Khốn khổ với “lũ thủy điện”

Thứ năm, ngày 31/10/2013 14:33 PM (GMT+7)
Khi vận động đồng bào di dời tái định cư để lấy chỗ làm thuỷ điện, chính quyền và chủ đầu tư bao giờ cũng vẽ ra viễn cảnh sung túc hơn tại nơi ở mới. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại…
Bình luận 0
Thành lâm tặc, tù tội...

Để xây Thủy điện Sông Ba Hạ, riêng tại huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) đã có 98 hộ dân buộc phải nhường hơn 890ha đất để di dời tái định cư. Cùng với cấp một phần tiền đền bù, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ và chính quyền sở tại đã tổ chức san ủi 410ha đất cấp cho dân làm lúa nước.

Thế nhưng 2 công trình thủy lợi là cống tưới tự chảy xã Suối Trai và trạm bơm tự chảy Buôn Lé (xã Krông Pa) đến nay vẫn chưa hoàn thành, trong lúc thủy điện đã hoàn công 4 năm (2009). Vậy là dân tái định cư không thể làm lúa…

Cán bộ xã Trà Đốc đang kiểm tra xét hộ nghèo  tại thôn 3 khu TĐC Thủy điện Sông Tranh 2 sau cơn bão số 11 vừa qua.­­­­
Cán bộ xã Trà Đốc đang kiểm tra xét hộ nghèo tại thôn 3 khu TĐC Thủy điện Sông Tranh 2 sau cơn bão số 11 vừa qua.­­­­

Ông Nay Hiếp – Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa cho hay, đời sống của 43 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã (bị thu hồi đất xây Thủy điện Sông Ba Hạ) hiện đang hết sức khó khăn do thiếu đất sản xuất.

Vì túng đói, nhiều đồng bào đã liều mình phá rừng làm rẫy, và kết cục là bị tù tội. Bà Kso Hờ Chai (51 tuổi, ở buôn Xây Dựng, Suối Trai) vừa ở tù gần 3 năm do phá rừng làm rẫy. Gia đình bà vốn thuộc diện thóc lúa đầy nhà trước khi nhường đất cho lòng hồ Thủy điện Sông Ba Hạ. Đến khi về khu tái định cư (TĐC), gia đình không còn mảnh đất nào để làm rẫy, trong lúc đất ruộng lúa nước quá xấu và trạm thủy lợi “treo” nước. Không chịu cảnh 7 đứa con thiếu đói, bà Hờ Chai vác rựa phá rừng làm rẫy, thế là tòa xử tù.

Còn theo Sở Y tế Phú Yên, trước khi có Thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh này thuộc loại “trắng” ma túy, bỗng bất ngờ phát hiện hàng chục công nhân tại đây sử dụng ma túy; nhiều người trong số họ bị nhiễm HIV/AIDS và hiện đã có người tử vong… Trạm Y tế Suối Trai cho hay, hầu hết mấy chục cháu “con thủy điện” đều bị suy dinh dưỡng…

72% số hộ nghèo

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, đời sống và sản xuất của người dân ở 11 điểm TĐC tập trung tại các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tại đây chiếm đến 72%, đa số là đồng bào dân tộc.

Nguyên nhân chính là do thiếu đất sản xuất. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Để nhường đất xây dựng Thuỷ điện Sông Tranh 2, từ năm 2007 tỉnh Quảng Nam thực hiện thu hồi, giải toả, TĐC cho hơn 1.196 hộ ở Bắc Trà My và?Nam Trà My. Có gần 2.500ha đất sản xuất nông nghiệp của số hộ dân nói trên bị thu hồi để làm thủy điện.

Đến các khu TĐC Thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) không chỉ thấy dân kêu cứu mà ngay cả cán bộ cũng âu sầu. Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch xã Trà Đốc than phiền: “Về nơi ở mới, sống kham khổ quá, đã có 24 hộ dân ở các khu TĐC Thủy điện Sông Tranh 2 quay về làng cũ, dựng nhà sàn, làm ăn sinh sống. Xã không thể ngăn cản, thuyết phục được, vì đồng bào ra đi đã nhiều năm rồi mà vẫn không có đất sản xuất, sống lay lắt bằng tiền hỗ trợ, được ngày nào hay ngày ấy...”.

Cấp lại “đất chết”

Có 1.454 hộ dân thuộc 7 xã của huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) bị ảnh hưởng bởi công trình Thủy điện A Lưới (do Công ty CP Thủy điện Miền Trung làm chủ đầu tư). Trong đó, 192 hộ nằm trong diện phải di dời TĐC.

"Nhiều người dân ở đây đã lặng lẽ ăn mừng khi nghe nói chính quyền đã cho thu hồi Dự án Thủy điện Khe Cách đang định xây tại địa bàn xã. Nghe nói đến thủy điện là chúng tôi sợ toát mồ hôi”.

Ông Đỗ Ngọc Hân - Xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên

Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện này đang nghèo dần bởi mất đất sản xuất, những hộ được cấp đất ở khu TĐC thì đất toàn là... sỏi đá. Ông A Viết Cầm- Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: 750ha đất ở khu TĐC Kăn Tôm toàn là “đất chết”. “Dân đến đó không sản xuất được vì đất cằn cỗi, ăn hết tiền đền bù rồi thì không biết lấy chi mà sống”- ông Cầm nói.

Cũng như ông Cầm, lãnh đạo nhiều xã khác có dân bị ảnh hưởng bởi công trình Thủy điện A Lưới cũng bất bình trước kiểu tổ chức định canh, định cư cho dân theo cách “đem con bỏ chợ” của chủ đầu tư.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Quốc Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Đất sản xuất ở khu TĐC Kăn Tôm cằn cỗi nên người dân gặp rất nhiều khó khăn khi đến sinh sống và canh tác. Có khoảng 40ha đất đá sỏi ở đây không khai hoang được, số khai hoang được rồi thì hiệu quả sản xuất rất thấp. “Khó nhất hiện nay là công trình thủy lợi và nước sinh hoạt phục vụ cho người dân. Một tháng nay dân khát nước sinh hoạt, huyện điện nhắc chủ đầu tư mà họ hứa mãi”- ông Cường bức xúc.
Đức Tuấn – Trương Hồng – An Sơn (Đức Tuấn – Trương Hồng – An Sơn )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem