Hốt bạc từ sình lầy

Thứ sáu, ngày 04/05/2012 06:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Thành phố Yên Bái có nhiều nông dân (ND) làm ăn giỏi, tiêu biểu là anh Phạm Thế Cầu, ở thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến”- bà Hà Thị Thanh Hiền - Chủ tịch Hội ND thành phố Yên Bái giới thiệu với chúng tôi.
Bình luận 0

Đi trên những triền đồi rợp bóng mát cây ăn quả trong vườn nhà, anh Cầu kể: "Năm 1988, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi bắt tay làm kinh tế với tài sản vẻn vẹn 0,3ha vườn tạp, bùn đất sình lầy; canh tác theo phương pháp truyền thống".

img
Vườn chanh tứ thời của anh Phạm Thế Cầu.

Làm trang trại để bứt phá

Với quyết tâm làm giàu từ đất, anh Cầu đi tham quan, học hỏi các mô hình làm ăn giỏi trong và ngoài tỉnh; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; khai hoang, mở rộng đất canh tác; nhận thêm đất trống đồi núi trọc để cải tạo xây dựng trang trại. Trong vòng 5 năm, tổng diện tích canh tác của gia đình anh đã lên tới 10ha.

Quê anh Cầu là vùng đất dốc nên luôn thiếu nước sản xuất. Năm 2005, anh bỏ ra hàng tháng trời ròng rã đào mương dẫn nước, nắn dòng chảy của mạch suối gần nhà, tạo nguồn nước tưới chủ động cho khu vườn. Có nước rồi nhưng làm trang trại thế nào thì vẫn là bài toán nan giải với gia đình anh. Để có mô hình tốt nhất, anh tìm đến Hội ND tỉnh và thành phố nhờ tư vấn, hướng dẫn.

Với phương châm: Lấy ngắn nuôi dài gắn với sản xuất hàng hóa, khu đồi cao anh trồng 6ha keo Úc, trám ghép; khu đồi thấp trồng chè giống mới. Với 3ha đất thấp, anh trồng bưởi Đoan Hùng, nhãn Đại Thành, hồng Đà Lạt, vải thiều Thanh Hà, thanh long ruột đỏ.

Đặc biệt là giống chanh tứ thời xuất xứ từ Đà Lạt cho quả quanh năm. Còn hơn 2.200m2, anh đắp bờ, xây ao nuôi ba ba, ếch, cá trắm cỏ, chép lai… Chỉ đàn đà điểu đang gặm cỏ trong vườn, anh khoe: “Tôi mới đầu tư 5 con đà điều nuôi thử. Nếu thành công sẽ phát triển tiếp”.

Lấy chanh tứ thời làm "mũi nhọn"

Nói về kết quả năm 2011, anh Cầu cho biết: “Tôi xuất bán gần 1.000 quả bưởi Đoan Hùng, 800kg hồng Đà Lạt, 1,5 tấn nhãn Đại Thành; 8 tấn chè tươi; 0,5 tấn thanh long ruột đỏ; 0,6 tấn cá các loại. 2ha đồi rừng cũng đã cho thu hoạch với giá trị 280 triệu đồng. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình tôi năm 2011 là 510 triệu đồng. Số tiền này chia bình quân gần 1,4 triệu đồng/ngày”.

Trong nhiều loại cây trồng hiện có ở trang trại, chanh tứ thời là cây chủ lực mang lại thu nhập cao cho gia đình anh. "Sau nhiều năm tìm tòi, tôi quyết định tập trung đầu tư phát triển chanh tứ thời. Giống cây này rất phù hợp với đồng đất của địa phương; cho nhiều quả, có khả năng phát triển thành 1 loại cây cảnh cho giá trị cao. Hiện tôi có trên 1.000 cây chanh tứ thời và đang nhân ghép để phát triển thêm. Năm 2011, tôi bán 10 tấn chanh quả, 3.000 cành chanh giống và 400 cây chanh cảnh"- anh Cầu tiết lộ.

"Anh Cầu là điển hình chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho mình và địa phương, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới".

Bà Hiền thông tin: "Mô hình của hội viên Phạm Thế Cầu đang được Hội ND nhân rộng. Trang trại của anh đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 13 lao động. Năm 2010 - 2011 đã có 700 lượt ND tới tham quan và được anh Cầu chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa. 80 hộ được anh trực tiếp cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng chanh tứ thời.

Với những việc làm của mình, nhiều năm liền anh Cầu được công nhận là ND SXKD giỏi cấp tỉnh và được tặng nhiều bằng khen của các cấp, ngành. Anh được Hội ND tỉnh Yên Bái đề nghị T.Ư Hội NDVN tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2006 - 2011 và là một trong những ND tiêu biểu của Yên Bái được về Hà Nội dự Hội nghị ND SXKD giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem