Nhạc sĩ Giáng Son: “Tôi rất xấu hổ khi Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Trần nói hát giúp không lấy tiền”

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 14/01/2025 19:41 PM (GMT+7)
"Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người yêu thương nhưng cũng cảm thấy xấu hổ nữa. Hình như mọi người thấy tôi nghèo quá nên nhận hát mà không lấy tiền", nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Vì sao đang làm giảng viên ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, một công việc mà nhiều người mơ ước và chị đã gắn bó từ lâu, bỗng dưng chị lại xin nghỉ?

- Tôi làm giảng viên giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội từ năm 2002, đến thời điểm xin nghỉ là 23 năm. 

Lúc tôi vào giảng dạy tại trường là mới tốt nghiệp được 3 năm. Thật sự lúc đó tôi vẫn đang rất trẻ, ôm nhiều hoài bão, ước mơ… Tôi tham gia ban nhạc 5 Dòng Kẻ, lúc đó ban nhạc đang rất nổi đình nổi đám ở TP.HCM nhưng tôi vẫn phải dứt áo trở lại Hà Nội để làm cô giáo và trở lại với nghiệp sáng tác.

Nhạc sĩ Giáng Son lần đầu lên tiếng chuyện nghỉ việc ở Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Giáng Son đã nghỉ việc ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc

Thời điểm đó, bố tôi là Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều và mẹ tôi là nghệ sĩ chèo Bích Ngọc đều mong muốn sau khi tôi học xong sẽ về lại ngôi trường mà bố mẹ từng công tác để giảng dạy âm nhạc nên tôi đã quyết tâm về gắn bó với ngôi trường này.

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có khoa Kịch hát dân tộc do bố tôi làm Trưởng khoa, mẹ là giảng viên dạy Nghệ thuật chèo. Mãi sau này tôi mới hiểu, có thể, ngày xưa bố muốn tôi về trường để nối nghiệp bố, về sau cũng viết nhạc cho các vở thuộc các loại hình sân khấu như: Chèo, Tuồng, Cải lương… Viết trên nền nhạc dân tộc nhưng có kỹ thuật của dàn nhạc phương Tây.

Ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, bộ môn Âm nhạc không phải bộ môn chính như trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hay Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Môn âm nhạc ở trường cũng là môn chuyên ngành nhưng không trọng yếu bằng sân khấu và điện ảnh.

Giảng dạy ở trường có cái hay là các em nhạc công của Tuồng, Chèo, Cải lương khi diễn tấu những lòng bản cổ thì mình nghe sẽ được thấm hồn cốt của dân tộc và đúng nghĩa chưa bị phai tạp về lòng bản. Đây cũng là khoa duy nhất của trường dạy các lòng bản chứ không phải như ở Học viện Âm nhạc là dạy các tác phẩm của các nhạc sĩ viết cho các nhạc cụ dân tộc. Trường cũng có một lớp Sáng tác – Chỉ huy dành cho dàn nhạc dân tộc và môn này do chính bố tôi ngày xưa chủ trì, trực tiếp soạn giáo trình để giảng dạy.

Sau 23 năm giảng dạy, tôi nhận thấy mình cần phải có sự thay đổi cho bản thân. Tôi thấy các cụ ngày xưa nói rất chuẩn: "Thầy già con hát trẻ". Tức là khi tốt nghiệp ra trường, đáng lẽ mình tung tẩy với đam mê ca hát, đi biểu diễn khắp nơi, được trải nghiệm nhiều cung bậc của cuộc sống… sau đó về trường giảng dạy cho các em thì sẽ tốt hơn là khi mình vừa ra trường đã về đi dạy ngay.

Có vẻ như công việc giảng dạy khiến chị không được thoải mái bay nhảy như những ngày chị làm ca sĩ trong ban nhạc 5 Dòng Kẻ?

- Tôi nhận thấy mình rất ngoan và nghe lời bố mẹ nên làm giảng viên quá sớm. Đến thời điểm này, tôi nhận thấy cần có thay đổi cho bản thân. Tôi muốn được tung tẩy, được sống với sân khấu ca nhạc, được đi khắp nơi để tìm cảm hứng sáng tác mà không bị bó buộc bởi những giờ giảng dạy trong trường.

Nhạc sĩ Giáng Son lần đầu lên tiếng chuyện nghỉ việc ở Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Giáng Son trẻ trung ở tuổi U50. Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc

Một áp lực nữa đó là sự thay đổi liên tục của giáo trình, giáo án, các quy định nghề nghiệp cũng khiến tôi có lúc mệt mỏi. 

