|
Anh Bạch Đình Thoại (phải) giới thiệu với khách thăm trại chăn nuôi sản phẩm rắn hổ mang bành. |
Vốn là thợ sửa chữa đồ điện gia dụng, năm 2003, anh Thoại về làng rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thăm một người bạn. Tại đây, anh chứng kiến cảnh người dân nuôi hàng trăm con rắn hổ mang bành. Nghề nguy hiểm, nhưng có sức hút kỳ lạ đối với anh. Nhờ bạn tư vấn, anh đầu tư nuôi 10 con rắn.
“Nhiều người trong nhà gàn, vì hổ mang là loài rắn độc, kỹ thuật nuôi chưa có, muốn nuôi phải làm thủ tục với cơ quan kiểm lâm. Mất khá nhiều thời gian, tôi mới yên tâm với nghề này. Cũng may giống rắn ít bệnh tật. Ở Phú Lương chỉ mình tôi nuôi, số lượng rắn cũng ít nên nguồn thức ăn cóc, nhái sẵn lắm. Trung bình 3 ngày mới phải cho rắn ăn một lần. Vào mùa lạnh, rắn ngủ đông 6 tháng” - anh Thoại chia sẻ kinh nghiệm.
Năm 2004, anh Thoại học kỹ thuật cho rắn giao phối, ấp nở rắn con. Một số bạn bè thấy anh nuôi thành công đã nhờ cậy anh giúp “mở nghề”. Rắn sinh sản, một phần anh nhân nuôi nâng số lượng đàn, một phần bán giống.
Năm 2008, anh xuất lứa rắn đầu tiên, 150kg rắn thịt thu về 80 triệu đồng. Năm 2009- 2010, anh xuất bán nửa tấn rắn thịt, giá 550.000 đồng/kg. Số lượng rắn nuôi tăng, năm 2010, anh chuyển cơ sở từ tiểu khu Thái An, thị trấn Đu vào trong làng. Tại đây, địa hình rộng rãi, anh tăng số chuồng nuôi rắn hổ mang bành và nuôi thêm rắn ráo, cầy hương, ong mật...
“Tôi sẽ xây dựng một trang trại nuôi các loại con đặc sản. Trước mắt tập trung nuôi rắn hổ mang bành giống, thịt; nuôi rắn ráo thương phẩm và cầy hương, tiến tới nuôi ba ba, kỳ đà...
Để hình thành được một địa chỉ nuôi con đặc sản với số lượng lớn, thông qua Hội ND thị trấn, Hội ND huyện, chúng tôi đã thành lập Hội nuôi rắn Phú Lương. Hiện, với 13 thành viên. Thời gian tới, bên cạnh việc “mở nghề” thu hút hội viên mới, Hội sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi của 13 hộ thành viên hiện có”- anh Thoại cho biết.
Đông Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.