Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ GTVT vừa trả lời kiến nghị cử tri TP.Hà Nội về một số vấn đề liên quan đến đăng kiểm phương tiện mà cử tri đề nghị Bộ GTVT chất vấn việc gia hạn đăng kiểm thêm 6 tháng cho một số phương tiện quy định tại Thông tư số 08/2023 ngày 2/6/2023 liệu có thực sự an toàn khi tham gia giao thông.
Về nội dung quy định gia hạn kiểm định thêm 6 tháng cho một số phương tiện, Bộ GTVT cho biết, thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, Bộ GTVT nhận được nhiều kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp và người dân đề nghị kéo dài chu kỳ kiểm định đối với nhóm xe ô tô con chở người đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải.
Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã khẩn trương rà soát các quy định hiện hành về kiểm định xe cơ giới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành 2 thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trên thực tế, Thông tư số 08/2023 ngày 2/6/2023 chỉ cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023 ngày 22/3/2023 đối với xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải.
Thông tư số 02/2023 đã điều chỉnh chu kỳ kiểm định của nhóm phương tiện nêu trên thêm 6 tháng so với Thông tư số 16/2021 mà không thay đổi tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá ATKT & BVMT của phương tiện so với các quy định trước đây.
Chỉ có các phương tiện đã được kiểm định ATKT & BVMT, đã được cấp Giấy chứng nhận và Tem kiểm định trước ngày 22/3/2023 (ngày Thông tư số 02/2023 có hiệu lực) mới được áp dụng thêm 6 tháng theo chu kỳ kiểm định quy định tại Thông tư số 02/2023.
Bởi các phương tiện này đã được kiểm tra, đánh giá, có quy trình, nội dung và các hạng mục kiểm tra tương tự như các phương tiện được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận ATKT & BVMT hiện nay.
Theo Bộ GTVT, việc sửa đổi, bổ sung quy định về chu kỳ kiểm định đối với nhóm xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải nêu trên được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá kết quả kiểm định trong những năm gần đây và cập nhật kinh nghiệm quy định chu kỳ kiểm định quốc tế đã góp phần làm giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kiểm định.
Bên cạnh đó, đây là nhóm xe ô tô con thuộc sở hữu cá nhân, cường độ sử dụng không nhiều so với các xe có kinh doanh vận tải, là tài sản có giá trị của người dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của chủ phương tiện cùng gia đình, người thân nên thường được chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa tốt hơn so với các loại phương tiện chuyên để kinh doanh vận tải.
Đối với đề nghị Bộ GTVT khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách, quy định của ngành để các trung tâm đăng kiểm sớm đi vào hoạt động ổn định, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi cả nước, Bộ GTVT cho biết, nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023 ngày 8/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; ban hành 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021.
Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên được ban hành đã quy định chặt chẽ hơn một số nội dung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, đảm bảo minh bạch công tác kiểm định xe cơ giới.
Qua đó, quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép cho các đơn vị đăng kiểm, việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch của địa phương; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn; phù hợp kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định và không gây cản trở, ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Đồng thời, phân cấp rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc cấp phép, quản lý các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên.
Trong đó, Sở GTVT thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn; Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện công tác quản lý nghiệp vụ chuyên ngành và chịu trách nhiệm thực hiện cấp Chứng chỉ đăng kiểm viên trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó cũng quy định rõ hơn về công tác thanh tra, kiểm tra, các Sở GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tại địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước.
Về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm cũng được quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn, đồng thời, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ,…
Đáng chú ý, cũng bổ sung các chế tài xử lý đối với đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên và nhân viên về các hành vi tự ý đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định, từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định… gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên để tăng tính răn đe; tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm nếu để xảy ra sai phạm; Xây dựng mới hệ thống phần mềm quản lý kiểm định đồng bộ theo hướng quản lý, giám sát công tác kiểm định phương tiện trong thời gian thực (online), tăng tính bảo mật và hạn chế các can thiệp tiêu cực đến kết quả kiểm tra trong quá trình kiểm định phương tiện.
Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo đề xuất Chính phủ trình Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá, trong đó đề nghị điều chỉnh quy định về giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới để phù hợp với thực tế hiện nay nhằm bảo đảm thu nhập cho đơn vị đăng kiểm, người lao động, hạn chế tiêu cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.