Mặt bằng kinh doanh giảm giá sâu, khách thuê vẫn thờ ơ
Mặt bằng kinh doanh giảm giá sâu, khách thuê vẫn thờ ơ
Nguyễn Minh
Thứ bảy, ngày 18/09/2021 12:45 PM (GMT+7)
Thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố trung tâm TP.Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều chủ nhà chấp nhận giảm sâu, nhưng khách thuê vẫn thờ ơ.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh, phức tạp như "cú đấm" bồi vào tình hình kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, hậu quả của dịch bệnh làm tổn thương nặng nề đối với thị trường mặt bằng cho thuê kinh doanh tại Hà Nội.
Theo khảo sát của PV Dân Việt, nhiều tuyến phố có vị trí đắc địa trong hoạt động kinh doanh cũng đồng loạt treo biển cho thuê cửa hàng. Thậm chí, nhiều chủ nhà phải đóng cửa cả năm trời, giảm giá sâu đến 50% nhưng đến nay vẫn "cửa đóng then cài".
Đơn cử, tại đường Cầu Giấy, nơi được đánh giá là tuyến đường kinh doanh sầm uất có tiếng ở Hà Nội. Một cửa hàng có diện tích 40m2, trước kia cho thuê với mức giá 50 triệu đồng/tháng.
Theo chị Hà - chủ cửa hàng cho biết, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tình hình kinh doanh trở nên khó khăn, người thuê trả lại mặt bằng nên chị đành treo biển cho thuê tiếp.
Đến nay, trải qua gần 5 tháng cửa hàng vẫn chưa cho thuê lại được, chị Hà đành giảm sâu còn 25 triệu đồng/tháng, tức giảm 50% so với thời điểm đỉnh trong năm đầu tiên, đến năm tiếp theo sẽ thương lượng theo giá thị trường. Nhưng đến nay, cửa hàng của chị Hà vẫn chưa có khách thuê.
Tương tự, một mặt bằng kinh doanh trên đường Trần Thái Tông, có diện tích 200m2, giá cho thuê bình thường là 150 triệu đồng/tháng.
Theo anh Cường - chủ nhà cho biết, kể từ 3/2021 khi khách thuê hết hợp đồng và từ chối gia hạn thêm do tình hình kinh doanh không ổn định.
Do đó, trong vòng gần 7 tháng anh đã phải giảm giá 2 lần mỗi lần 20% giá thuê, tổng 40%, tương đương 90 triệu đồng/tháng. Nhưng đến nay vẫn chưa có khách thuê nào chấp nhận.
Anh Cường cho biết thêm, nếu một thời gian ngắn nữa vẫn chưa thể cho thuê, anh sẽ tính toán giảm tiếp.
Khách thuê không mặn mà mặt bằng kinh doanh
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Tiến Đạt - chủ cửa hàng quần áo đường Trần Phú, quận Hà Đông cho hay, khi thuê cửa hàng để bán, trong vòng 3 năm liên tiếp, mỗi lần gia hạn hợp đồng chủ nhà lại tăng giá một lần. Do đó, chi phí phải cộng vào sản phẩm nên giá tăng cao khiến quá trình bán hàng cũng trở nên khó khăn.
"Mỗi lần chủ nhà tăng giá rất nhiều, do đó các chủ cửa hàng kinh doanh cần phải tính toán lại giá bán. Kể từ khi đợt dịch lần thứ 3 bùng phát, lúc đó là đầu năm 2021. Nhận thấy dịch có thể kéo dài ảnh hưởng tới kinh doanh nên tôi trả mặt bằng và chuyển qua bán online", anh Đạt nói.
Theo anh Đạt, trong vài năm trở lại đây do thương mại điện tử phát triển, rất nhiều người kinh doanh đã chuyển sang bán hàng online và trả mặt bằng. Tất cả chi phí mặt bằng sẽ được chuyển sang mục đích chạy quảng cáo, thu hút khách hàng.
"Bán hàng online lượng tiếp cận lớn nên bán được nhiều. Hơn nữa, do không chịu chi phí mặt bằng nhiều nên giá thành cũng phải chăng hơn.
Những người thuê nhà tại mặt phố đa phần là kinh doanh đồ ăn hoặc quần áo. Nhưng bây giờ đồ ăn có thể giao tận nhà cho khách, nên rất tiện. Khách hàng họ cũng đã chấp nhận hình thức này. Nên những người kinh doanh quần áo, đồ ăn hiện nay chỉ cần thuê chỗ để làm kho và bếp là có thể bán hàng được", anh Đạt phân tích.
Bên cạnh đó, người chủ này cũng cho biết, thực tế hình thức bán hàng online vẫn còn những hạn chế riêng. Do đó, việc thuê mặt bằng mở cửa hàng là cần thiết. Tuy nhiên, do tình hình dịch vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn nên nhiều chủ kinh doanh vẫn lo ngại việc xuống tiền thuê.
"Nhiều chủ nhà chấp nhận giảm giá sâu trong thời gian này, do đó nếu thuê được thì rất tốt. Nhưng hiện nay dịch vẫn có thể kéo dài nên những người kinh doanh không dám mạo hiểm.
Ngay khi thuê nhà đã phải ký hợp đồng ít nhất 1 năm và đóng tiền nhà đủ luôn. Nếu chỉ 1 - 2 tháng phải đóng cửa nghỉ dịch cũng không ảnh hưởng quá nhiều, chỉ lo ngại dịch vẫn kéo dài thì chắc chắn thua lỗ lớn. Theo tôi cần thời gian dài để ổn định lại thì chủ kinh doanh mới tiếp tục thuê được", anh Đạt nói.
Bên cạnh đó, anh Đạt cũng cho biết, nhiều người bạn của anh cũng kinh doanh nhưng ham mặt bằng giảm giá trong đợt dịch nên thuê, sau đó tình hình dịch phức tạp lâu ngày phải đóng cửa dẫn tới thiệt hại lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.