Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài: Chưa biết tự bảo vệ

Thứ ba, ngày 18/12/2012 08:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Đối thoại Chính sách về bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài” ngày 17.12.
Bình luận 0

Hội thảo do Bộ LĐTBXH phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.

Rủi ro rình rập

Bà Phạm Nguyên Cường – chuyên gia về giới, Chủ nhiệm nghiên cứu rà soát chính sách (Bộ LĐTBXH) cho biết, thực tế nghiên cứu về hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của nữ lao động, nhóm đã ghi nhận rất nhiều vụ việc lao động nữ bị bạo hành, bị bóc lột, bị quấy rối tình dục… “Nhiều lao động trở về kể cho tôi là thay vì làm 8-10 tiếng, họ phải làm 16 tiếng/ngày. Nhiều người, sau một thời gian gắng gượng làm việc trở về nước trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, sức khoẻ suy yếu nghiêm trọng”- bà Cường cho hay.

img
Lao động chuẩn bị đi làm việc tại Malaysia qua Công ty XKLĐ Việt Hà.

Một ví dụ là chị N.T.T (Tứ Kỳ, Hải Dương) phải chi tiền môi giới gần 20 triệu đồng để đi làm nghề giúp việc gia đình tại Cộng hoà Síp. Chỉ được một thời gian ngắn, chị thường xuyên bị chủ nhà bóc lột, không cho rời khỏi nhà và bị quấy rối tình dục. Quá bức xúc nhưng chị không biết phải tìm tới cơ quan nào để được trợ giúp, cuối cùng đành phải nghỉ làm để chờ công việc mới.

Không may mắn như T, nhiều lao động nữ khi bị bóc lột đành phải cắn răng chịu đựng, muốn tìm đường thoát thân cũng khó. Chị N.T.V (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) từng làm người giúp việc gia đình, chăm sóc sức khoẻ trại dưỡng lão ở Đài Loan cho biết: “Công việc vất vả buộc phải làm việc 24/24 giờ mà không có không gian riêng, phải sống chui lủi trong phòng với người mà họ phải trông nom”.

Bà Phạm Nguyên Cường thông tin thêm: Lao động nữ còn đối mặt với một loạt các vấn đề khác như chỗ ăn ngủ, điều kiện sinh hoạt nước sinh hoạt… tại các khu công nghiệp đều không được đảm bảo. Đấy là chưa kể tới tình trạng lao động đi XKLĐ theo đường tự do thì nguy cơ rủi ro, tai nạn gặp phải càng khủng khiếp hơn nhiều lần”.

Tăng quyền cho phụ nữ bằng thông tin

Thực tế khi đi làm việc tại nước ngoài, lao động nữ gặp nhiều rủi ro hơn do đặc thù công việc thường phải làm đơn lẻ như: Giúp việc trong các gia đình, hộ lý, y tá chăm sóc người bệnh tại các viện dưỡng lão… Khi gặp khó khăn, lao động nữ không biết liên hệ với ai để được trợ giúp. Trong khi đó, bản thân nhiều lao động nữ cũng chưa quan tâm đến việc cần có các thông tin này, vì vậy, họ đối mặt với rất nhiều rủi ro trong quá trình đi XKLĐ.

Bà Ruth Bowen – chuyên gia về di cư lao động thuộc UN Women cũng cho rằng: “Phụ nữ là đối tượng cần được chú ý khi đưa họ đi làm việc ở nước ngoài do đặc điểm khác biệt về giới và phải làm những công việc đặc thù hay phải tiếp xúc với con người. Vì thế, họ cần được trang bị kỹ năng về ứng xử, tự bảo vệ mình và biết cơ quan, tổ chức có thể giúp đỡ, bảo vệ mình”.

Theo ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, cả nước hiện có trên 50 nghìn lao động, trong đó có khoảng 35 nghìn lao động là nữ đang làm việc ở 30 quốc gia lãnh thổ. Công việc chủ yếu là giúp việc gia đình, chăm sóc sức khoẻ và làm công nhân chế tạo máy, lắp ráp chế tạo, dệt may, dịch vụ nhà hàng…

Dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tác động tới lao động nữ theo hướng hỗ trợ lao động tự bảo vệ mình. 3 năm qua, Dự án đã tổ chức nghiên cứu tình hình lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, với mục đích tìm ra những khoảng trống nhằm đề xuất các chính sách, khuyến nghị trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách để bảo đảm tốt hơn nữa bình đẳng giới, bảo vệ quyền cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài. Dự án cũng đang tiến hành xây dựng một chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài mang tính nhạy cảm giới.

Theo bà Cường, điều quan trọng là lao động nữ phải được cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên hệ của ban quản lý lao động và cơ quan ngoại giao để người lao động có thể liên lạc, đề nghị hỗ trợ khi cần thiết; ngoài ra, họ cũng cần được hỗ trợ kỹ năng tự bảo vệ mình khi làm việc đơn lẻ, tránh bị lạm dụng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem