Không nên ban hành Luật tiền lương tối thiểu vùng

Thuỳ Anh Thứ tư, ngày 01/11/2017 07:59 AM (GMT+7)
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa chia sẻ về đề xuất ban hành Luật tiền lương tối thiểu vùng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Bình luận 0

Tiền lương tối thiểu là tiền lương thấp nhất mà Nhà nước quy định doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động sẽ căn cứ vào đó để tính toán chi trả mức lương cho người lao động. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đã trả mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng. Tuy vậy, để trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhiều doanh nghiệp đã tách khoản lương này thành nhiều khoản nhỏ khác.

Trong buổi làm việc của Ban Cải cách tiền lương Trung ương với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa diễn ra, đơn vị này đã đề xuất nên có Luật tiền lương tối thiểu vùng để có cơ chế thương lượng, quy định, giám sát thực hiện. Trước đề xuất này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Cải cách tiền lương Trung ương cũng yêu cầu cần phân tích đánh giá tác động xem có thật sự cần thiết phải ban hành Luật tiền lương tối thiểu vùng.

img

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu cần có thể sửa chương tiền lương trong Luật Lao động thay vì ban hành Luật tiền lương tối thiểu. Ảnh: I.T

Về vấn đề xây dựng Luật tiền lương tối thiểu vùng, ông Lợi cho biết, hiện nay Luật Lao động đã có một chương riêng về tiền lương, nếu cần có thể bổ sung trong quá trình sửa đổi Luật. Không cần thiết phải tách riêng ra thành một bộ luật bởi điều này sẽ tốn kém, chưa kể tới những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giám sát.

Trước đề xuất của một số chuyên gia kinh tế cho rằng nên bỏ lương tối thiểu vùng, ông Lợi nhận định: “Không thể bỏ lương tối thiểu vùng bởi đây là sàn tiền lương tối thiểu để Nhà nước thực hiện quyền quản lý, đảm bảo cho những lao động làm công việc giản đơn được hưởng mức lương tối thiểu. Tới đây, cải cách tiền lương có thể mở rộng tính lương theo giờ, theo công việc để lương tối thiểu có thể áp dụng cho cả khu vực không có quan hệ lao động”.

Hiện nay, Ban chỉ đạo về Cải cách tiền lương Trung ương đang họp lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan tiến tới thực hiện Đề án về cải cách tiền lương, trong đó mục tiêu trọng tâm hướng tới cải cách lương bộ phận hành chính, cụ thể là lương công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Hướng tới việc đảm bảo sự tương quan cân bằng giữa lương khối hành chính Nhà nước và lương khối doanh nghiệp.

Đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp đi đến quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%. Mức tăng cụ thể từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng/tháng. Theo đó, mức lương tối thiểu cụ thể từ vùng I tới vùng IV lần lượt là 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng/tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem