Lâm Đồng: Phát triển cà phê chất lượng cao, chi hơn 100 tỷ đồng cho tái canh, cải tạo giống
Văn Long
Thứ bảy, ngày 12/12/2020 15:19 PM (GMT+7)
Với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, đi đầu trong tái canh cà phê tại Tây Nguyên, vì vậy tỉnh Lâm Đồng đã có những định hướng để phát triển, chế biến và tiêu thụ cà phê chất lượng cao.
Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây cà phê, nhất là các giống cà phê chè chất lượng cao Typica, Bourbon, Catuara…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có các chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân chuyển đổi những diện tích cà phê kém hiệu quả, thâm canh tăng năng suất, cải tạo chuyển đổi giống bằng các dòng cà phê cao sản có năng suất, chất lượng tốt đáp ứng cho nhu cầu chế biến trong nước và xuất khẩu.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 các thị trường xuất khẩu lớn gần như đóng băng. Sản lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm từ 80 - 90%, giá cà phê nhân giảm từ 10 - 20% khiến đa số các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, địa phương đã triển khai chương trình tái canh, ghép cải tạo cà phê từ năm 2006 và tập trung mạnh từ năm 2013 đến nay.
Kết quả giai đoạn 2013-2020 đã thực hiện hơn 73.100ha, trong đó tái canh gần 38.000ha, ghép cải tạo hơn 35.000ha.
Qua thời gian thực hiện, chương trình đã có tác động lớn trong sản xuất, giúp trẻ hóa vườn cây cà phê. Phần lớn các diện tích cà phê sau tái canh cải tạo cho năng suất cao, ổn định trên 4,5 tấn/ha, nhiều mô hình có năng suất 6-7 tấn/ha, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,6 tấn/ha năm 2012 tăng lên 3,2 tấn/ha năm 2019.
"Trong năm 2020, diện tích, sản lượng, năng suất giảm so với 2019 và không đạt kế hoạch do một số diện tích cà phê vối tái canh chưa cho thu hoạch và chuyển sang cây trồng hiệu quả như rau, hoa… Bên cạnh đó, do giá cà phê xuống thấp nên việc đầu tư chăm sóc vườn cây của người dân hạn chế hơn. Tổng kinh phí tái canh, cải tạo giống toàn giai đoạn vừa qua là hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí mua giống, tỉnh Lâm Đồng triển khai tốt các biện pháp kỹ thuật như trồng xen canh với cây trồng khác ngay trong năm đầu tiên trồng mà không chờ luân canh 2 năm theo quy trình của Bộ Nông nghiệp. Đồng thời sử dụng chồi ghép từ các giống tốt đã được chọn lọc để ghép cải tạo. Chính vì vậy, sản lượng năm 2012 chỉ đạt gần 366.000 tấn, nhưng đến năm 2019 đã tăng lên hơn 550.000 tấn" - ông Nguyễn Văn Châu thông tin.
Đến ứng dụng công nghệ cao
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng còn đang triển khai xây dựng 5 vùng sản xuất cà phê công nghệ cao (chủ yếu ứng dụng công nghệ tưới kết hợp châm phân tự động), với quy mô hơn 1.700ha. Cụ thể là các vùng sản xất cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại xã Hòa Bắc và xã Đinh Lạc (huyện Di Linh); vùng sản xất cà phê ứng dụng NNCNC tại xã Nam Hà và thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà); vùng sản xuất cà phê ứng dụng NNCNC tại thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương); vùng sản xất cà phê ứng dụng NNNC tại xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm).
Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định, hiện nay một số doanh nghiệp đang đầu tư thiết bị công nghệ để sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan nhằm đem lại giá trị cao và đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng như Công ty TNHH Cà phê Thái Châu, Công ty TNHH Tám Trình…
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 các thị trường xuất khẩu lớn gần như đóng băng. Sản lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm từ 80 - 90%, giá cà phê nhân giảm từ 10 - 20% khiến đa số các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
Trong thời gian sắp tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phối hợp với các địa phương thực hiện công nhận vùng sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với xây dựng dữ liệu mã số vùng trồng cà phê tại các vùng sản xuất chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Từ đó đáp ứng yêu cầu với xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất cà phê chuyên nghiệp từ việc tổ chức sản xuất, cung cấp giống, vật tư có chất lượng tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất đạt các bộ tiêu chuẩn như VietGAP, Utz, RA… Tổ chức lại sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị cà phê đặc sản từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và xuất khẩu. Lấy trọng tâm là chất lượng, an toàn, bền vững gắn với các thương hiệu đã được chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.