Bên cạnh đó, sinh viên bây giờ có nhiều cơ hội học tập nhưng các em quá vội vàng với chuyện kiếm tiền nên không thực sự trau dồi nghề nghiệp khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều khi đến lớp thấy vắng quá tôi rất buồn. Một lớp có 6 bạn thôi nhưng nghỉ đến một nửa, thậm chí có những buổi chỉ còn vài ba bạn thôi. Thành ra, cảm hứng để dạy học cũng giảm sút đi rất nhiều.

Hơn nữa, nghề giáo có một điều là năm nào cũng dạy đi dạy lại một giáo trình khiến cho người giảng dạy cảm thấy nhàm chán. Đương nhiên, với những lớp học khác nhau, con người khác nhau… tôi luôn cố gắng tìm những phương pháp mới làm sao cho nó phong phú, hiện đại hơn nhưng vẫn là những bài giảng như vậy khiến tôi cảm thấy mình cần phải có sự thay đổi. Tôi muốn thử sức ở lĩnh vực âm nhạc và giảng dạy ít đi.

Cuộc sống và công việc của nhạc sĩ Giáng Son thay đổi như thế nào khi chuyển qua làm Phó Giám đốc Trung tâm Âm nhạc trẻ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam?

- Cuộc sống của tôi thay đổi khá nhiều khi chuyển qua làm việc tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Khi chuyển qua Hội Nhạc sĩ Việt Nam công tác, tôi được bổ nhiệm làm Phó Phòng Hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Phó Giám đốc Trung tâm Âm nhạc trẻ thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trung tâm do NSND Nguyễn Quang Vinh làm Giám đốc, tôi và nhạc sĩ Đức Tân là Phó Giám đốc. Trung tâm đang trong quá trình hoàn thiện giấy tờ, vì thế mà chưa có nhiều việc lắm.

Nhạc sĩ Giáng Son lần đầu lên tiếng chuyện nghỉ việc ở Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội- Ảnh 3.

Nhạc sĩ Giáng Son và ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: NVCC

Điều thay đổi lớn nhất ở thời điểm hiện tại đó là quãng đường di chuyển từ nhà tôi ở đường Phạm Hùng lên trụ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở phố Trần Hưng đạo khá tắc nên thời gian di chuyển cả đi lẫn về đều mất tròn 2 tiếng. Ngày xưa tôi mua nhà ở đường Phạm Hùng là để gần trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Chuyển qua làm việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam tôi cảm thấy vui vì anh em trong Hội đều quen biết nhau cả nên tôi dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới.

Nhìn lại một năm mình vừa đi qua, có điều gì khiến nhạc sĩ Giáng Son vẫn day dứt hoặc tiếc nuối khi đã quyết định thực hiện một sự thay đổi lớn?

- Nhìn lại năm 2024, tôi thấy mình được rất nhiều thứ. Khi tôi quyết định bỏ công việc đang rất yên ổn ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội để chuyển qua Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì có mất một ít thời gian để làm quen với công việc từ đầu.

Dù những cộng sự của mình đều là những người thân quen nhưng đó vẫn là một sự chuyển đổi bắt buộc mình phải làm quen lại từ đầu. Quãng đường di chuyển cũng khiến tôi thay đổi nhịp sống, không giữ những thói quen thường lệ nữa.

Tôi nghĩ thuộc tuýp thay đổi khi thấy thực sự cần thiết, còn không thì tôi vẫn giữ nếp sống theo thói quen. Nhưng khi thói quen đó khiến tôi cảm thấy bức bối, không thể chịu đựng được nữa thì cần phải thay đổi.

Năm 2024 tôi thấy được nhiều hơn mất đó là dám vượt qua thử thách của bản thân. Tôi thấy hiện nay cũng không có gì phải lấn cấn cả. Công việc của tôi ngoài sáng tác âm nhạc còn giảng dạy, giám khảo… nên luôn bận rộn, không có thời gian để dành cho bản thân.

Năm ngoái, cũng vào dịp cuối năm chị ra mắt album. Năm nay, vừa đầu năm chị đã tổ chức live concert "Giấc mơ Sol". Có vẻ như bấy lâu nay Giáng Son ẩn mình để tính toán trọn vẹn mọi thứ cho bước ngoặt mới và giờ là đến thời điểm chị bùng nổ?

- Nói tính toán thì cũng không phải. Tất cả diễn ra như kiểu đến thời điểm thì phải diễn ra. Duyên đến thì sẽ gặp gỡ được những người sẽ biến giấc mơ của mình thành hiện thực. 

Giấc mơ tổ chức được một live concert thì tôi đã ấp ủ hàng chục năm trước rồi. Nhưng tôi không thể bỏ tiền túi ra tổ chức được bởi số tiền quá lớn. Tôi cần phải tìm được người tin cậy và biết tính toán cũng như tổ chức một live concert vì tôi không biết gì ngoài chuyên môn.

Nhạc sĩ Giáng Son lần đầu lên tiếng chuyện nghỉ việc ở Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội- Ảnh 4.

Nhạc sĩ Giáng Son thú nhận rất sợ làm kinh doanh. Ảnh: NVCC

Năm trước, tôi cũng đã định tổ chức live concert của mình rồi, đã dự tính ngày, tháng và địa điểm rồi nhưng vẫn chưa thành được. Có thể thời điểm đó chưa đúng hoặc duyên chưa đến. Đến bây giờ, gặp Giám đốc Sản xuất Thiên Bình thì mọi thứ rất dễ dàng như được sắp xếp trước đó rồi vậy.

Trong "Giấc mơ Sol", con người nhạc sĩ và con người ca sĩ của nhạc sĩ Giáng Son sẽ hiện lên như thế nào?

- Trong live concert "Giấc mơ Sol", tôi mong muốn con người nhạc sĩ của tôi hiện lên một cách đầy đủ nhất. Còn con người ca sĩ, tôi rất muốn mình được ngồi ở dưới ghế khán giả và được thưởng thức phần trình diễn lắng đọng hoặc bùng nổ của các ca sĩ trong chương trình. Vì nếu đóng vai trò là ca sĩ thì tôi sẽ phải biểu diễn và không được ở dưới để xem từ đầu đến cuối chương trình.

Chị nói live concert mà không bán hết vé, không thành công thì chị sẽ bán nhà trả nợ. Nghĩa là Giáng Sol hiền hiền, nhát nhát thuở nào giờ đã dám "tất tay" với những dự án âm nhạc lớn mà không nghĩ nhiều đến chuyện được mất. Phải chăng chị đang cố gắng hướng tới hình mẫu nghệ sĩ dám mất tất cả vì đam mê?

- Quả thật, năm ngoái tôi đã định làm live concert rồi nhưng thấy có mấy concert không được thành công lắm nên cũng phải suy nghĩ rất kỹ. Vì tổ chức live concert thành công thì còn đỡ, không thành công thì mình cũng phải bỏ tiền ra để bù vào nguồn kinh phí tổ chức. Tôi cũng thuộc dạng chơi hết mình trong âm nhạc. Chẳng hạn như các album của tôi là tự bỏ tiền túi ra tổ chức.

Tôi không phải người không dám tất tay đâu. Khi niềm đam mê đã trở nên mãnh liệt, quá mong muốn thực hiện điều đó thì sẵn sàng chơi đến cùng thôi.

Tùng Dương nói sẽ hát trong live concert mà không nhận cát-sê. Nhiều ca sĩ cũng không đả động gì đến chuyện tiền nong khi nhận lời hát trong live concert của chị. Chị nghĩ mình đặc biệt thế nào mà được mọi người ưu ái đến vậy?

- Tôi nghĩ là mọi người thương quý tôi nên ưu ái thế. Bình thường tôi cũng chỉ là một nhạc sĩ, giảng viên, giám khảo âm nhạc… tôi kiếm tiền rất trong sáng bằng nghề của mình, hoàn toàn không kinh doanh gì. Tôi rất sợ mất nguồn năng lượng sáng tác nếu đi theo kinh doanh.

Nhiều người khuyên tôi mở trung tâm dạy nhạc này kia nhưng tôi không làm vì tôi biết mình không giỏi lĩnh vực này. Cái gì mà không giỏi là tôi không làm. Điều quan trọng là tôi muốn dành thời gian cho âm nhạc và sáng tác âm nhạc. Với tôi, sáng tác âm nhạc vẫn là công việc chính và tôi không muốn bỏ bê niềm đam mê đó. Tôi nghĩ, nhạc sĩ mà không sáng tác được thì không phải là nhạc sĩ.

Mọi người chắc cũng biết tôi không có đủ kinh phí để tổ chức một live concert lớn như vậy hoặc sợ tôi không bán được vé nên đều nói chỉ hát hỗ trợ thôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người yêu thương nhưng cũng cảm thấy xấu hổ nữa. Hình như mọi người thấy tôi nghèo quá nên nhận hát mà không lấy tiền.

Cũng có thể đều là chỗ thân thiết với nhau nên mọi người hát giúp thôi, chỉ lấy một mức tượng trưng thôi. Cái này là chuyện rất bình thường với mọi người nhưng tôi lại rất xấu hổ. Tất nhiên, tôi sẽ không bao giờ để mọi người thiệt thòi, hát không có cát-sê được, ít nhiều gì cũng phải có.

Cảm ơn nhạc sĩ Giáng Son đã chia sẻ thông tin!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem