Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Bún vịt nấu tiêu, mỹ vị trần gian
Ngon hết nấc những món ăn đặc sản, được gọi là mỹ vị trần gian ở Sóc Trăng, du khách không nên bỏ qua
Kiều Anh (tổng hợp)
Thứ hai, ngày 21/10/2024 10:45 AM (GMT+7)
Đến Sóc Trăng, du khách sẽ không chỉ thưởng thức vẻ đẹp của những ngôi chùa cổ kính mà còn hiểu rõ hơn về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, đặc biệt này khám phá ẩm thực độc đáo nơi đây.
Sóc Trăng - vùng đất lành là nơi gắn kết lâu đời của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa từ lâu đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch miền Tây. Chính vì vậy, nơi đây luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với mọi du khách gần xa. Đến Sóc Trăng, các "tín đồ xê dịch" không chỉ được thưởng các món bánh đặc sản mà còn được nếm thử các món ăn đặc sản miền Tây, mang đậm hương vị của người Khmer như: bún nước lèo, bún cà ri,…
Du lịch Sóc Trăng không chỉ là cơ hội để khám phá cảnh đẹp mà còn là dịp để du khách tha hồ thưởng thức các món ăn ngon. Cùng điểm danh một số món ăn đặc sản ở Sóc Trăng, du khách không nên bỏ lỡ.
Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Bún vịt nấu tiêu, mỹ vị trần gian
Được cộng đồng người Hoa mang vào Việt Nam, bún vịt qua nhiều thế hệ truyền thừa đã dung hòa các gia vị có trong món ăn sao cho phù hợp với ẩm thực Việt Nam mà vẫn vẹn nguyên vị ngon đặc trưng cực kì hấp dẫn. Theo cách chế biến đậm chất địa phương, hương vị món bún vịt nấu tiêu đã trở nên vô cùng riêng biệt và không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu.
Bún Sóc Trăng có thơm hương, đượm vị hay không đều nhờ vào loại tiêu được lựa chọn để cho vào bún vịt. Về phần nước lèo, thông thường người bản địa sẽ hầm xương rồi thêm nước dừa tươi để tinh chỉnh hương vị ngon ngọt. Do đó, các loại xương dùng để hầm nước cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong quá trình chế biến món bún vịt nấu tiêu Sóc Trăng.
Sau khi nấu xong, món ngon đặc sản sẽ được bày biện ra tô một cách đẹp mắt. Giống với Bún gỏi dà hay bún nước lèo, món ăn này bên dưới sẽ có sợi bún to tròn, trắng tự nhiên, phía trên gồm các loại đồ ăn kèm như thịt, tiết hoặc lòng vịt bổ dưỡng, ngoài ra còn có hành phi thơm. Tất cả chan ngập nước dùng trong veo, ngọt thanh.
Thường thì để gia tăng hương vị, người dân địa phương sẽ vắt thêm lát chanh và thưởng thức bún cùng rau muống chè, bắp chuối bào, giá sống. Món ăn cũng sẽ được phục vụ kèm chén nước mắm chua ngọt có hành tím xắt mỏng, ớt tươi bằm... để bạn chấm thịt vịt. Một tô bún vịt nấu tiêu Sóc Trăng thành công sẽ có nước lèo thanh thanh, thịt không bị tanh mà trái lại còn mềm và thấm gia vị.
Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Bún nước lèo, món ngon khiến bao tâm hồn ăn uống ngẩn ngơ bởi hương vị độc đáo
Đây là món ngon mang trong mình tinh hoa ẩm thực đến từ 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, sinh sống lâu đời tại vùng đất này. Sở dĩ nói hương vị của món bún nước lèo Sóc Trăng khác hẳn so với những nơi khác bởi đó là sự kết hợp đầy ấn tượng giữa nguồn nguyên liệu dân dã và cách chế biến mang đậm tính địa phương của người nấu.
Tinh túy của món bún nước lèo Sóc Trăng nhìn chung nằm ở hương vị nước lèo độc đáo được chế biến từ mắm, sả và ngải bún hòa quyện rất cân đối. Về ngải bún và sả, mục đích chính của các loại thực phẩm này là để khử mùi tanh đồng thời tạo nên hương thơm đặc biệt cho nước lèo khiến ai đã từng thưởng thức qua đều nhớ mãi.
Sau khi xong xuôi hết các công đoạn từ chuẩn bị đến chế biến, du khách sẽ có một tô bún nước lèo Sóc Trăng nóng hôi hổi, tỏa mùi hương thơm lừng. Bên dưới là sợi bún trắng nõn, tròn lẳn ăn vào dai dai, phía trên có tôm đỏ au, chắc thịt, cá lóc mềm tan trên đầu lưỡi và thịt heo quay da giòn sần sật. Tất cả đắm mình trong nước lèo thanh đạm, ngon ngọt.
