Nghề gì cũng làm
A Thuật năm nay chỉ mới bước sang tuổi thứ 35, nhưng không ai nghĩ rằng anh lại sở hữu một khối tài sản lớn đến vậy. Hiện A Thuật là chủ của tiệm sửa chữa xe gắn máy với mức thu 10 triệu đồng/tháng; đội trưởng đội dịch vụ nhạc hiếu hỉ phục vụ cưới hỏi, sinh nhật, tân gia, liên hoan, từ dịch vụ này mỗi năm anh cũng bỏ túi hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra anh còn sở hữu ngôi nhà khang trang có tổng diện tích 500m2, 1 xe bán tải, 1 xe hơi gia đình; 3ha cây bời lời 1 năm tuổi. Vợ chồng anh đã có 2 đứa con kháu khỉnh.
A Thuật (phải) đã đào tạo được nhiều học viên làm nghề sửa xe. Ảnh: Thế Khôi
“Mình không ngại khó, ngại khổ, cũng không chê tiền. Chỉ cần nhìn thấy nghề gì chưa có người làm, có khả năng sinh lời là mình bắt tay vào làm thôi” - A Thuật chia sẻ khi được hỏi về sự “ôm đồm” công việc của mình.
Ngôi nhà của A Thuật nằm ngay cạnh Quốc lộ 24, bên cạnh cửa hàng sửa chữa xe máy là quán cà phê nhỏ của vợ anh, chị Y Ri Nê. Anh vui vẻ kể: “Nhà chính của tôi ở dưới xã Chư H’reng cơ, tôi chuyển lên đây năm 2004. Ban đầu còn nghèo lắm, chưa có tiền mua đất xây nhà nên thuê của họ. Làm lụng được 2 năm tôi có tích được ít vốn nên mở thêm dịch vụ nhạc phục vụ cưới hỏi, sinh nhật, tân gia, liên hoan… Vừa sửa chữa xe, vừa chạy show ca nhạc, chỉ sau hơn 1 năm tôi đã mua lại được chỗ đất đã thuê. Thế là thoát nghèo rồi!”.
Không ngại khó, ngại khổ
Nghe A Thuật kể có vẻ như đơn giản, nhưng để có được cơ ngơi khang trang và tài sản như hiện giờ anh đã trải qua những năm tháng vất vả ngược xuôi. Năm 1996, khi đang tham gia kỳ thi tốt nghiệp THCS, vì lý do sức khỏe cộng thêm ý nghĩ nếu có đỗ cũng không thể học lên được nên Thuật đã bỏ giữa chừng. Thuật đi làm đủ các nghề từ cửu vạn cho đến phu hồ. Khi Công ty may Nhà Bè tuyển dụng lao động làm việc ở TP.HCM, anh làm hồ sơ đăng ký học việc 1 năm, sau đó chuyển về làm tại chi nhánh Kon Tum 2 năm thì anh lại nghỉ vì lương thấp không đủ sống.
Nhảy việc khắp nơi, cuối cùng A Thuật đã chọn học nghề sửa chữa xe gắn máy và cũng chính từ đây anh nhận ra con đường để giúp anh thoát nghèo chỉ có nghề này. “Học nghề được 2 năm là thành thợ nhưng tôi xin ông chủ ở lại làm thuê để tích tiền mở tiệm. Không có vốn nên lĩnh lương tháng nào là tôi mua đồ nghề sửa xe, phụ tùng tích trữ dần, từ cái kìm, cái kéo đến con ốc, cái căm (tăm) xe... Năm 2004 sau khi hàng chất đầy tủ, tôi xin nghỉ và quyết định chọn xã Đăk Tờ Re để khởi nghiệp”- anh Thuật chia sẻ.
Với bản tính cần cù, chịu khó, mày mò, ham học hỏi, chỉ sau 2 năm đặt chân đến vùng đất mới anh đã tích lũy được 30 triệu đồng làm vốn dắt lưng. Thế rồi, một suy nghĩ “phải có cách làm giàu bằng cách riêng, khác với mọi người thế mới mong đổi đời”, Thuật lại dùng hết số vốn tích được đem mua dụng cụ nhạc để phục vụ các buổi liên hoan, sinh nhật, cưới hỏi… Đến năm 2007, đội nhạc của Thuật chính thức ra mắt, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động trẻ người địa phương.
Cứ tích được vốn A Thuật lại đầu tư, từ bộ nhạc cụ bình thường trị giá 30 triệu đồng nay đổi thành bộ nhạc cụ xịn hơn giá 150 triệu đồng. Và vừa qua Thuật tiếp tục mua 3ha đất đầu tư cho cây bời lời…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.