Người đàn ông ngồi xe lăn khởi nghiệp, tháng thu 1 tấn nấm vẫn không đủ bán

Anh Thư Thứ sáu, ngày 09/07/2021 18:55 PM (GMT+7)
Dù cơ thể không mấy lành lặn, anh Phạm Ngọc Thịnh (Chư Sê, Gia Lai) vẫn quyết tâm khởi nghiệp trồng nấm trước sự ngăn cản mãnh liệt từ gia đình. Với quyết tâm và sự cố gắng không ngừng nghỉ, anh đã có bước khởi đầu khá ưng ý, thu hoạch nấm đến đâu bán hết đến đó, thậm chí còn thiếu hàng phải nhập ở nơi khác về bán.
Bình luận 0

Sinh ra như bao người, anh Thịnh có một cơ thể lành lặn và luôn ước mơ, hoài bão, lập nghiệp trên chính nghề mà anh đã chọn – nghề mộc. Nhờ nghề này, anh có kinh tế vững vàng, gia đình, vợ con đều được nhờ vả. Anh dự định sẽ thành lập một cơ sở sản xuất nhỏ cho riêng mình.

Nhưng người tính không bằng trời tính, đến năm 2014, tai nạn nghề nghiệp khiến anh liệt 2 chân hoàn toàn do chấn thương cột sống. “Bao dự định của tôi đều tiêu tan, tôi còn không tin được mình sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời, không còn chút ý chí nào để sống tiếp. Nhìn 2 đứa con còn nhỏ dại, tôi lại lấy lại tinh thần, lao thân vào tập luyện ròng rã ngày đêm nhưng vẫn không thể lấy lại cảm giác của đôi chân”, anh bồi hồi nhớ lại.

img

Anh Thịnh quyết tâm khởi nghiệp khi đôi chân không thể đi lại được.

Tuy không thể đi lại, thời gian tập luyện đã giúp anh học được kỹ năng sống độc lập của người khuyết tật. Khi ra viện, mọi thứ với anh khó khăn hơn bao giờ hết, vợ đi làm xa, số tiền dành dụm suốt bao năm làm nghề cũng không còn đồng nào. Anh không biết làm gì để lo cho con cái. Lúc này, chân chẳng thế đi được để làm gì, anh quyết định đi bán vé số dạo, lăn lộn trên khắp nẻo đường để kiếm sống qua ngày và lo cho các con.

Sau 3 năm lăn lộn khắp nơi từ Đăk Lăk, Quảng Nam đến TP.HCM… bán vé số, anh quá nhớ con nên quyết định tìm kiếm một công việc làm tại nhà được để gần con cái và đỡ bon chen. “Chăn nuôi, trồng trọt đối với tôi thì hơi khó, tôi tình cờ thấy cây nấm trên mạng xã hội, tôi bắt đầu tìm hiểu và thấy phù hợp, tôi có thể làm được”, anh chia sẻ.

img

Nhiều người trong gia đình ngăn cản nhưng anh không hề nản chí, vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ.

Tìm hiểu rất nhiều kênh khác nhau, đến năm 2018, anh quyết định trở về nhà trồng nấm. Lúc mới về, mười người biết thì đến tám người phản đối quyết định của anh. Họ đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Ngồi xe lăn sao làm được? Làm rồi bán cho ai?...”

Nhờ sự hỗ trợ của một số nhà hảo tâm gửi cho 20 triệu đồng, anh bắt đầu khởi nghiệp, mua 2.000 phôi nấm sò trắng về trồng. Mới làm, mọi thứ đầu mới lạ, bao khó khăn, vất vả đều ập đến. Lần đầu làm nên không thành công, anh cố gắng mà chỉ thu được tiền vốn. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm hiểu thêm và anh may mắn khi được một người có kinh nghiệm trồng nấm đến hỗ trợ kỹ thuật nhiệt tình và chu đáo, có người lại đến hỗ trợ máy tưới tự động, có người lại tặng phôi…

img

Hằng ngày, anh Thịnh đi xe lăn vào trại nấm của mình để chăm sóc.

“Tôi mua thêm 3.000 phôi nấm bào ngư xám để làm. Lần này, tôi nghĩ quyết liều một lần, nếu thất bại sẽ quay trở về đi bán vé số. Nhưng ông trời thương, lần này nấm ra đẹp, đều, hái sướng tay…”, anh kể.

Hiện, anh đã thành thạo trong việc chăm sóc nấm, anh có thể hướng dẫn cho những người mới vào nghề được. Chính vì thế, anh mở rộng trại nấm nhà mình khoảng 20.000 phôi nấm, mỗi tháng anh thu về được khoảng 1 tấn nấm, giá dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Theo anh, số lượng nấm này không đủ để bán cho các đầu mối, anh phải đi tìm các trại nấm đạt chất lượng để thu mua nấm về bán.

img

Sau bao cố gắng, anh đã đạt được một số thành tựu nhất định trong công việc.

Một lứa phôi anh thu được từ 3-4 tháng, 1 tháng cho 2 lần thu hoạch, tùy theo cách chăm sóc của mỗi người... Chăm sóc tốt sản lượng sẽ đạt hơn. Nói về cách chăm sóc nấm, anh cho biết cần vệ sinh trại sạch sẽ, xử lý bằng vôi, nhất là ở cổ miệng cho ra nấm, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi hái, nếu để sót gốc nấm thì rất dễ bị nhiễm khuẩn và côn trùng gây hại.

Trại nấm đã giúp anh có thu nhập ổn định, nuôi sống gia đình anh. Tuy nhiên, anh được nhiều anh chị em cùng cảnh ngộ đến học hỏi, cùng nhau phát triển và thành lập một nhóm riêng. “Mọi người trong nhóm đều hỗ trợ nhau trong mọi khâu chăm sóc, đặc biệt đã có thể tự làm phôi để phục vụ cho anh em trong nhóm và cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm”, anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, anh làm ra sản phẩm nấm tẩm vị chế biến thuần chay để phục vụ mọi người, nâng cao giá trị sản phẩm. Anh dự định trong tương lai sẽ cải thiện sản phẩm hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem