Nhạc kịch dựng từ tiểu thuyết “Bỉ vỏ” khiến con gái nhà văn Nguyên Hồng bật khóc

Hà Tùng Long Chủ nhật, ngày 30/06/2024 09:22 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Thanh Thư – con gái thứ 4 của nhà văn Nguyên Hồng đã không kìm được nước mắt khi thưởng thức nhạc kịch “Bỉ vỏ” chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của cha mình.
Bình luận 0

Tối 29/6 tại Hải Phòng, nhạc kịch Bỉ vỏ đã chính thức ra mắt khán giả. Đây là vở nhạc kịch do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chỉ đạo, Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện.

Nhạc kịch Bỉ vỏ được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, gồm 3 hồi, 8 cảnh với tổng thời lượng 90 phút, khắc họa rõ nét xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc có sự tham gia của hơn 80 diễn viên trẻ trung, tài năng.

Nhạc kịch Bỉ vỏ khiến con gái nhà văn Nguyên Hồng bật khóc- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và bà Trần Hoàng Mai - Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng tặng hoa cho con gái nhà văn Nguyên Hồng. Ảnh: TH

Từ Hà Nội xuống Hải Phòng để thưởng thức vở nhạc kịch được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của cha mình, bà Nguyễn Thị Thanh Thư mang rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Ngồi ở hàng ghế thứ 2 của Nhà hát Thành phố Hải Phòng để theo dõi vở diễn, bà Thư nhiều lần rơi nước mắt.

Bà Thư cho biết, năm 1978, bà từng được cha mình dắt tay vào Nhà hát Thành phố Hải Phòng để xem kịch Con cáo và chùm nho. Sau nhiều năm, trở lại nơi này, bà không còn cha dắt tay như trước. Trước khi xuống Hải Phòng, bà Thư đã thắp hương cho cha. Bà tin rằng, nhà văn Nguyên Hồng rất mừng khi tiểu thuyết của mình được chuyển thành nhạc kịch.

"Tôi cùng 4 chị em về Hải Phòng xem nhạc kịch Bỉ vỏ từ sáng sớm với tâm trạng đầy háo hức và bồi hồi. Tôi từng có 3 năm làm việc tại Hải Phòng nên có nhiều kỷ niệm đẹp với vùng đất này. Cha tôi viết Bỉ vỏ từ khi thành phố Hải Phòng còn nhiều vất vả, nghèo khổ nhưng bây giờ Hải Phòng đã rất giàu có, văn minh và hiện đại.

Nhạc kịch Bỉ vỏ khiến con gái nhà văn Nguyên Hồng bật khóc- Ảnh 2.

Một cảnh trong vở nhạc kịch "Bỉ vỏ". Ảnh: TH

Xem nhạc kịch Bỉ vỏ, nhiều lần tôi xúc động, không kìm được cảm xúc. Đặc biệt là ở đoạn cuối, khi Tám Bính trải qua nhiều vất vả, vùi dập vẫn nhận ra đứa con của mình... Ở cả vở kịch, các diễn viên đều "cháy" hết mình. Tôi cảm phục và biết ơn các nghệ sĩ, lãnh đạo ở Hải Phòng đã làm mọi cách để sáng tạo, nối dài tác phẩm Bỉ vỏ của cha tôi.

Nếu cha còn sống, ông sẽ khóc khi xem kịch vì ông từng có một tình yêu lớn lao, sâu sắc với Hải Phòng. Tôi đã từng xem tác phẩm được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật nhưng vở nhạc kịch này khiến tôi thích và xúc động nhất. Tôi cũng ngạc nhiên khi người Hải Phòng rất yêu nghệ thuật, tôi ghi nhận tình cảm của khán giả với vở kịch này", con gái nhà văn Nguyên Hồng bày tỏ.

