Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hút bùn với chiều dài 209 km, sâu 0,5m
Sáng nay (1.7), Dân Việt đã có cuộc trao đổi với các nhà khoa học đầu ngành - những người chủ chốt trong đoàn liên ngành truy tìm nguyên nhân hải sản chết ở vùng biển Miền Trung.
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên (ở giữa) - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam).
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tính toán, môi trường biển gồm nước biển, trầm tích biển và san hô. Về nước biển, các nhà khoa học cùng các cơ quan liên quan đã lấy mẫu phân tích rất cẩn thận, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước biển rất thấp, chỉ duy nhất hàm lượng sắt là khá cao so với tiêu chuẩn (như kết quả đo được ở trạm Sơn Dương).
Còn đối với trầm tích biển, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục tiến hành đo 13 mặt cắt vào những thời điểm khác nhau để xem sự giải hấp, biến thiên của độc tố như thế nào, trong quá trình giải hấp, nồng độ độc tố giảm dần hay vẫn giữ nguyên, kết quả này sẽ là cơ sở để chúng ta đưa ra phương án xử lý ô nhiễm môi trường biển khu vực 4 tỉnh miền Trung.
TS Vũ Đức Lợi, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay: “Ngày 12.7 sẽ có kết quả phân tích hàm lượng phenol, xyanua còn lại ở trong nước biển, cũng như các thông số cụ thể khác. Nếu hàm lượng phenol, xyanua còn lại ở trong nước biển vẫn cao, cùng với đó là có kim loại nặng thì bắt buộc phải hút trầm tích vì kim loại nặng không tự phân hủy”.
Trước câu hỏi của Dân Việt về giải pháp làm sạch biển miền Trung bị ô nhiễm do chất thải của Formosa gây ra, TS Vũ Đức Lợi, cho biết: “Sẽ phải hút hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng. Hút một tấn trầm tích sẽ mất ít nhất từ 11USD - 36USD. Chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài 209 km và phải hút sâu tối thiểu 50cm thì mới đảm bảo sạch biển”.
Về phương án hút trầm tích biển, TS Lợi nêu quan điểm riêng, cần phải thực hiện hút trầm tích mới làm sạch biển, trả lại môi trường ban đầu cho biển. Hiện nay dù chưa có con số tính toán cụ thể về phương án này, tuy nhiên sẽ phải hút hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1 ngàn tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng. Hút một tấn trầm tích sẽ mất tối thiểu 11 USD, cao nhất là 36 USD, chúng ta sẽ phải hút với chiều dài 209 km, và phải hút sâu tối thiểu 50 cm thì mới đảm bảo làm sạch môi trường biển.
Nếu dùng phương án này thì sẽ phải huy động các tàu hút để thực hiện. Sau đó chúng ta sẽ phải tạo ra các hố rất to và sâu để chứa trầm tích, đồng thời sẽ tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. Có làm như thế thì mới trả lại sự trong sạch cho biển”.
Chưa biết bao lâu thì biển mới sạch lại?
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà - nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, làm thế nào để xử lý triệt để ô nhiễm trên vùng biển đó, mất bao lâu và tốn bao nhiêu tiền để trả lại môi trường trong sạch cho vùng biển miền Trung là những câu hỏi được các nhà khoa học cùng người dân cả nước quan tâm.
"Chúng ta cần chờ đợi kết quả phân tích, đồng thời phải xem quá trình tự phục hồi sinh học, quá trình tự phân hủy tự nhiên xảy ra như thế nào, đến lúc có những dữ liệu cụ thể để từ đó các bộ, ngành chức năng, các nhà khoa học sẽ tính toán các phương án xử lý, công nghệ xử lý phù hợp nhất với điều kiện sinh thái, điều kiện kinh tế ở Việt Nam, chắc chắn sẽ có công nghệ để xử lý vấn đề này” - bà Hà cho hay.
Còn PGS.TS Trịnh Văn Tuyên cho rằng: “Biển có khả năng tự làm sạch”.
“Chúng ta cứ tưởng tượng như vật liệu hấp thụ, chúng tự hấp thụ và tự động nhả hấp thụ, nồng độ chỗ nào cao thì tự chuyển sang nơi có nồng độ thấp. Nước biển cũng như vậy, độc tố sẽ hòa tan dần dần và giảm đi theo thời gian. Tuy nhiên đó là giả định sẽ không có thêm chất thải gì tiếp thải ra nước biển, còn nếu vẫn còn chất thải thải ra biển thì chất thải sẽ cộng hưởng thêm” - ông Tuyên cho biết.
TS Vũ Đức Lợi cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều tín hiệu đáng mừng là ở Huế môi trường đã sạch hơn nhiều so với những tháng trước, hàm lượng phenol, xyanua đang giảm dần. Đây là tin tốt cho tất cả chúng ta, nó báo hiệu rằng biển đang tự phục hồi. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.