Người dân ngoại thành Hà Nội hứng tiền "vua, chúa" ban tại hội đền Sái
Người dân ngoại thành Hà Nội hứng tiền "vua, chúa" ban tại hội đền Sái
Thứ ba, ngày 20/02/2024 15:16 PM (GMT+7)
Ngày 20/2 (11 tháng Giêng), hàng nghìn người đi theo kiệu rước vua, chúa giả, thi nhau hứng lộc là các tờ tiền nhiều mệnh giá để cầu may mắn trong năm mới tại hội đền Sái (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Video: Màn tung kiệu vua chúa ở hội đền Sái.
Ngày 20/2, dân làng Thụy Lôi (huyện Đông Anh, Hà Nội) tổ chức lễ hội đền Sái để tưởng nhớ vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm xưa.
Lễ hội diễn ra cả ngày 11 tháng Giêng nhưng sôi động nhất là vào buổi chiều với nghi lễ rước vua giả từ đình làng ra đền Sái và ngược lại.
Sự kiện thu hút hàng nghìn du khách từ các xã lân cận đổ về đón xem.
Người vinh dự được vào vai vua năm nay là ông Trần Tiến Tĩnh (72 tuổi). Đây là một trong hai cụ cao niên trong làng được bà con tuyển chọn kỹ càng (với các tiêu chí con cháu hạnh phúc, đầy đủ nội ngoại và gia đình văn hoá).
Sau buổi sáng tổ chức lễ rước từ đình làng ra đền Sái. 13h chiều, "vua" đi bộ ra đền Thượng để chuẩn bị cho lễ rước lần thứ hai trở lại đình.
Được biết để vào vai vua, ông Tĩnh đã phải tập luyện cách đây hơn nửa tháng, vào ngày diễn ra lễ hội người này phải dậy sớm và mất 2 giờ đồng hồ để trang điểm.
Đi ngay dưới chân kiệu "vua" là "hoàng hậu" - vợ của ông Tĩnh. Bà chia sẻ năm nay gia đình rất vui và hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn khi chồng mình được làm "vua".
Người vào vai chúa là ông Lê Vĩnh Lô (75 tuổi). "Chúa" được vẽ mặt đỏ để dễ phân biệt so với "vua".
Trước khi vào lễ rước, "chúa" ra sau sân đền làm thủ tục chém gà tượng trưng. Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất, đắp hộ nhưng ma gà giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa.
Trong lễ rước, kiệu chúa đi đầu tiên. Đám trai tráng khoảng 15 người vừa khênh vừa tung hô nghiêng ngả. Do vậy, kiệu và người phải được bảo hiểm chặt chẽ tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Đi theo mỗi kiệu "vua, chúa" và 4 vị "quan đại thần" là các thành viên trong gia đình, họ hàng nội ngoại... Ngoài ra còn có đội âm nhạc, dâng lễ, cầm cờ, thổi tù và rộn rã suốt cung đường.
Đi sau kiệu vua là quan Tán lý, một trong 4 vị "quan" ngồi võng tham gia lễ rước. Ngoài ra còn ba vị "quan" khác được mệnh danh là "tứ trụ triều đình" gồm quan Thự vệ, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ (tất cả các quan đều trên 60 tuổi). Các ông được ngồi võng cho 'lính' rước suốt hành trình.
Trên đường về gần tới đình, khi qua cầu, có người cầm sẵn bọc tiền lẻ để cho "vua" rải xuống đường.
Khi "vua" tung tiền lẻ xuống đường, hàng chục người trong đó có cả trẻ em, thanh niên, phụ nữ thi nhau lao vào bắt với mong muốn được gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Viết Niệm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.