Bỉ vỏ chạm đến cảm xúc của khán giả Hải Phòng

Chia sẻ cảm xúc khi xem nhạc kịch Bỉ vỏ, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ rằng, chưa bao giờ bà thấy nhạc kịch lại làm về đề tài lịch sử của xã hội Việt Nam. Đây là một thử thách cực kỳ lớn lao đối với ê-kíp thực hiện. Vở kịch chứa rất nhiều thông điệp và nhiều bối cảnh nên chuyển tải làm sao để trọn vẹn thông điệp của tác phẩm gốc nhưng vẫn phù hợp với ngôn ngữ nhạc kịch mà vẫn lấy được cảm xúc của khán giả là rất khó.

Nhạc kịch Bỉ vỏ khiến con gái nhà văn Nguyên Hồng bật khóc- Ảnh 3.

Nhạc kịch "Bỉ vỏ" do nghệ sĩ Tuyết Minh làm Tổng đạo diễn. Ảnh: TH

"Tổng đạo diễn Tuyết Minh đã có những bước tiến rất xa khi dàn dựng vở nhạc kịch Bỉ võ. Trước đây, chị từng dựng nhiều vở có quy mô hoành tráng hơn nhưng vở kịch này lại đòi hỏi sự tinh chắt. Chính sự tinh chắt đó đã chạm vào cảm xúc của khán giả.

Tôi cũng rất ngạc nhiên vì vở kịch hoàn toàn do các diễn viên, nghệ sĩ Đoàn Kịch Hải Phòng thực hiện. Có lẽ đây là lần đầu tiên một đoàn kịch địa phương dám thực hiện vở nhạc kịch. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều tài năng bộc lộ trong vở diễn này. Hai bạn đóng Tám Bính và Năm Sài Gòn thời trẻ múa rất đẹp, diễn xuất đầy cảm xúc", NSND Trịnh Thúy Mùi nói thêm.

Vở diễn do nghệ sĩ Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - viết kịch bản, lời ca khúc, kiêm tổng đạo diễn. Tuyết Minh đã phải nghiên cứu rất kỹ tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng, hình dung bối cảnh của đất Cảng miền Bắc những năm 1937-1938, để cảm nhận một thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Dương ngày ấy.

Trong vở diễn, chị đã dùng nhiều đối thoại lồng ghép âm nhạc để thể hiện tính cách và quan hệ của các nhân vật, mở ra bức tranh xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.

Nhạc kịch Bỉ vỏ khiến con gái nhà văn Nguyên Hồng bật khóc- Ảnh 4.

Khán giả ngồi chật kín khán phòng, say sưa khi xem "Bỉ vỏ". Ảnh: TH

"Tôi không muốn vở nhạc kịch chỉ minh họa nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng. Tôi muốn kết nối với tư tưởng của ông để khán giả thấy một Hạ Lý rất khác nhưng mang hơi thở bản sắc Hải Phòng.

Những nghệ sĩ thể hiện tác phẩm là người sinh ra lớn lên ở đây, mang giọng Hải Phòng, tính cách mạnh mẽ, hào sảng đậm chất đất Cảng đã cùng bước lên chuyến tàu nhạc kịch Bỉ vỏ đầy sống động", biên đạo Tuyết Minh chia sẻ.

Nữ biên đạo cho biết thêm, ban đầu nhiều nghệ sĩ chưa hiểu nhạc kịch là gì nên họ phải vượt qua giới hạn bản thân mình để tham gia vở như phải biết nhảy, hát, kỹ năng về biểu diễn, cảm thụ âm nhạc...

"Nghệ sĩ phải tương tác nhiều hơn với dàn nhạc - là đòi hỏi cao hơn của những diễn viên tham gia nhạc kịch. Để làm được điều này, hiện nay chỉ có một số đơn vị đáp ứng được như: Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng TPHCM, Nhà hát Tuổi trẻ...

Tuy nhiên, khi về làm việc với Đoàn Ca múa Hải Phòng, chúng tôi thấy các diễn viên ở đây rất cố gắng để hoàn thiện mình. Nhạc kịch khó nhất là nhạc và lời, chúng tôi vừa phải chỉnh sửa kỹ năng vừa phải sửa giọng cho diễn viên. Ngoài sáng tác, tôi cũng là huấn luyện viên của họ...", chị nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem