Trong căn nhà cấp 4 khá cũ kỹ kiêm cửa tiệm trên đường Nguyễn Bá Loan (TP.Quảng Ngãi), cụ Vui nói: "Giờ máy vi tính, photocopy đã thế chỗ chứ cách đây 20 - 30 năm thì đây là nghề "ăn nên làm ra".
Nơi ở kiêm tiệm đánh máy chữ của cụ Vui
"Thời TP.Quảng Ngãi còn là thị xã, chỉ có tất cả 4 địa điểm đánh máy chữ thuê nên khách đông nghịt. Khách hàng đủ thành phần, từ người cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp, người dân... Văn bản, giấy tờ được thuê gõ cũng đủ loại, như: Giấy khai sinh, giấy phép, di chúc, điếu văn, đơn thư, các giấy tờ cần sao y bản chính... Vì vậy chuyện khách phải chờ 1-2 ngày là bình thường"- cụ Vui nhớ lại.
Cụ Vui đang đánh máy văn bản cho khách.
Theo lời cụ Vui, người làm nghề này không chỉ đơn thuần biết gõ chữ mà phải "đa năng khiếu". Bởi lẽ, có khách hàng tìm đến chỉ kể lại câu chuyện bằng lời nói, rồi nhờ viết và trình bày thành văn bản. Có trường hợp yêu cầu đánh từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc ngược lại.
Những văn bản cũ ngày trước được đánh máy hiện vẫn được cụ Vui lưu giữ lại làm kỷ niệm.
Còn tiền công thì cứ đánh chữ 5 - 6 tờ giấy khổ A4 thì được 3.000 đồng. "Giàu thì không dám nói nhưng nhờ vào nghề gõ chữ này mà tôi nuôi được cả 10 người trong gia đình, rồi cho con cái ăn học tử tế" - cụ Vui tâm sự.
Thế nhưng từ năm 2000, khi máy tính bắt đầu xuất hiện, nghề đánh chữ ế ẩm dần. Theo đó, số người hành nghề này lần lượt bỏ, chuyển công việc khác và hiện duy nhất ở Quảng Ngãi chỉ còn mỗi cụ Vui.
Dù chẳng mấy khi có khách, nhưng cụ Vui vẫn chưa có ý định bỏ nghề
Dù lâu mới khách nhưng cụ Vui vẫn chưa có ý định bỏ nghề. Sau mỗi năm, cụ Vui vẫn sơn lại tấm biển hiệu “Nhận đánh máy chữ...” trước hiên nhà.
“Có người tìm đến trả giá cao để mua lại hai cái máy đánh chữ nhưng tôi nhất quyết không bán" - cụ Vui cho biết. Riêng Ribbon mực máy đánh chữ hiện không cửa hàng nào bán để thay, cụ Vui nghĩ ra cách mài than đá hòa thành mực nhuộm vào để tiếp tục hành nghề khi có khách đến yêu cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.