Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi

Lan Anh Thứ năm, ngày 29/06/2023 06:11 AM (GMT+7)
"Không ngờ tại 1 điểm trường chính, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 100km, thế nhưng sân chơi cho các con thiếu thốn, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, nhà bếp sơ sài, lạc hậu. Đặc biệt là học sinh nơi đây vẫn phải sinh hoạt bằng nước giếng khoan, chưa có nước sạch để sử dụng".
Bình luận 0

Chia sẻ trên là cảm xúc của Bác sĩ Trương Cao Luận - Giám đốc Nha khoa Sài Gòn H.N dành cho cô trò Trường Mầm non Kháng Nhật (xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) khi chứng kiến cơ sở vật chất của nhà trường thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng.

Ngôi trường 43 năm tuổi

Vừa qua, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã có dịp về với Trường Mầm non Kháng Nhật trao tặng những phần quà, học bổng của bạn đọc ủng hộ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, khi đến đây, đoàn từ thiện xã hội Báo NTNN/Điện tử Dân Việt không khỏi bất ngờ bởi cơ sở vật chất trong nhà trường xuống cấp trầm trọng.

Được biết Trường Mầm non Kháng Nhật thuộc xã Kháng Nhật - xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Dù chỉ cách trung tâm thị trấn Sơn Dương 12km, thế nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ông Trần Viết Hướng - Bí thư Đảng ủy xã Kháng Nhật cho biết: "Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 980 hộ, trong đó có 250 hộ nghèo và 99 hộ cận nghèo. Vậy nên đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn".

Xây dựng từ năm 1980, đến nay Trường Mầm non Kháng Nhật đã xuống cấp trầm trọng. Cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kháng Nhật chia sẻ: "Sau 43 năm, cơ sở vật chất tại nhà trường đã không còn bảo đảm an toàn. Mỗi khi trời mưa, mái nhà dột lỗ chỗ, cô trò chúng tôi phải sử dụng chậu để hứng nước mưa.

Không những vậy, tường bị mủn, bong tróc từng mảng lớn do bị thời gian "ăn mòn". Thậm chí một số phòng học có nguy cơ bị sập xuống bất cứ lúc nào".

Thăm quan bếp ăn dành cho các em học sinh, chúng tôi không khỏi xót xa trước sự đơn sơ, lạc hậu của căn bếp. Căn bếp nhỏ với chiếc Gác - măng - giê cũ kỹ (chạn đựng bát đũa từ những năm đầu kỷ 20), 1 chiếc chảo gang cùng 1 gác bếp cập kênh. 

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 2.

Góc bếp của các cô giáo - nơi chế biến thức ăn cho toàn bộ học sinh nhà trường. Ảnh: Kim Hương

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 3.

Căn bếp nhỏ của Trường Mầm non Kháng Nhật với chiếc Gác - măng - giê cũ kỹ (chạn đựng bát đũa từ những năm đầu thế kỷ 20). Ảnh: Kim Hương

Điều đáng nói, tại Trường Mầm non Kháng Nhật, các cô giáo hàng ngày vẫn cần mẫn thổi lửa nấu cơm cho 200 học sinh bằng bếp củi từ 6 giờ sáng.

Trực tiếp lắng nghe chia sẻ của cô Hồng, chúng tôi mới thấu hiểu được sự khó khăn mà cô trò tại Trường Mầm non Kháng Nhật những năm tháng qua. Cô Hồng chia sẻ rằng từ năm 1980 đến nay, mỗi ngày các cô giáo trong trường đều nấu ăn bằng bếp củi cho học sinh của trường.

Mùi khói bếp từ lâu chỉ còn xuất hiện trong ký ức, nỗi nhớ về một miền quê nghèo khó, thế nhưng với các cô giáo tại trường, đây là mùi hương quen thuộc hàng ngày. Để nấu 1 bữa trưa cho học sinh, các cô giáo phải chuẩn bị từ 6 giờ sáng. Đun nước, nấu cơm, chế biến thức ăn,... hoàn toàn được thực hiện bằng bếp củi.

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 4.

Căn bếp hơn 40 năm phục vụ các em học sinh trường Mầm non Kháng Nhật. Ảnh: Kim Hương

Chứng kiến cơ sở vật chất của nhà trường thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng bác sĩ Trương Cao Luận - Giám đốc Nha khoa Sài Gòn H.N xúc động: "Không ngờ tại 1 điểm trường chính, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 100km, thế nhưng cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp trầm trọng, bếp ăn sơ sài, lạc hậu.

Đặc biệt là học sinh nơi đây vẫn phải sinh hoạt bằng nước giếng khoan. Các em muốn có nước sạch để uống phải nhờ các cô giáo đun sôi".

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 2.

Học sinh tại trường hiện tại vẫn sử dụng nước giếng khoan. Các cô giáo sẽ đun sôi trước khi cho các em học sinh sử dụng. Ảnh: Bảo Yến

Chị Nguyễn Thị Mai - phụ huynh học sinh cho biết: "Dù biết nhà trường khó khăn về cơ sở vật chất nhưng gia đình chúng tôi cũng rất hoàn cảnh. Vậy nên các gia đình bảo nhau mỗi tháng góp cho nhà trường củi khô phục vụ cho việc đun nấu. Chúng tôi cũng mong muốn nhà trường có bếp nấu hiện đại hơn để các cô đỡ vất vả".

Mong ước của cô trò miền sơn cước

Ngoài mong muốn nâng cấp những cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, cô Hồng cũng khao khát cho các em học sinh có đồ chơi, trang thiết bị mới để thay thế những thứ đã rơi vào trạng thái "trưng bày".

Chiếc tủ đựng đồ cá nhân của các em học sinh đã mục nát, "tan hoang" từ lâu. Theo chia sẻ của cô Hồng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đó vài năm các cô giáo đã gắn miếng gỗ ép phía sau chiếc tủ khi phần "lưng" bị bong vì mục nát. Được một thời gian nó lại bong ra, không có tiền mua mới, các cô giáo lại tự động viên nhau dùng miếng xốp "vá" lại.

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 3.

Chiếc tủ đựng đồ cá nhân của các em học sinh rơi vào tình trạng hỏng hóc nghiêm trọng. Ảnh: Lan Anh

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 7.

Tủ đồ cá nhân của các em học sinh Trường Mầm non Kháng Nhật từ năm 1999 đến nay. Ảnh: Kim Hương

Từ năm 1999, bao nhiêu cánh tủ nhỏ bị rơi rụng, có những ô tủ rụng cả bản lề, các cô lấy băng dính dán lại để cho các con cất đồ dùng cá nhân. "Bao năm rồi chúng tôi cứ chắp vá chiếc tủ. Tủ hỏng thì sửa, cánh tủ rơi thì chúng tôi gắn lại và sơn lại nhìn cho mới. Nhưng nó không bảo đảm an toàn cho các em học sinh bởi chiếc tủ đã quá cũ và mục nát" - cô Hồng tâm sự.

Bên cạnh đó, sân chơi dành cho các em học sinh phần lớn là những món đồ chơi đã hoen gỉ, không còn khả năng phục vụ hoạt động vui chơi của các em. Cô giáo Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng trường Mầm non Kháng Nhật cho biết đây là điểm trường chính, tuy nhiên cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu. Đồ chơi đã được cung cấp từ những năm 1991, đến nay đã quá cũ và các con học sinh không thể vui chơi an toàn.

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 4.

Cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng chia sẻ những khó khăn thiếu thốn với đoàn từ thiện Báo NTNN/Điện tử Dân Việt. Ảnh: Bảo Yến

Những chiếc đu quay có tuổi đời hơn 10 năm, thậm chí mâm quay ngoài trời sau 20 năm đến hiện tại đã không thể lăn bánh. Chiếc bập bênh hoen gỉ, từng mảng sơn tróc vảy, rơi rụng mỗi khi chạm vào. Hàng năm, khi học sinh được nghỉ hè, các cô giáo cố gắng khắc phục, tu sửa bằng cách sơn mới lại, tuy nhiên đó chỉ là biện pháp tạm thời. Từ lâu, đồ chơi ngoài trời đã không thể sử dụng và bảo đảm an toàn cho các em học sinh.

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 9.

Chiếc xích đu đồ chơi của các em học sinh mầm non bị gỉ sắt trầm trọng. Ảnh: Lan Anh

"Những giờ ra chơi, chúng tôi cũng không dám để các con vui chơi trên chiếc đu quay cũ kỹ không thể lăn bánh hay chiếc bập bênh đầy gỉ sắt. Cơ sở vật chất của nhà trường đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm.

Vậy nên các em học sinh phải sinh hoạt, học tập trong môi trường điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Thương học sinh, cô giáo trong trường luôn tự động viên nhau cố gắng chăm sóc, bảo vệ các em học sinh hết sức mình" - cô Trần Thị Kim Hương - giáo viên công tác 15 năm tại Trường Mầm non Kháng Nhật chia sẻ.

Mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi - Ảnh 10.

Qua khảo sát, nhà báo Tống Hương - Phó trưởng Ban Bạn đọc cho biết: "Cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt là những đồ chơi dành cho các em học sinh gần như đã không còn sử dụng được". Ảnh: Bảo Yến

Thương trò nghèo và đồng nghiệp, cô giáo Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường dốc lòng kêu gọi: "Với mong muốn trẻ có một môi trường học tập tốt, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng đồ chơi Trường mầm non Kháng Nhật chúng tôi tha thiết kêu gọi các nhà hảo tâm, quý mạnh thường quân ủng hộ đồ dùng đồ chơi ngoài trời, tủ để đồ chơi, tủ để đồ dùng cá nhân trẻ, nồi cơm điện công nghiệp, bếp ga, téc đựng nước dự trữ, máy lọc nước, quạt điều hòa, tivi, tủ lạnh… để chúng tôi chủ động hơn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ".

Đại diện tập thể nhà trường và các bậc phụ huynh, cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kháng Nhật hy vọng quý mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng góp sức chung tay xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho các em học sinh.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về

Trường Mầm non Kháng Nhật (xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)

SĐT cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường: 0397 885 168

Hoặc gửi về: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay
Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ Trường Mầm non Kháng Nhật

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem