Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và suy nghĩ về đề xuất miễn học phí THCS ở Việt Nam

PGS Nguyễn Hoàng Phương - Tào Nga Thứ năm, ngày 07/07/2022 07:05 AM (GMT+7)
Xung quanh đề xuất miễn học phí THCS ở Việt Nam, PGS chuyên ngành Chính sách và Tài chính công ở Mỹ đã có chia sẻ về học phí ở các nước trên thế giới.
Bình luận 0

Mới đây Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính phủ cho miễn học phí THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Trao đổi với PV Dân Việt, PGS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên ngành Chính sách và Tài chính công, Đại học Tổng hợp Iowa, tiểu bang Iowa đã chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt Mỹ trong vấn đề học phí phổ thông và từ đó phân tích tác động có thể có đối với đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế)  

Năm 2018, 90% nguồn thu cho giáo dục của các nước OECD đến từ nhà nước và khoảng 10% còn lại là do hộ gia đình chi trả, một phần dưới hình thức học phí. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt lớn giữa các nước. Chẳng hạn, cũng giống như Mỹ, các nước Nauy, Phần Lan và Thụy Điển thì giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn học phí. Tại nhiều nước, học phí cũng được miễn đối với tiểu học và THCS (Hàn Quốc, Italia, Phần Lan). 

Tại Nhật, tiểu học và trung học cơ sở miễn học phí toàn toàn; THPT chỉ đóng học phí đối với gia đình có thu nhập vượt hơn mức quy định. Nhìn chung, việc miễn học phí của các nước sẽ được bù đắp bằng nguồn thu của nhà nước từ các khoản thuế (tương tự như tại Mỹ). 

 Về đề xuất miễn học phí THCS ở Việt Nam 

Đề xuất miễn học phí THCS ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp tình hình thực tế tại nhiều nước. Tại hầu hết các tỉnh, thành, học phí không tính trong phân bổ nguồn lực của tỉnh cho các trường. Nói cách khác, học phí được xem là phần nguồn thu thêm hỗ trợ cho hoạt động giáo dục của trường. 

 Tuy nhiên, theo tính toán tôi dựa trên số lượng học sinh THCS và mức học phí đề xuất cho năm học 2022-2023, nguồn thu học phí trung bình chỉ chiếm dưới 10% tổng chi giáo dục của các trường do quận/huyện quản lý. Do vậy, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể trong việc tài trợ cho các trường trước khi chính thức miễn học phí.

Ở Mỹ có được miễn học phí?

PGS Phương cho biết: "Ít ai phủ nhận Mỹ là một trong những nơi có nền giáo dục đại học tiên tiến nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng mới nhất năm 2022, Mỹ có 8 trường lọt vào top 10 trường đại học hàng đầu trên thế giới. Mặc dù Mỹ có hệ thống giáo dục đại học vượt trội nhưng hệ thống giáo dục phổ thông của Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề, bao gồm bình đẳng về nguồn lực tài chính cho học sinh bất kể nơi ở.

Chuyên gia Việt ở Mỹ nói về học phí ở trường công lập: Có hoàn toàn miễn phí? - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên ngành Chính sách và Tài chính công, Đại học Tổng hợp Iowa. Ảnh: NVCC

Để hiểu về vấn đề bình đẳng tài chính và học phí thì trước hết chúng ta cần biết rằng đơn vị hành chính với quyền hạn đánh thuế người dân là school district (hay học khu) có một số điểm đáng lưu ý:

Số lượng học khu khác nhau tùy từng bang. Texas có hơn 1.200 học khu trong khi một số bang chỉ có vài chục học khu (Delaware, Maryland, Nevada).

Học khu có thể độc lập về tài chính (tức là có quyền đánh thuế với mức thuế suất bất động sản riêng) hoặc phụ thuộc (chỉ là một đơn vị hành chính của thành phố hoặc hạt và không có mức thuế suất riêng). Thậm chí trong cùng một bang có cả học khu độc lập và phụ thuộc như bang New York.

Số lượng trường học và số học sinh (enrollment) trong học khu cũng khác nhau nhiều giữa các học khu thậm chí trong cùng một bang. Enrollment dao động từ vài chục (ở các học khu nông nghiệp) đến hơn gần một triệu như New York City.

Mỗi học khu đều có ranh giới riêng. Thường thì chỉ có con em những gia đình nào nằm trong ranh giới đó thì mới được đi học tại các trường trong học khu đó. Học sinh phổ thông (mẫu giáo đến lớp 12 hoặc từ lớp 1 đến lớp 12) đi học trường công trong học khu không phải đóng tiền học phí, hoặc có nơi đóng duy nhất 1 lần 35 USD ngày đầu tiên đến trường lớp 1. Ngoài ra, những gia đình nào có mức thu nhập thấp hơn mức quy định của liên bang thì sẽ được ăn sáng và trưa miễn phí. Ví dụ như trong đại dịch Covid-19 khi học sinh phải học online thì mỗi em tại bang Iowa được phát một Chrome Book miễn phí, bất kể gia cảnh. 

Đến đây bạn đọc sẽ thắc mắc: Vậy tiền tài trợ cho giáo dục từ đâu?

Các học khu có 2 nguồn thu chính:

Nguồn thu địa phương

Đúng là ở Mỹ, bạn không phải đóng học phí khi cho con học ở trường công nhưng không có nghĩa là bạn hoàn toàn không đóng góp gì. Trái lại, bạn phải đóng gián tiếp để tài trợ các hoạt động giáo dục của học khu thông qua hai nguồn chính là thuế bất động sản (property taxes) và thuế thu nhập cá nhân (school district income tax). Các khoản đóng góp địa phương trung bình chiếm khoảng 45% tổng thu cho giáo dục.

Thuế bất động sản: Đây là loại thuế đánh vào nhà ở, tài sản nông nghiệp, thương mại và công nghiệp. Nên nhớ rằng khi bạn thuê nhà, bạn chỉ trả tiền nhà và điều đó không có nghĩa là bạn không đóng thuế bất động sản. Trong tiền thuê nhà đã có phần thuế mà chủ nhà đã tính thêm vào tiền thuê. 

Giả sử có hai học khu với cùng diện tích đất: học khu giàu hơn sẽ có cơ sở thuế lớn hơn (vì nhà ở và các bất động sản khác ở học khu này có giá trị cao hơn) học khu ngèo hơn. Do vậy với cùng mức thuế suất, học khu giàu hơn sẽ có thể thu được nhiều tiền thuế hơn; hoặc với mức thuế suất thấp hơn, học khu giàu vẫn có thể thu được mức thuế bằng với học khu nghèo với mức thuế suất cao hơn. Mức chênh lệch giàu nghèo có khi cực lớn. 

Theo số liệu tôi thu thập cho năm 2021, không kể New York City, học khu giàu nhất là Southampton (ở Long Island) với tax base (gần 24 tỉ USD, trong khi học khu Friendship chỉ có tax base khoảng 73 triệu USD (chênh nhau hơn 320 lần). Cơ sở thuế (tiếng Anh: Tax base) là tổng số tài sản hoặc thu nhập có thể bị đánh thuế bởi cơ quan thuế, thường là bởi chính phủ.

Thuế thu nhập cá nhân: Thuế thu nhập cá nhân này khác với thuế thu nhập cá nhân của liên bang và tiểu bang. Thuế này do học khu đưa ra và chỉ phục vụ cho các hoạt động giáo dục của học khu. Một số bang có loại thuế này là Ohio và Iowa.

Ngoài hai nguồn thu địa phương chính trên, học khu còn có các khoản thu nhập khác (thường là không bắt buộc). Ví dụ, gia đình sống trong vùng bán kính hai dặm (khoảng hơn 3km) thì sẽ được xe bus đưa rước đến trường miễn phí. Gia đình nào sống ngoài vùng bán kinh này muốn đi xe bus thay vì chở con đi học hằng ngày thì phải đóng tiền. Ngoài ra, gia đình muốn cho ở lại trường sau giờ tan học chính thức (vì bận đi làm không về đón con kịp) thì cũng phải đóng tiền. Tuy nhiên, các khoản đóng góp này được các học khu tính vừa đủ để bù đắp chi phí mà thôi. Các khoản thu nhập này trung bình chỉ chiếm khoảng chừng 1% tổng thu.

Chuyên gia Việt ở Mỹ nói về học phí ở trường công lập: Có hoàn toàn miễn phí? - Ảnh 3.

Học sinh ở nhiều nước trên thế giới được miễn học phí từ 9-12 năm. Ảnh: iStock

Nguồn thu rót từ tiểu bang và liên bang

Học khu ngoài việc đóng góp nguồn lực từ người dân địa phương cho giáo dục phổ thông còn nhận được tài trợ từ tiểu bang (chiếm trung bình khoảng 45% tổng thu). Nguồn thu từ tiểu bang có nhiều công thức tính khác nhau nhưng tựu trung đều theo nguyên tắc chung như sau: Học khu nào càng "giàu" thì mức tài trợ tiểu bang càng nhỏ. Ngoài khoản tiền tài trợ chung, các bang thường có khoản tài trợ thêm cho học sinh nghèo (học khu có càng nhiều tỉ lệ học sinh nghèo thì càng nhiều tiền tài trợ), học sinh đang học thêm tiếng Anh (dành cho con em gia đình di dân), và học khu có mật độ dân số thấp.

Học khu còn có nguồn thu từ chính phủ liên bang, đặc biệt là nguồn thu hỗ trợ ăn sáng và ăn trưa cho học sinh thuộc gia đình nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, tiểu bang và liên bang đều có phần tài trợ thêm cho học sinh khuyết tật. Nhìn chung, 9% nguồn thu cho giáo dục từ liên bang.

Nguồn thu từ tiểu bang chủ yếu từ những thuế thu nhập cá nhân, thuế bán hàng từ những người dân sống trong bang và tài trợ của chính phủ liên bang. Tiền tài trợ liên bang cũng lại chủ yếu từ thuế thu nhập cá nhân. Như vậy có thể thấy rằng mặc dù học sinh không phải đóng học phí nhưng gia đình đã phải đóng góp một cách gián tiếp qua các loại thuế khác nhau: thuế bất động sản (cho học khu), thuế thu nhập cá nhân (cho học khu, tiểu bang, và liên bang), các loại thuế và phí khác.

Cũng nói thêm rằng, tiền của tiểu bang chi cho giáo dục là cách phân phối lại thu nhập để bảo đảm học sinh có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, bất kể gia đình sống ở đâu. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây, học khu da màu, gọi là nonwhite, (được định nghĩa là học khu với ít nhất 75% học sinh nonwhite) nhận được ít hơn 23 tỉ USD từ nguồn thu địa phương và tiểu bang so với học khu da trắng (được định nghĩa là học khu với ít nhất 75% học sinh da trắng). Mục tiêu bình đẳng này vẫn là một cái đích khó đạt của nền giáo dục phổ thông Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem