Ít ai biết, ngôi sơn tự này chính là nơi xuất tu của đại đức Thích Thiện Mỹ - người tự thiêu phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 27/10/1963 tại nhà thờ Đức Bà (Vương Cung Thánh đường) Sài Gòn.
Ngôi chùa “ma khóc” và gốc đa đại thụ
Ông Trần Văn Mến (sinh năm 1940, quê quán Bình Định) là Trưởng ban nghi lễ Bửu Sơn tự suốt hơn 30 năm nay cho biết, nơi đây cách thành phố Đà Lạt khoảng 70 km. Hồi đầu thế kỷ XX, ngọn núi Ông nằm lọt thỏm giữa vùng hoang vu heo hút.
Năm 1930, chính quyền thực dân Pháp khởi công xây tuyến đường xuyên dãy núi Thổ Sơn nối liền Đà Lạt với Buôn Ma Thuột (nay là quốc lộ 27 Liên Khương - Buôn Ma Thuột) dài 192 km.
Ngoài nhiệm vụ thông thương, tuyến đường này còn mở cánh cửa kinh tế cho những địa chủ Pháp và địa chủ Việt thân Pháp tiến vào dãy Thổ Sơn chiếm đất xây dựng đồn điền cà phê, chuối và cà na. Nơi đây trở thành quê hương của giống chuối La Ba trứ danh, đặc sản tiến vua của tỉnh Đồng Nai Thượng (thời điểm đó, vùng đất này còn thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng).
Để có nhân công phục vụ cho đồn điền, các địa chủ về các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tuyển phu. Những cư dân đầu tiên này đã lập nên làng Lạc Sơn, huyện D'ran, tỉnh Tuyên Đức. Ngày nay, làng Lạc Sơn trở thành thôn Lạc Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Vùng đất mới đầy sơn lam chướng khí và thú dữ, người dân cần có chỗ dựa tinh thần để tồn tại. Hàng ngày, sau những buổi lao động cực nhọc, họ thường quây quần với nhau tại nhà một người có tục danh là Xã Huệ cầu xin Phật tổ che chở, hộ độ.
Theo những giai thoại truyền miệng từ những bậc cao niên của địa phương thì, thời điểm đó có nhiều chuyện ly kỳ xảy ra tại một gốc đa đại thụ mọc ở một góc đỉnh Hòn Ông. Không ai biết gốc đa này bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng chu vi gốc lớn hơn 3 vòng tay người ôm. Từ tán cây sum suê của gốc đa đại thụ, vào ban đêm, người ta thường nghe tiếng người than khóc thê lương vẳng ra(?).
Sự việc xảy ra liên tiếp nhiều đêm khiến dân làng hoảng sợ không dám ra khỏi nhà vào ban đêm. Sau nhiều ngày, vào một đêm trừ tịch những trai tráng khỏe mạnh và can đảm tình nguyện tiếp cận gốc đa để tìm hiểu thực hư. Khi họ tiến gần gốc đa thì tiếng than khóc im bặt. Khi rời đi thì tiếng khóc lại vang lên.
Qua ánh đèn soi, họ chỉ thấy một đàn chim kền kền có sải cánh dài hơn 1 mét đậu trên ngọn cây. Nghĩ rằng những "oan hồn" không siêu thoát hóa thành loài chim ăn xác chết, dân làng cùng nhau lập một ngôi am dưới gốc đa. Từ đó, không ai còn nghe thấy tiếng khóc than nữa. Vào năm 1944, dân làng thỉnh tượng Phật tổ về ngự dưới gốc đa để làm nơi cầu kinh, đảnh lễ.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các chủ đồn điền bỏ lại đất đai, trở về nước. Trước khi tháo chạy, ông chủ đồn điền Pháp còn kịp bán trọn vùng đất trên ngọn Hòn Ông cho ông Đặng Văn Lợi.
Thấy ngôi am thờ Phật quá nhỏ, không đủ chỗ cho dân làng cầu kinh, ông Lợi hiến phần đất cho dân làng cất ngôi chùa khang trang hơn. Ngôi chùa mái tranh vách ván được dân làng hùn vốn góp công xây dựng. Sau khi xây chùa xong, họ đặt tên chùa là Bửu Sơn tự và thỉnh sa di Thích Tâm Hòa về trụ trì chùa. Giai đoạn này thôn Lạc Sơn thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Tuyên Đức.
Năm 1957, sa di Thích Tâm Hòa về Sài Gòn học mỹ thuật và đông y. Sư Thích Thiện Phước được Giáo hội cử về trụ trì chùa Bửu Sơn. Nhận thấy gốc đa âm u lại xa đường lộ, bất tiện cho tín đồ, Sư Thiện Phước dời ngôi chùa lên đỉnh Hòn Ông cất mới thành mái tôn, vách ván (hiện trạng ngày nay). Kể từ ngày chùa dời đi, hàng đêm gốc đa lại phát ra tiếng ma rên quỷ khóc.
Giai đoạn này, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa quân lên xây dựng một căn cứ pháo DK trên ngọn đồi đối diện Hòn Ông để ngày đêm bắn vào vùng căn cứ kháng chiến của ta. Chính thời gian này, sư Thích Thiện Mỹ (tục danh là Huỳnh Miều) đến chùa Bửu Sơn phát tâm khấn nguyện hiến thân xác cho đạo pháp.
Ông Trần Văn Mến nhớ lại trong thời gian đó ngôi chùa thường xuyên xảy ra hiện tượng ma lộng. Ông kể: "Chúng tôi khép cửa đọc kinh. Có một con cọp trắng rất lớn thường vô làng bắt gia súc của dân. Có lần, sau khi cầu kinh xong, khi ra sân chánh điện mọi người tá hỏa phát hiện dấu nằm phủ phục của một con cọp rất lớn. Cọp nằm "nghe kinh", in dấu ngoảy đuôi dưới mặt đất thành hình rẻ quạt lớn hơn sải tay, nước dãi đọng thành vũng. Sau đó cọp biến mất.
Cọp biến mất thì đến lượt bầy mãng xà to lớn khác thường về chùa. Cứ đến giờ đọc kinh tối là bầy mãng xà xuất hiện nằm rải rác trước sân chùa. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng người dân làm rẫy ngang gốc đa cổ thụ vẫn trông thấy những con mãng xà có thân mình to bằng bắp tay.
Ngọn lửa tự thiêu
Trước sự đàn áp ngày càng tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo, ngày 11/6/1963, Bồ tát Thích Quảng Đức đã xả thân tự thiêu để phản đối và tố cáo chính quyền với dư luận quốc tế.
Cùng thời điểm đó, tín đồ ở Bửu Sơn tự trông thấy một vị sư trẻ có thế danh là Huỳnh Miều đến chùa tụng niệm ngày đêm. Khoảng đầu tháng 10, người ta không còn thấy vị sư trẻ ở chùa nữa. Bất ngờ ngày 27/10/1963, qua một loạt tin tức trên đài truyền hình, truyền thanh và báo chí, người ta mới biết vị sư trẻ ấy là Đại đức Thích Thiện Mỹ đã tự thiêu tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trước sự chứng kiến của phái đoàn Liên Hiệp Quốc.
Đại đức Thích Thiện Mỹ, sinh năm 1940 tại Bình Định trong một gia đình Phật tử sùng đạo. 16 tuổi, ngài thọ giới sa di và học đạo tại Long Khánh, Quy Nhơn. Năm 1960, ngài thọ đại giới ở chùa Bửu Tích (Bình Thuận). Sau khi thọ đại giới, ngài bắt đầu du phương hành đạo ở khắp các chùa và dừng chân tại Bửu Sơn tự tu học vào đầu năm 1963.
Lúc này tại Sài Gòn, phong trào Phật giáo đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm rất sục sôi. Những vị sư liên tục hiến thân tử vì đạo như Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương, Quảng Đức, Tiêu Diêu… đã đánh động lương tâm nhân loại.
Hàng loạt báo chí quốc tế lên án nhưng Ngô Đình Diệm vẫn ngoan cố tuyên bố triệt tiêu Phật giáo thông qua lời phát biểu của bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu): "Sẵn sàng cung cấp dầu cho các nhà sư tự thiêu". Thậm chí bà Xuân còn biếm nhẻ (nhạo báng) gọi các nhà sư tự thiêu là "món thầy chùa nướng".
Bất nhẫn cùng cực, đầu tháng 7/1963, tham gia cuộc tuyệt thực trước dinh tỉnh trưởng Tuyên Đức (Đà Lạt), Đại đức Thích Thiện Mỹ đã tự chặt một ngón tay trỏ để bày tỏ quyết tâm phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trước tình hình sục sôi đó, Phật giáo quốc tế lên tiếng thúc giục Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 7/10/1963, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp bất thường tại New York để tổ chức một phái đoàn điều tra gồm 7 người sẽ đến Sài Gòn điều tra vào ngày 24/10/1963.
Biết được tin đó, mặc dù vết thương nơi ngón tay chưa lành, vẫn còn rỉ máu song Đại đức Thích Thiện Mỹ vẫn rời chùa Bửu Sơn về Sài Gòn ẩn trú tại chùa Vạn Thọ (Tân Định). Thời gian này, ngài viết sẵn 4 bức thư tuyệt mạng đồng gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, Hội chủ Phật giáo Thích Tịnh Khiết, ông U-Thant (Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc) và gửi chung cho toàn thể tín đồ Việt Nam. Nội dung bức thư nêu rõ lý do hỏa thiêu tuẫn tiết là đấu tranh lên án hành vi đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Ngày 27/10/1963, Đại đức Thích Thiện Mỹ đã mua xăng dự định sẽ tự thiêu trước chùa Ấn Quang để phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc đang thực thi nhiệm vụ điều tra tại đó tận mắt chứng kiến. Lúc đó, lực lượng cảnh sát chìm nổi đã bao quanh khu vực chùa Ấn Quang quyết liệt ngăn chặn tất cả những ai có vẻ là nhà sư tiến đến chùa. Đại đức Thích Thiện Mỹ đành chuyển hướng về nhà thờ Đức Bà.
Lúc 10 giờ 30 phút sáng cùng ngày, Đại đức Thích Thiện Mỹ tự tẩm xăng rồi xếp chân kiết già ngồi trước tượng Đức Mẹ châm lửa.
Ngọn lửa bùng cháy trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân và hàng chục phóng viên quốc tế. Lực lượng cảnh sát phát hiện đã dùng mền trùm lấy ngọn lửa khiến ngài ngã xuống. Ngay sau đó, ngài bật dậy tiếp tục ngồi trong tư thế kiết già. Chiếc mền cháy rụi.
Hàng ngàn Phật tử bao quanh ngọn lửa quỳ lạy. Tiếng cầu kinh hòa lẫn tiếng khóc bi ai của hàng ngàn người khiến một góc Sài Gòn ảm đạm.
Không dám để hình ảnh sư tự thiêu lọt vào mắt phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc, một đại đội cảnh sát nhận lệnh trực tiếp từ Ngô Đình Nhu kéo đến hiện trường cướp thi thể đại đức Thích Thiện Mỹ đưa đi.
Nghe tin, 4 vị điều tra viên trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã đến tận nơi và chứng kiến được cảnh sát điều động xe chữa cháy đang xịt nước rửa vết nám trên mặt đường hòng xóa dấu tích vụ tự thiêu. Vụ tự thiêu của Đại đức Thích Thiện Mỹ là vụ tự thiêu thứ 8 và cuối cùng, 4 ngày sau chính quyền Diệm bị lật đổ.
Có thể nói, vụ tự thiêu của Đại đức Thích Thiện Mỹ là giọt dầu khiến cây đuốc sống của Thích Quảng Đức tràn ra cháy lan đến tận bàn nghị sự Liên Hiệp Quốc và Quốc hội Mỹ. Đó là nguyên nhân khiến Mỹ muốn hạ bệ Ngô Đình Diệm bằng cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/11/1963.
Khi đó, Đại đức Thích Thiện Mỹ vừa tròn 23 tuổi. Hiện tại, bức di ảnh của Đại đức được đặt trang trọng bên cạnh di ảnh những vị sư tổ khai sáng chùa trên bàn thờ tiền hiền của Bửu Sơn tự.
Ông Mến cho biết thêm, ngay sau khi sư Thích Thiện Mỹ thực hiện vụ tự thiêu ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu ra lệnh cho mật vụ Tuyên Đức thực hiện một kế hoạch "giải độc". Ông ta muốn tạo chứng cứ giả để vu cáo "Việt Cộng xúi giục sư tự thiêu". Một nhóm mật vụ được cử đến chùa bí mật nhét mấy quả lựu đạn vào tủ chứa kinh Phật để tạo chứng cứ giả.
Đồng thời, một toán cảnh sát vũ trang được tập họp ở huyện Đức Trọng chuẩn bị đánh úp vào chùa. Tuy nhiên, như có linh tính, ngay ngày hôm sau những người trong ban nghi lễ bỗng dưng lục kinh sách ra đọc, đã phát hiện ra những quả lựu đạn. Bọn mật vụ tạm ngừng cuộc đột kích chuẩn bị kế hoạch mới. Kế hoạch mới chưa kịp thực hiện thì chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Năm 1995, sư Thích Minh Châu về trụ trì chùa đã nâng cấp ngôi chùa thành một khuôn viên vừa thanh tịnh hương Phật, vừa tao nhã cảnh quan để khách thập phương đến chiêm ngưỡng, vọng bái. Bửu Sơn tự trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh không thể thiếu trong các tua du lịch của xứ sở sương mù Đà Lạt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.