3 tiếng nổ
Những ngày trung tuần tháng 11 này, chúng tôi có dịp ghé thăm Trung đoàn 20 đứng chân tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thời tiết miền Tây đang ở giai đoạn cuối mùa mưa, nhưng nhiệt độ khá oi bức. Dưới chân núi Tô Châu, hàng trăm chiến sĩ mới của Tiểu đoàn 4 vẫn miệt mài ôn luyện ném lựu đạn xa trúng đích, ngắm súng tiểu liên AK, vận động chiến trường... Ai cũng háo hức đợi đến lượt mình với sự quyết tâm cao độ, bởi ai cũng muốn sẽ có được kết quả tốt khi không còn bao lâu nữa khóa huấn luyện “tân binh” này sẽ kết thúc.
|
Huấn luyện điều lệnh đội ngũ tay không cho chiến sĩ mới ở Trung đoàn 20 Sư đoàn 330, Quân khu 9. |
“Hướng trước mặt!”, “Vị trí tại đây, đặt bộc phá!”, “Chuẩn bị điểm hỏa!”. “Điểm hỏa!”. Giọng thiếu úy Mai Kil- Trung đội trưởng Trung đội 7 vang lên dứt khoát. Cùng với tiếng hô là phần thực hành động tác nhanh gọn của nhóm ba chiến sĩ mới trước sự tập trung quan sát của các đồng đội khác chờ đến lượt tập luyện. Mai Kil luôn theo sát từng chiến sĩ để uốn nắn, chỉ bảo; kết hợp làm mẫu để chiến sĩ thực hiện động tác.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp thiếu úy Mai Kil- Trung đội trưởng Trung đội 7, chàng trai người dân tộc Khmer quê ở Ô Môn, TP. Cần Thơ được giao nhiệm vụ huấn luyện “3 tiếng nổ” cho chiến sĩ mới. Đối với chiến sĩ mới, huấn luyện “3 tiếng nổ” là nhiệm vụ rất quan trọng. Mai Kil cho biết: “Ngay từ những ngày đầu chiến sĩ mới nhập ngũ, chúng tôi đã tổ chức huấn luyện những nội dung ngoại khóa, tập cho chiến sĩ làm quen với môi trường mới, chuẩn bị đầy đủ vật chất bảo đảm cho đúng, đủ nội dung theo quy định; tạo mọi điều kiện để các chiến sĩ thuần thục động tác.
Chiến sĩ Tần Thúc Bảo cho biết: “Lúc đầu mới tiếp xúc với nội dung “3 tiếng nổ” bản thân tôi cũng như nhiều đồng chí khác đều rất lúng túng, bỡ ngỡ. Nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, phương pháp truyền đạt dễ hiểu của các thủ trưởng nên anh em chúng tôi rất tự tin và ra sức phấn đấu học tập, huấn luyện thật tốt ”.
Tổ 3 người
Cách vị trí bãi tập của Trung đội 7 không xa là bãi tập của Thiếu úy Tùng - Trung đội trưởng Trung đội 1. Khi chúng tôi đến cũng là lúc Tùng đang huấn luyện ném lựu đạn xa trúng đích cho chiến sĩ mới. Theo khẩu lệnh của Tùng, hết lượt này đến lượt khác, mỗi lượt tập là một chiến sĩ vào trận. Và lúc nào Trung đội trưởng Tùng cũng luôn bám sát bên cạnh, kịp thời nhắc nhở, chỉnh sửa những động tác sai cho các chiến sĩ mới.
Dưới tán cây còng trước sân của Tiểu đoàn 4, cách thao trường không xa, mặc dù đã hơn 10 giờ trưa nhưng trung úy Nguyễn Minh Triều - Trung đội trưởng Trung đội 4 vẫn duy trì đơn vị ôn luyện điều lệnh đội ngũ tay không.
Trung úy Nguyễn Minh Triều chia sẻ: “Lúc mới về đơn vị, do từ môi trường gia đình, địa phương khác nhau nên nhiều đồng chí không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng nhờ đội ngũ cán bộ các cấp luôn tận tình, hết mực thương yêu chiến sĩ, coi nhau như anh em một nhà, nhất là việc làm tốt công tác tư tưởng nên những bỡ ngỡ ban đầu của các chiến sĩ qua đi nhanh chóng. Đến nay, thời gian làm quen với môi trường “kỷ luật quân đội” đã được hơn 60 ngày, không còn bao lâu nữa tụi em sẽ có được “thành quả” như mong đợi.
Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9 được thành lập ngày 20.4.1965 tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều năm liền, đơn vị luôn dẫn đầu về công tác huấn luyện của Quân khu 9 và Bộ Quốc phòng.
Một trong những bí quyết đạt kết quả cao trong huấn luyện chiến sĩ mới thời gian qua ở Trung đoàn 20 là đơn vị luôn áp dụng biện pháp luyện tập tổ 3 người. Ở biện pháp này, đồng chí tổ trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm duy trì, kèm cặp các tổ viên còn yếu. Biện pháp này đã góp phần xây dựng tình đoàn kết, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ nhau tiến bộ.
Chiến sĩ Phan Hữu Thiện, quê ở Hậu Giang tâm sự: “Lúc đầu môn điều lệnh của em rất yếu, tập hoài mà tay chân cứ đi theo một hướng. Nhưng nhờ áp dụng biện pháp tổ 3 người, sự uốn nắn của tổ trưởng nên bây giờ môn điều lệnh của em đã rất khá”.
Đến giờ giải lao, thượng úy Đinh Văn Tiến - Chính trị viên phó Đại đội 2 ôm đàn ghi ta ngồi quây quần bên các chiến sĩ hát hết bài này đến bài khác. “Sinh hoạt văn hóa - văn nghệ là liều thuốc “kích thích” để chiến sĩ mới tiếp tục hăng say luyện tập, đoàn kết gắn bó với nhau, từ đó gặt hái được kết quả cao trong huấn luyện” - thượng uý Đinh Văn Tiến nói.
Quang Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.