Chị Ngô Thị Nhân, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) là một trong những nông dân vinh dự được nhận bằng khen của Bộ TNMT vì có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường năm 2015. Chị Nhân là nông dân kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Công việc trồng trọt, chăn nuôi của nhà nông đã đưa chị đến với lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (giữa) trao đổi với chị Ngô Thị Nhân (thứ 2, phải) về quá trình gây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ rác. Ảnh: N.C
Năm 2010, vợ chồng chị “xung phong” ra cồn cát thôn Triều Dương lập trang trại. Lúc bấy giờ chỉ có những cồn cát trắng và chưa có điện. Vợ chồng chị được giao gần 7ha cồn cát. Miệt mài cải tạo, anh chị trồng cây keo tràm phủ xanh đồi cát, xây dựng chuồng trại nuôi heo, gà. Năm 2012 gia đình chị mất trắng gần 1 tỷ đồng vì dịch bệnh.
Vợ chồng bắt đầu làm lại từ 2 bàn tay trắng. Chị Nhân phải đi nhặt rác để có thu nhập lo cho gia đình. “Có rất nhiều loại rác thải hữu cơ. Tôi nảy ra ý tưởng gom rác hữu cơ để ủ thành phân bón. Phân bón đó dùng để cải tạo gần 7ha đất cát trắng của trang trại”. Năm 2013, vợ chồng chị bắt tay vào gây dựng nhà xưởng thu gom, phân loại, ủ rác hữu cơ thành phân bón với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, Hội ND địa phương và sự tư vấn, giúp đỡ của một số kỹ sư chuyên ngành. Rác khi thu gom về, công nhân phân loại, rác vô cơ thì bán lại cho các xưởng phế liệu, rác hữu cơ thì đem ủ với men vi sinh. Sản phẩm sau ủ đem trộn với phân chuồng hoai mục với tỷ lệ 50-50.
Năm thứ 2, công suất thu gom của xưởng lên tới vài ngàn tấn rác/năm và sản xuất ra xấp xỉ 150 tấn phân bón hữu cơ. Chị Nhân tâm sự: “Gom rác ủ thành phân hữu cơ mang lại 3 lợi ích là bảo vệ môi trường, cải tạo đất canh tác bền vững, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật; tốt cho sức khỏe của nông dân và mang lại những sản phẩm nông nghiệp an toàn đối với người tiêu dùng. Ước vọng của tôi là hiện đại hóa việc sản xuất phân bón hữu cơ bằng một dây chuyền máy móc hiện đại…”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.