Ở một số nơi, đầu bếp còn cho vào đa dạng loại hải sản như mực, ốc... để món ăn thêm phần độc đáo, khó cưỡng hơn. Bún nước lèo Sóc Trăng là món đặc sản mà các "tín đồ xê dịch" nhất định phải thử qua khi có dịp du lịch miền đất Tây Nam Bộ.
Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Bánh tét cốm dẹp, hương vị ẩm thực Khmer độc đáo
Bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng là một trong những lễ vật được bà con Khmer dâng lên cúng thần. Bánh tét thường được gói bằng lá chuối có cả nhân ngọt và nhân mặn, mỗi đòn dài khoảng 30cm - 40cm và đường kính cỡ 24cm - 30cm.
Đối với bà con Khmer ngoài việc lễ cúng, bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng còn là món ăn tiện lợi, quen thuộc và hiện diện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống. Vào những ngày bận rộn với công việc đồng áng, một đòn bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng sẽ thay cho bữa ăn nhẹ để nạp năng lượng cho họ tiếp tục lao động.
Thưởng thức bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng thơm lừng hương cốm mới là điều du khách không thể bỏ qua trong hành trình khám phá ẩm thực Khmer Nam Bộ.
Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Thưởng thức mì sụa, món ăn Trung Hoa thơm ngon khó cưỡng
Nguyên thủy, mì sụa Sóc Trăng là một món ăn dân gian của cộng đồng người Hoa sinh sống tại đây. Sau đó, món ăn này dần lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng các dân tộc anh em quanh vùng và cho đến thời điểm hiện tại, mì sụa Sóc Trăng đã là món ăn sáng phổ biến của bà con nơi đây.
Mì sụa được chế biến từ nguyên liệu chính là đậu nành nên sợi mì có màu vàng óng và to hơn so với những loại khác. Mì sụa Sóc Trăng thường có hai loại là mì mặn và mì không mặn (hay còn gọi là mì ngọt). Mỗi loại lại được người dân biến tấu thành các món ngon khác nhau như mì sụa mặn thì dùng để chiên, xào còn mì sụa ngọt lại dùng để nấu chè.
Sợi mì tươi sẽ được trụng sơ qua trong nước nóng rồi xào chung với nhiều loại rau, nấm cùng các loại hải sản, thịt heo, gà và chấm với chén nước tương hoặc nước mắm pha chanh ớt tùy theo khẩu vị. Khi thưởng thức mì sụa Sóc Trăng xào, thực khách sẽ cảm nhận được độ dai, giòn của sợi mì hòa quyện cùng vị béo, ngọt của thịt và hải sản.
Tô mì sụa xào sẽ được ăn kèm với một chén nước dùng cho đỡ ngán. Nước dùng thường được hầm chung với giò heo và nêm nếm các loại gia vị như lá ngò, hành phi, tiêu xay, hành lá… để dậy mùi thơm, khiến người ăn cảm thấy đậm đà hơn khi húp từng muỗng.
Phá lấu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó được du nhập về nước ta và dần trở thành một món ăn phổ biến của người dân Nam Bộ, trong đó có Sóc Trăng.
Ngày nay, phá lấu Sóc Trăng nói riêng và miền Nam nói chung có rất nhiều loại như phá lấu bò, phá lấu heo, phá lấu vịt… và thường được ăn kèm với bún, bánh mì hoặc cơm. Trong đó, người dân Sóc Trăng vẫn ưa chuộng món phá lấu được làm từ heo như ruột, dồi trường, gan, lỗ tai... hơn hẳn các loại khác. Mỗi món phá lấu heo đều sức hấp dẫn riêng biệt nhưng đa phần mọi người thích nhất là phá lấu Sóc Trăng được làm từ giò heo.
Phần ngon nhất của món phá lấu Sóc Trăng là đoạn dụm móng heo vừa giòn, mềm lại béo ngậy. Giò heo trong phá lấu được chặt thành từng khoanh tròn hoặc xắt lát nhỏ và bày ra đĩa. Khi thưởng thức phá lấu Sóc Trăng, du khách sẽ ăn kèm cùng với dưa cải (người Trung Hoa gọi là tùa xại), cà chua, dưa leo, rau sống và một chén xì dầu để chấm. Các "tín đồ xê dịch" có thể ăn phá lấu Sóc Trăng cùng cơm trắng, bún, bánh mì hoặc nhâm nhi với bia, rượu cũng rất tuyệt. Theo lời người dân địa phương, món ăn này thường được mọi người thưởng thức vào những ngày trời mưa và không khí hơi se lạnh. Dưới cơn mưa rả rích, tấp vào một quán phá lấu Sóc Trăng và từ từ thưởng thức hương vị đậm đà, nóng hổi thì chẳng còn gì bằng.
Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Bánh bầu, ăn một lần sẽ nhớ mãi bởi hương vị đặc biệt
Bánh bầu Sóc Trăng có hai loại chính là ngọt và mặn. Nguyên liệu để làm nên món bánh này chủ yếu là bầu non, bột gạo, tôm (tép), nước cốt dừa, hành lá, bột cà-ri… Để có một chiếc bánh thơm ngon, đầu tiên là phải chọn được bầu non rồi gọt bỏ vỏ, ruột, rửa sạch, sau đó đem bào lấy sợi.
Bánh bầu Sóc Trăng mặn sẽ có phần kỳ công hơn hẳn. Khi bánh gần chín, ngoài phần hành lá thì bánh bầu mặn sẽ được điểm thêm phần nhân hấp dẫn. Nhân bánh bầu mặn thường là tôm băm nhỏ, xào sơ với nước mắm, hạt nêm, đường và thêm vào chút bột cà-ri cho bắt mắt. Bánh bầu mặn không chỉ dùng với cốt dừa mà còn có ít nước mắm chua ngọt sền sệt để tăng thêm vị ngon làm giảm độ béo cho chiếc bánh dân dã này.
Mỗi loại bánh sẽ có những hương vị khác nhau mà để bạn phải lưu luyến. Bánh bầu ngọt được ăn với cốt dừa beo béo. Có thể nói, nước cốt dừa được xem là linh hồn của món ăn. Nước cốt dừa mỗi nơi lại được nấu khác nhau nhưng đều cùng một vị ngon béo ngậy, khó tả, mùi thơm vô cùng mời gọi, kết hợp với món ngọt thì còn gì bằng. Khi mới ăn vào có phần thấy lạ miệng, độ béo vừa phải, vị mằn mặn của một ít muối trong cốt dừa.
Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Chao môn, đặc sản nước chấm nổi tiếng được nhiều người yêu thích
Bên cạnh nhiều loại bánh ngọt hấp dẫn, vùng đất này còn được biết đến với đặc sản chao môn Sóc Trăng. Món nước chấm trứ danh khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long này chắc chắn sẽ khiến bất kỳ thực khách nào cũng đều phải mê mẩn.
Chao môn Sóc Trăng là đặc sản được chế biến từ khoai. Mọi người thường chọn những loại khoai môn lớn, màu trắng.
Chao môn Sóc Trăng không chỉ đơn giản là món chấm quen thuộc của người dân miền Tây mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Khoai môn là loại rau củ không chứa cholesterol, có nhiều hàm lượng chất béo tự nhiên nên phù hợp với những bạn trẻ đang có muốn tìm một loại nước chấm thơm ngon, hỗ trợ cho việc ăn chay hay đang trong quá trình kiêng chất béo.
Những món ăn giản dị khi kết hợp với vị béo, ngọt, bùi của chao môn mang đến cho bà con Sóc Trăng bữa cơm quây quần đầy ấm cúng. Bên cạnh đó, chao môn cũng được dùng để chế biến tạo nhiều món ngon hấp dẫn như vịt nấu chao, sườn heo, mực nướng, tôm sốt, rau muống xào… Tất cả các món ăn đều mang đến cho thực khách nhiều trải nghiệm ăn uống tuyệt vời chỉ có khi đến Sóc Trăng du lịch.
Món ăn đặc sản ở Sóc Trăng: Chè Ỷ, vị ngon hấp dẫn cùng với màu sắc bắt mắt
Chè Ỷ Sóc Trăng là một cái tên quen thuộc đối với người dân nơi đây. Tuy món chè này chỉ sử dụng những nguyên liệu quen thuộc nhưng phương thức chế biến lại vô cùng phức tạp.
Để có món chè Ỷ Sóc Trăng thơm ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu là yếu tố then chốt. Những củ khoai phải có kích thước to đạt chuẩn, không bị sượng thì món chè khi thành phẩm mới sở hữu hương vị và độ dẻo. Ngoài ra còn có nguyên liệu khác thay thế bột khoang lang trắng chính là bột nếp và bột năng.
Những viên chè Ỷ Sóc Trăng sau khi được nấu chín sẽ có màu trắng đục hoặc những sắc tím, đỏ bắt mắt khác, ăn vào giúp giải nhiệt rất tốt. Khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ cảm nhận được độ mềm dẻo, sự giòn tan của khoai, vị ngọt thanh của nước cốt, mùi thơm của gừng và đậu phộng rang, cho thêm vài viên đá để giải nhiệt trưa hè thì còn gì bằng.
Thời điểm tuyệt với nhất để ăn món chè Ỷ Sóc Trăng chính là vào những ngày nóng bức hay trời lạnh buốt vì đây là lúc các "tín đồ xê dịch" cần cân bằng lại nhiệt độ cơ thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.