoạn tuyệt với chốn giang hồ.

Những ngày đầu sống cùng vợ ở quê là những năm tháng cơ cực không thể nào quên đối với Sử. Là một người đàn ông rắn rỏi thế nhưng đã có những lúc Sử tưởng mình phải dừng bước. Những lúc như thế Sử tự nhủ tài sản lớn nhất của mình giờ chính là gia đình và không ai khác Sử chính là người phải gánh vác chèo lái nó.

Và cuộc sống đã không phụ lại sự cố gắng quyết tâm đó. Những khó khăn từng bước được tháo gỡ, chỉ hơn 1 năm sau, nghề nuôi cá bè tại An Giang mang về cho Sử một ít vốn. ông tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực phân phối thức ăn. Miền Tây sông nước như xuất phát điểm để Sử vươn tới, bỏ quên tất cả mọi lầm lỗi ở sau lưng. Chẳng mấy chốc, nghề nuôi cá và phân phối thức ăn giúp Hồ Việt Sử dần gây dựng lại cơ nghiệp.

Với bản lĩnh và sự từng trải của một con người kinh doanh, luôn biết nắm bắt cơ hội. Sử nhanh chóng sắm một đội ghe để tổ chức làm ăn. Từng biết Sử có một thời tung hoành ở chốn giang hồ, Công ty Nam Việt thuê đoàn ghe của Hồ Việt Sử để chở cá trên những đoạn sông như sự trợ giúp tinh thần. Cuộc sống miền sông nước những tưởng không thể tách rời với ông. Cũng đã có lúc, sông nổi sóng lớn, xóa tan đi hoài bão với nghề cá của Sử.

Thời điểm cuối năm 2008, nghề nuôi cá bè gặp khó khăn, hàng chục chủ trại cá cay đắng treo hầm. Giá cá trên thị trường thu về không đắp đổi được tiền mua thức ăn. Những đêm về gối đầu tâm sự cùng vợ, Sử tin rằng, duyên nghề cá đến với gia đình chỉ bấy nhiêu. Có được một ít vốn, cả gia đình quyết định gom góp quay ngược lại nơi Sử đã từng làm mưa làm gió một thời Sài hành.

Về lại TP.HCM, trong tay có vốn kha khá, Sử thuê một mặt bằng nho nhỏ, nằm khuất trong trục đường Nguyễn Trãi để bán café. Hay tin Sử trở lại Sài Gòn, nhiều đối tượng tìm đến và tiếp tục cố kéo Hồ Việt Sử trở lại hành trình của một "ông trùm". Nhiều lúc, họ nhờ Sử dàn xếp những phi vụ tranh chấp trong làm ăn, mua bán. Sử chỉ cười khẩy rồi nhẹ nhàng chỉ dẫn tường tận, bày vẽ cách làm đơn để nhờ pháp luật giải quyết.

Sử ngày nay đã khác, máu giang hồ một phút bốc đồng ngày xưa cạn. Những ngày trong trại giam, Sử như được thay một dòng máu mới. Sở dĩ, dòng máu của "ông trùm" một thời mất hẳn bởi ngay những ngày đầu ra trại, Sử dặn lòng: "Đừng bao giờ quay trở lại nơi này nữa". Bản thân Hồ Việt Sử tự ý thức sẽ không bị lôi cuốn vào chuyện mà mọi người và xã hội không chấp nhận.

Giữa năm 2011, Sử đang ngồi nhâm nhi tại quán café của mình thì bất ngờ gặp lại người bạn cũ Ngô Xuân Pha, hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần ô tô Bảo Toàn. Thuở trước, những năm tháng khó khăn Sử và Pha cùng nhau làm ăn chung. Cả 2 hợp tác với nhau rất sòng phẳng và cũng là chỗ thân tình. Bẵng đi một thời gian, Sử với Pha mất liên lạc.

Cuộc hội ngộ tại quán sau 20 năm như một định mệnh kéo hai người bạn đến với nhau. Pha mời Sử cùng khảo sát dự án và đầu tư vào khu Resort tại Bạc Liêu. Dự án khả thi, Hồ Việt Sử quyết tâm đầu tư vào và trở thành Tổng giám đốc, kiêm Trưởng ban quản lý với số vốn 2.500 tỷ đồng. Con đường phục thiện của ông trùm ngày xưa đoạn tuyệt với thế giới ngầm như một kết cục có hậu đã ghi tên Hồ Việt Sử.

PV (Nguoiduatin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem